Tập đoàn Besra Việt Nam “hứa” trả nợ… khi giá vàng tăng

(PLO) - Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tại cuộc họp giải quyết vấn đề nợ nần tổ chức hôm 23/1, Tập đoàn Besra Việt Nam “hứa” sẽ trả 352 tỷ đồng tiền nợ thuế với thời hạn 2 hoặc 4 năm nếu…. giá vàng thế giới tăng trở lại.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trả lời nhanh báo chí Trung ương sau khi cuộc họp kết thúc
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trả lời nhanh
báo chí Trung ương sau khi cuộc họp kết thúc
Cam kết trả nợ khi 
giá vàng thế giới tăng
Cuộc họp “kín” cấm cửa báo chí Trung ương kéo dài đến khoảng 11 giờ trưa. Bước ra khỏi phòng họp với vẻ căng thẳng, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Cuộc họp diễn ra căng thẳng,Tập đoàn Besra Việt Nam cho rằng do giá vàng thế giới giảm 1.700 USD/oz xuống còn 1.400 USD/oz nên việc nợ tiền thuế kéo dài là vậy. Hiện, 2 Cty này đang nợ tỉnh tiền thuế hơn 352 tỷ đồng. 
Để xử lý vấn đề nợ tiền thuế của 2 Cty này thì UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng buộc họ phải đóng cửa mỏ vàng không được sản xuất nữa”. 
Ông Lê Phước Thanh khẳng định: “Quan điểm trước sau như một của tỉnh là yêu cầu 2 Cty phải nộp đầy đủ số tiền nợ thuế lâu nay. Còn đến thời hạn hết thời hiệu cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng mà 2 Cty không nộp đầy đủ tiền thuế đang mắc nợ là UBND tỉnh Quảng Nam sẽ bắt tay ngay vào việc tịch thu tài sản, kê biên tài sản và thu hồi giấy phép hoạt động ngay. 
Tại cuộc họp, Tập đoàn Besra Việt Nam lại đưa ra cam kết rằng sẽ trả 352 tỷ đồng tiền nợ thuế cho tỉnh Quảng Nam nếu giá vàng thế giới tăng trở lại, họ nói có thể sẽ trả nợ trong vòng 2 năm hoặc 4 năm tới. Nhưng trước đề nghị này từ phía Tập đoàn Besra Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không đồng ý. Lãnh đạo tỉnh có nói là sẽ có văn bản xin ý kiến từ Trung ương”.
Về 60 tấn cyanua mà Tập đoàn Besra Việt Nam mua từ Trung Quốc đang bỏ tràn lan ngoài trời gây ô nhiễm môi trường, ông Lê Phước Thanh cho biết đây là cyanua giả. Tại cuộc họp sáng 23/1 tỉnh cũng đã chỉ đạo phía Tập đoàn phải xử lý nhanh chóng 60 tấn cyanua giả này để không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống dân sinh xung quanh.
Xử nghiêm nếu có chuyện mang mỏ vàng đi cầm cố 
Trả lời báo chí về thông tin cho rằng Cty Vàng Phước Sơn thế chấp cả mỏ vàng - là tài nguyên khoáng sản quốc gia - để vay Ngân hàng Việt Á hàng triệu USD đầu tư vào hoạt động sản xuất, theo quan hệ tín dụng này thì khi Cty không trả được nợ, rõ ràng ngân hàng sẽ quản lý luôn mỏ vàng, như vậy chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng sẽ “mất” luôn quyền quản lý, định đoạt đối với mỏ vàng này(?), ông Lê Phước Thanh nói:
“Đúng là mỏ vàng Phước Sơn mà Trung ương cấp phép cho Cty Vàng Phước Sơn thăm dò, khai thác là tài nguyên khoáng sản quốc gia, theo quy định là không ai được đem mỏ vàng này đi thế chấp tại các tổ chức tín dụng để vay vốn. Doanh nghiệp chỉ được phép thế chấp, cầm cố tài sản mà anh bỏ tiền ra đầu tư như máy móc, thiết bị để vay vốn.
Được biết, vừa rồi phía ngân hàng cho Cty Vàng Phước Sơn vay vốn đã khởi kiện ra Tòa án và được Tòa án tuyên thắng kiện. Nhưng, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại xem phía Cty Vàng Phước Sơn có đem mỏ vàng Phước Sơn đi thế chấp ngân hàng vay vốn không, nếu có chuyện này thì phía thẩm định hồ sơ cho Cty Vàng Phước Sơn vay vốn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm”. 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Nam, ngày 10/1/2008, Bộ TN-MT cấp Giấy phép số 67/GP-BTNMT cho phép Cty Vàng Phước Sơn được thăm dò vàng gốc tại khu vực xã Phước Đức và Phước Xuân (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) với diện tích lên đến 42km2. Thời gian thăm dò 24 tháng, kéo dài đến ngày 10/1/2010. 
Đến ngày 15/8/2013, Cty Vàng Phước tiếp tục có đơn đề nghị xin tiếp tục thăm dò vàng gốc trên diện tích 24,82km2. Tuy nhiên ngày 6/11/2013, UBND huyện Phước Sơn có công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT Quảng Nam chỉ cho phép Cty Vàng Phước Sơn được phép thăm dò vàng gốc với diện tích 2,255km2. 
Cty Vàng Phước Sơn bị đóng cửa hoạt động sản xuất từ ngày 7/5/2014 và Cty Khai thác vàng Bồng Miêu bị đóng cửa hoạt động sản xuất từ ngày 28/11/2014 do không nộp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Đọc thêm