TGĐ UBER Việt Nam: “Không nên áp dụng quy định kê khai tài sản đối với doanh nghiệp!“

(PLO) - Theo ông Đặng Việt Dũng - Tổng Giám đốc UBER Việt Nam, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều khi  hội nhập với nền kinh tế thế giới. Bởi vậy, nếu quy định về kê khai tài sản đối với doanh nghiệp tư nhân được áp dụng trong thực tế càng đẩy doanh nghiệp Việt vào tình thế khó khăn hơn… 
Ông Đặng Việt Dũng: Tổng Giám đốc UBER Việt Nam
Ông Đặng Việt Dũng: Tổng Giám đốc UBER Việt Nam

Ông đã từng học ở các trường đại học danh tiếng và có thời gian sống ở nước ngoài. Nhiều cơ hội phát triển như vậy, tại sao ông lại lựa chọn về Việt Nam lập nghiệp? Cơ duyên nào đã đưa ông đến với lĩnh vực công nghệ?

- Tôi may mắn có cơ hội được đến nhiều quốc gia học tập và làm việc. Trước đây, khi còn nhỏ tôi đã sống tại Đông Âu và sau đó đến Mỹ du học 5 năm. Khi ra trường, tôi gia nhập Công ty McKinsey. Tôi thích tìm hiểu các nền văn hóa đa dạng, sự phát triển xã hội, kinh tế và con người.

Việc học tập làm việc ở nước ngoài với tôi là để trải nghiệm và học hỏi những cái hay ở họ. Tôi chưa từng có ý định sẽ ở lại nước ngoài lâu dài. Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển, ở đó tôi cũng còn có gia đình và bạn bè.

Đặc biệt, tôi quyết định về Việt Nam vì tôi nghĩ mình có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm đã học hỏi được từ nước ngoài để đóng góp cho sự phát triển của quê hương mình. Bởi vậy, khi có cơ hội biết đến UBER, tôi đã không lưỡng lự và nắm bắt ngay cơ hội này. 

UBER là một công ty công nghệ với sứ mệnh mang đến những giá trị dịch vụ tốt nhất phục vụ cho người dân và quốc gia mà chúng tôi hiện diện. Đối với người dùng, chúng tôi mang đến dịch vụ gọi xe qua ứng dụng UBER. Đây là một dịch vụ vừa tiện lợi, giá cả phải chăng và đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Trong khi với người lái xe, những ai có xe mong muốn tận dụng để kiếm thêm thu nhập và đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong cuộc sống, UBER là một ứng dụng hoàn hảo dành cho họ. Về vĩ mô, UBER mang đến cơ hội nghề nghiệp và làm chủ bản thân cho hàng ngàn, hàng triệu người, về lâu dài đóng góp cho giải pháp giảm thiểu kẹt xe và ô nhiễm môi trường, từ đó gia tăng những giá trị kinh kế và xã hội cho Việt Nam. 

UBER hiện đã có mặt tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, đây cũng là hai thành phố lớn có tình trạng kẹt xe thường xuyên vào giờ cao điểm. UBER đã có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? 

- Về tình trạng kẹt xe hiện nay, theo tôi, có 3 nguyên nhân chính. Một là lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến so với hạ tầng giao thông. Thứ 2 là khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng giao thông công cộng cho người dân chưa phát triển kịp thời. Và thứ 3 là với thu nhập tăng lên, nhu cầu sử dụng ô tô sẽ tăng cao hơn, tình trạng kẹt xe sẽ thường xuyên hơn.

Giải pháp vĩ mô là mở thêm đường hoặc giảm thiểu số lượng phương tiện tham gia giao thông nhưng sẽ mất thời gian khá lâu để thực hiện. Nhưng có một giải pháp khác nhanh và hiệu quả hơn là tận dụng hiệu suất của phương tiện tốt hơn.

Trong khi chúng ta chưa khắc phục được các vấn đề như cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng của người dân, tại sao không thiết lập mô hình giao thông hợp lý hơn? Làm sao để tất cả các xe đều có người và từng chiếc ghế trên xe đều được sử dụng? Như vậy, nhu cầu sử dụng sẽ được lấp đầy và có thể giảm 1/3 hay 1/4 số lượng phương tiện đang lưu thông hiện tại.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện người dùng UBER đến từ 140 quốc gia, trong khi UBER mới chỉ xuất hiện ở 70 nước. Một số quốc gia đã biết đến UBER mặc dù chúng tôi chưa phát triển dịch vụ tại đó. Họ biết đến UBER qua báo chí sau đó là trải nghiệm và yêu thích UBER khi đi du lịch. Hãy nghĩ, nếu chúng ta đến một quốc gia mới và việc đi lại vô cùng thuận tiện, chi phí phải chăng mà an toàn, có phải ấn tượng về quốc gia đó sẽ tốt hơn? 

Quan điểm của ông như thế nào về những quy định tại Điều 112 Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng?

- Tôi cho rằng doanh thu của doanh nghiệp dựa trên sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường, và tài sản của doanh nghiệp là tài sản thuộc quyền sở hữu tư nhân, nếu không nói đến doanh nghiệp Nhà nước.

Bởi vậy quy định trên là không cần thiết, vì thông qua việc đóng thuế, các cơ quan thuế cũng đã nắm được rõ doanh thu và lợi nhuận của công ty. Tôi cho rằng việc kê khai tài sản nên áp dụng với doanh nghiệp Nhà nước sẽ hợp lý hơn và đúng hơn so với doanh nghiệp tư nhân. 

Theo ông, quy định đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?

- Tại các nước phát triển, những nơi tôi sinh sống và làm việc, Nhà nước quản lý doanh thu và lợi nhuận mà doanh nghiệp hiện có thông qua các cơ quan thuế, thể hiện bằng những con số rất chi tiết và cụ thể. Chính vì quản lý chặt chẽ nên họ nắm rất rõ tình hình phát triển và ổn định của doanh nghiệp. Vì vậy Chính phủ kịp thời có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp ngay khi xảy ra sự cố.

Theo tôi, việc kê khai tài sản sẽ tạo những “rào cản” cho sự phát triển của một công ty. Đơn giản nếu tài sản cá nhân bạn bị người khác nắm và quản lý, liệu bạn có cảm giác như thế nào, bị giam cầm, không thoải mái, không tự tin, và làm việc gì cũng xem xét trước sau, thì đối với công ty cũng như vậy. Tôi cho rằng đây là việc quá vô lý, khó thực hiện và không thể chấp nhận được. 

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm