Tập đoàn Hóa chất “đổ” gánh nặng lên vai… nông dân?

(PLO) - Trót mua công nghệ Tàu, chi phí tiêu hao cao, kinh doanh thua lỗ triền miên, giải pháp Tập đoàn Hóa chất đưa ra để “cứu” Nhà máy Đạm Ninh Bình là chuyển gánh nặng lên vai… nông dân. 
Kênh điều hòa nơi xả thải của Nhà máy Đạm Ninh Bình
Kênh điều hòa nơi xả thải của Nhà máy Đạm Ninh Bình
Tự nhận trách nhiệm chính thuộc về mình và Công ty Đạm Ninh Bình trong việc phải tập trung giải quyết những vấn đề quản lý chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh…, tuy nhiên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) lại “cài” thêm một đề xuất “đắng lòng”: tăng thuế nhập khẩu. Liên tục trong mấy tháng gần đây, Tập đoàn này gửi văn bản “thúc” các Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tăng thuế suất thuế nhập khẩu phân bón urê lên mức 7%.
“Thói quen” xin tăng thuế
Không chỉ muốn như vậy, dù bản thân đang xài công nghệ Trung Quốc nhưng Vinachem và Đạm Ninh Bình lại đề nghị Thủ tướng “cấm” hoạt động nhập khẩu phân bón biên mậu, mà ai cũng biết chủ yếu là từ Trung Quốc. Không phải đợi đến bây giờ mà từ rất sớm, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về “ảo tưởng” sử dụng công nghệ giá rẻ của Trung Quốc để cạnh tranh với chính hàng giá rẻ của Trung Quốc. Thế nhưng dường như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều “bỏ ngoài tai”. 
Tăng thuế nhập khẩu, áp lực cạnh tranh về giá của Đạm Ninh Bình có thể giảm đi, nhưng gánh nặng đối với nền kinh tế trong nước vẫn nguyên đó, chỉ có điều chuyển từ vai người này sang vai người khác mà thôi. Trong trường hợp này, người chịu trận cuối cùng lại là nông dân khi bà con bị tước đi cơ hội tiếp cập nguồn cung giá rẻ.
Thay vì nghĩ ra giải pháp nào đấy hay ho và đột phá để giải quyết “cục nợ” của mình, Vinachem lặp lại “điệp khúc” xin tăng thuế. Mà không riêng Tập đoàn này, đây là thói quen của hầu khắp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mỗi khi gặp khó khăn trong cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Từ tháng 4, lấy lý do tồn kho lớn, Vinachem cũng đã một lần “kêu cứu” Chính phủ. Tập đoàn này mong rằng các Bộ Công Thương, Tài chính “tính toán” để không chỉ tăng mức thuế nhập khẩu urê từ 0 – 4,5% lên mức chung là 7%, mà cũng nâng thuế đối với phân NPK từ 0 - 6% lên mức chung là 8%. Đối với sản phẩm DAP, Tập đoàn này cũng đề nghị tăng mức thuế nhập khẩu từ 0 – 4,5% như hiện tại lên mức chung là 8%.
Đối tác và người dân cùng khổ
Vinachem còn đổ gánh nặng lên vai đối tác. Một mặt xin tăng thuế, một mặt Vinachem xin Chính phủ “chỉ đạo” Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) điều chỉnh giá bán than cho hộ sản xuất phân bón trong nước bằng 90% so với giá xuất khẩu (xét theo loại và chất lượng than tương đương).
Vinachem còn muốn yêu cầu TKV công khai, minh bạch giá than xuất khẩu để có cơ sở đối chiếu với giá than bán cho hộ sản xuất phân bón trong nước. “TKV có trách nhiệm gửi hồ sơ kê khai giá cho Bộ Công Thương thực hiện giám sát trước khi gửi Bộ Tài chính theo quy định” – Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường “tham mưu” cho cơ quan quản lý. 
Chưa rõ khi biết tin này, TKV sẽ phản ứng như thế nào?
Trở lại câu chuyện nhà máy đạm công nghệ Trung Quốc “chất lượng ở mức trung bình, thường xảy ra các sự cố” đầu tư tới gần 700 triệu USD tại Ninh Bình. Không chỉ riêng Vinachem  mà cả các hộ dân quanh khu vực nhà máy cũng “ôm quả đắng” vì hệ lụy môi trường.
Một dây chuyền mà được chính chủ đầu tư đánh giá là “chất lượng ở mức trung bình” thì sự nghi ngại của dư luận địa phương về nguồn gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn xác đáng.
Mà không còn là nghi ngại, tháng 4/2012, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Ninh Bình đã phát giác nguồn nước thải xả ra từ Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam và nước mặt thoát ra từ Nhà máy Đạm Ninh Bình (Khu công nghiệp Khánh Phú) khiến cá chết hàng loạt tại các  đầm nuôi của các hộ chung quanh. 
Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình sau đó còn phải nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở, yêu cầu Nhà máy Đạm Ninh Bình triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước, xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm tại khu vực kênh điều hòa. Tuy nhiên, “ đương sự” sau đó vẫn nhiều lần tái phạm. 
UBND tỉnh Ninh Bình từng “dọa” đình chỉ hoạt động
Theo Báo Tiền Phong, kết quả điều tra, xét nghiệm mẫu nước của cơ quan chức năng tại khu vực cá chết, bò chết cạnh Nhà máy Đạm Ninh Bình và xung quang Khu công nghiệp Khánh Phú hồi năm 2012 cho thấy có nhiều chất độc hại vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Đặc biệt là chất amoni có lúc vượt từ 26 đến 1.030 lần mức cho phép.
UBND tỉnh Ninh Bình đã ra văn bản yêu cầu Nhà máy Đạm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nghiêm cấm xả thải chưa qua xử lý. Văn bản ký vào tháng 9/2012 nêu rõ, trường hợp Nhà máy Đạm không thực hiện nghiêm túc, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng xử lý, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Đọc thêm