Thị trường bán lẻ Việt Nam: Thời cơ và thách thức

(PLO) - Theo cam kết của WTO, kể từ ngày 01/01/2009, các doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam, điều đó đã thu hút đầu tư của hàng loạt tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, góp phần vào sự khởi sắc của thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp Việt sẽ đối diện với những thời cơ và thách thức gì với việc mở cửa thị trường bán lẻ theo WTO? 
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Thời cơ và thách thức
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương xung quanh vấn đề này.
Thưa TS. Đinh Thị Mỹ Loan, với việc mở cửa thị trường theo cam kết WTO, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đã có sự khởi sắc đáng kể. Vậy, việc mở cửa này đã, đang và sẽ đem lại cho doanh nghiệp Việt những cơ hội gì, thưa Bà?
- Có thể nói, bán lẻ là một ngành công nghiệp mang lại rất nhiều lợi nhuận cho nền kinh tế, người tiêu dùng cũng như đóng góp vào GDP của đất nước. Việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO đã, đang và sẽ đem đến cho doanh nghiệp Việt những cơ hội lớn. 
Trước hết, sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam sẽ tạo ra một luồng gió mới, một cú hích cho ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam. Hội nhập, mở cửa thị trường sẽ tạo ra tốc độ phát triển ngày càng nhanh, tăng áp lực cạnh tranh làm cho các doanh nghiệp Việt phải mạnh mẽ hơn, năng động hơn, có động lực hơn để có thể phát triển theo hướng hiện đại.
Thứ hai, việc mở cửa thị trường bán lẻ đã, đang và sẽ cung cấp thêm những dịch vụ và các hoạt động mới ở Việt Nam, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
Thứ ba, sự có mặt của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu ở mảng bán lẻ hiện đại sẽ làm cho phân khúc bán lẻ hiện đại phát triển mạnh và làm cho hệ thống bán lẻ truyền thống của chúng ta phải tăng cường sức cạnh tranh và buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. 
Cùng với những cơ hội lớn của việc mở cửa thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp Việt cũng phải đối diện với không ít những khó khăn, thách thức, điều này đã tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho không ít doanh nghiệp Việt. Vậy đó là những khó khăn, thách thức gì, thưa Bà?
- Theo tôi, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có tâm lý lo lắng là cần thiết nhưng nếu chỉ lo không hoặc là từ lo lắng sang hoảng sợ thì hoàn toàn không nên. 
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện nay, theo tôi, khó khăn nhất, mối lo nhất vẫn là vấn đề mặt bằng bán lẻ. Giá của mặt bằng bán lẻ nếu chiếm đến 20% trở lên, tức là doanh nghiệp không có lời lãi gì và hoạt động hoàn toàn không hiệu quả. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt dường như rất khó khăn bởi không thể nào đủ nguồn lực để trả cho mặt bằng bán lẻ giá cao như vậy. 
Chúng ta đã có sự cố gắng, tuy nhiên, phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp Việt luôn gặp khó khăn trong vấn đề giá mặt bằng bán lẻ. Ngoài ra, vấn đề nhân lực cũng là một yếu tố thách thức đối với các doanh nghiệp Việt khi mở cửa thị trường bán lẻ. Câu chuyện về nhân lực sẽ vẫn là một câu chuyện rất dài và phức tạp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ, ngày nay ngành bán lẻ đã có xu hướng phát triển rất mới cùng với những tác động cộng hưởng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ... Tất cả những yếu tố đó đều là những khó khăn, thách thức không nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải cập nhật và có chiến lược đúng đắn để cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
Với những khó khăn, thách thức như Bà vừa chia sẻ, phải chăng là do sự liên kết của các doanh nghiệp trong nước còn lỏng, chưa có sự liên kết chặt chẽ, thưa Bà?
- Tôi không nghĩ bất cứ cái gì chúng ta cũng phải liên kết mà chúng ta cần phải biết liên kết chỗ nào, liên kết cái gì và liên kết với ai. Tinh thần chung là chúng ta liên kết không phải để làm những vụ việc cụ thể, không phải tập trung một việc cụ thể, không phải chỉ phục vụ mục đích ngắn hạn mà chúng ta liên kết với tinh thần liên kết của doanh nghiệp Việt, là chúng ta có thể liên kết trong cộng đồng, liên kết trong hiệp hội ngành hàng và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam. Ví dụ, chúng ta có thể liên kết với nhau về ý tưởng, sáng tạo, về tư duy, tinh thần, về chủ trương, chiến lược...vv
Chúng ta phải có cái nhìn công bằng với các doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp Việt không hề có chuyện không liên kết hay không muốn liên kết. Vốn dĩ, tư tưởng liên kết của các doanh nghiệpViệt đã có trước đó, bây giờ lại càng ý thức cao hơn. 
Tôi nghĩ, ý thức liên kết đó nhiều khi không thành công ở các vụ việc cụ thể nhưng trong tổng thể của việc liên kết, nhất là khi đứng cùng với nhau trong một khối, một câu lạc bộ, một hiệp hội thì sự liên kết đấy mang lại sức mạnh rất lớn; khi chúng ta cùng nhau nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, của cộng đồng.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập cùng với việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP sẽ có thể được ký kết trong năm nay, với hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan – Điều này sẽ có tác động thế nào đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, thưa Bà?
- Những sự kiện này chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện nay, chúng ta còn có hàng rào thuế quan, phi thuế quan nhưng khi hội nhập ngày càng sâu rộng với việc loại bỏ hàng rào thuế quan, gần như các sản phẩm, hàng hóa thuế suất về bằng không; lúc này, hàng hóa các nước sẽ tràn về Việt Nam với số lượng nhiều hơn, phong phú và đa dạng hơn, mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người thiêu dùng. 
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải chịu sự cộng hưởng của việc mở cửa, giảm thuế hàng hóa và chịu sức ép lớn hơn nữa trên chính sân nhà. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải thực sự nỗ lực để có thể nắm bắt được cơ hội, đối diện và vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đa dạng và phức tạp hơn.
Có thể nói, việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt những cơ hội lớn, bên cạnh đó sẽ là những thách thức không nhỏ. Vấn đề là, chúng ta phải đối diện với những thách thức đó như thế nào và tận dụng cơ hội ra sao để phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, đa dạng và phức tạp hơn.
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng định kỳ hàng tuần vào 08h55’ Thứ Bảy và phát lại vào 14h20’ Chủ nhật trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/ 

Đọc thêm