Thấy gì từ những trải lòng của Chủ tịch VNR?

(PLVN) - “Trên 1 vạn con người chưa có tiền lương và nguy cơ phải dừng chạy tàu là rất cao. Việc dừng chạy tàu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, nhưng nếu cho chạy tàu thì trái luật, thậm chí tuần đường gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố”, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - thống thiết tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), sáng qua - 20/2 tại Hà Nội.
ảnh minh họa.
ảnh minh họa.

Với tư cách là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR tôi đã chỉ đạo cấp dưới làm và nếu sai thì tự chịu, không để anh em phải chịu, nhưng tôi ra văn bản chỉ đạo cũng sai vì không ai giao cho tôi, chạy tàu cũng sai mà không chạy tàu cũng sai, tình trạng này kéo dài gần 2 tháng nay rồi”, ông Minh nói.

Phải nói là ông Vũ Anh Minh đã nói những lời gan ruột. Ông nói không vì “thảm cảnh” của ngành kinh tế đường sắt và về vĩ mô, đó là vấn đề của định chế. Ngành kinh tế đường sắt, bao gồm: Hạ tầng đường sắt, vận tải đường sắt và dịch vụ vận tải... vốn là một trong những ngành có lịch sử lâu đời nhất của giao thông vận tải Việt Nam.

Đó là ngành kinh tế gắn với an ninh - quốc phòng và an sinh xã hội. Tuy nhiên, càng ngày đường sắt càng yếu thế trong cạnh tranh vận tải. Không bóc tách được hạ tầng kết cấu (các tuyến đường sắt, đất đai, nhà ga, thông tin liên lạc đường sắt) với hoạt động vận tải và dịch vụ. Khổng thể cổ phần hóa được hạ tầng đường sắt (bởi đất đai, các tuyến đường sắt, tuyến thông tin liên lạc, nhà xưởng thuộc về tài nguyên quốc gia rất khó định giá).

Giá vận tải đường sắt, nếu tính đúng, tính đủ, không thể nào thấp hơn các loại hình vận tải khác. Xin nói thêm: các hãng vận tải hàng không tư nhân hiện có chưa phải tham gia đóng góp vào phần vốn nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng: sân bay, bảo đảm an toàn bay; tương tự: vận tải hành khách đường bộ mới đóng phí ở các tuyến đường nâng cấp theo hình thức BOT.

Ngay cả mô hình CMSC cũng là một mô hình “thử nghiệm”. Về mặt nguyên tắc, Bộ Giao thông Vận tải hiện không còn là chủ quản VNR (trước đây là Tổng 91 thuộc Chính phủ, từ Ủy viên Hội đồng thành viên trở lên do Thủ tướng bổ nhiệm), nhưng quản lý nhà nước về ngành, luật pháp, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, an toàn giao thông đường sắt... vẫn thuộc Bộ GTVT. Tức là VNR và các tập đoàn, tổng công ty đã được bàn giao cho CMSC dễ thành “quả bóng” được đá qua đá lại giữa hai bên.

Theo Chủ tịch VNR, trước khi được chuyển giao sang CMSC, Bộ GTVT dự kiến giao cho VNR 2 gói dự án và Ban Quản lý dự án đường sắt 2 gói. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 131 thì Bộ GTVT cho biết không thể giao được vì VNR không phải đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.

Tóm lại, chúng ta đang thí điểm và chưa trả lời kịp thời những câu hỏi của cuộc sống.

Đọc thêm