Thượng tôn pháp luật trong thời đại cách mạng 4.0 - câu chuyện của tốc độ và sự vững chắc

(PLO) - Hôm nay, tại Hà Nội, các chuyên gia, các nhà làm luật, các doanh nhân, đã đến tham dự chương trình Tọa đàm “Thượng tôn pháp luật trong thời đại cách mạng 4.0”, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Với mục đích nhân rộng, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật ra cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, tháng 4/2018 Báo Pháp luật Việt Nam phát động cuộc thi viết vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” lần thứ hai (năm 2018). 

Trong khuôn khổ của cuộc thi viết này, hôm nay, 16/8, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thượng tôn pháp luật trong thời đại cách mạng 4.0”

Phó tổng biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng biên tập Trần Đức Vinh và Luật sư Trần Hữu Huỳnh tại buổi Tọa đàm.
Phó tổng biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng biên tập Trần Đức Vinh và Luật sư Trần Hữu Huỳnh tại buổi Tọa đàm.

Đến tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hùng – Nguyên hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), ông Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp; ông Lê Hoàng Sâm – Phó trưởng Ban kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Trần Việt Hưng – Trưởng Phòng Truyền thông Samsung Việt Nam; ông Ngô Đức Hành – Tổng Biên tập Tạp chí Cầu đường Việt Nam; ông Trần Minh Sơn – Trưởng Phòng Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Trần Văn Long – Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Thái Nguyên; Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Basico …

Và đông đảo đại biểu đại diện các doanh nghiệp như ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP GWIN; ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Cty TNHH Minh Thành Phát; bà Nguyễn Thị Thu Hiền - giám đốc điều hành doanh nghiệp Hapro; đại diện các Công ty luật; Văn phòng luật sư…; Cơ quan thông tấn báo chí…

Ông Đặng Ngọc Luyến - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam.
Ông Đặng Ngọc Luyến - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam.

Về phía đơn vị tổ chức, có ông Đặng Ngọc Luyến - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam; ông Trần Đức Vinh – Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; cùng Trưởng, phó các phòng ban của Báo Pháp luật Việt Nam.

Nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình, ông Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng biên tập Thường trực báo Pháp luật Việt Nam, nói: "Thượng tôn pháp luật chính là xương sống, là “kim chỉ nam” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế cũng đã chứng minh: Có “thượng tôn pháp luật” thì “doanh nghiệp mới phát triển bền vững”. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, sức ép đối với các doanh nghiệp, doanh nhân càng lớn hơn khi toàn cầu đang bước vào cuộc cách mạng 4.0.

Làm để nào để bắt kịp xu hướng của thời đại? Làm thế nào hội nhập và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế thế giới là những câu hỏi lớn đòi hỏi chúng ta phải có lời giải đáp. Thách thức rất lớn nhưng rất nhiều cơ hội cũng mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng này".

Phó Tổng biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phó Tổng biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Ông Đặng Ngọc Luyến nhận định, nhìn chung hệ thống pháp luật hiện nay tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại chồng chéo, rối, thậm chí nhiều quy định mâu thuẫn nhau. Nhiệm kỳ Chính phủ mới rà soát đã bãi bỏ rất nhiều văn bản trái pháp luật, nhiều giấy phép con, nhiều quy định làm khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi sâu vào từng bộ, ngành, địa phương hoạt động của doanh nghiệp vẫn khó khăn, vướng mắc mà chỉ có doanh nghiệp mới là người hiểu rõ nhất.

Các doanh nhân tham dự buổi toạ đàm hôm nay đều điều hành doanh nghiệp thành công nhiều năm, có thâm niên trên thương trường, tiếp xúc, va chạm với rất nhiều cơ quan quản lý, chắc chắn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm thực tế và quý giá trong việc áp dụng sáng tạo pháp luật vào kinh doanh bền vững. Những chia sẻ của các doanh nghiệp tham dự toà đàm cùng sự tư vấn của luật sư sẽ được phát và đăng tải trên hệ thống các ấn phẩm điện tử và báo in của Báo PLVN để các doanh nghiệp trong cả nước có thể tham khảo học hỏi kinh nghiệm và áp dụng nếu phù hợp. 

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0 đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Huỳnh cũng khẳng định ý nghĩa to lớn của Cuộc thi "Thượng tôn pháp luật - Phát triển bền vững" mà Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.

LS Trần Hữu Huỳnh cho rằng, khi bước vào cuộc cách mạng 4.0, những vấn đề qúa khứ tưởng là viễn tưởng thì nay dần hiện hữu. Khi bước vào cuộc cách mạng này, doanh nghiệp Việt Nam xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ, yếu về năng suất.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0 đối với sự phát triển của doanh nghiệp
Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0 đối với sự phát triển của doanh nghiệp

Nhiệm kỳ này Thủ tướng chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính tương đối quyết liệt. Chúng ta đang ở thế chủ động, có những tín hiệu lạc quan khi bắt đầu gia nhập cuộc cách mạng 4.0.

Khi hội nhập với quốc tế, chúng ta sẽ giao thương với khoảng 200 quốc gia, Chính phủ điện tử. Mọi ngành nghề sẽ phải thích ứng, chúng ta "không ăn ngon ngủ yên được", cuộc cách mạng tác động toàn diện đến chính tri, xã hội, pháp luật, cá nhân mỗi người...

"Nó sẽ đánh thức được Nhà nước, người dân. Chúng ta sẽ phải giải quyết loạt vấn đề. Đối với Chính phủ, không thể điều hành như trước, mà là Chính phủ mở, Chính phủ hội nhập", ông Huỳnh khẳng định.

Một doanh nghiệp dù nhỏ nhưng cần phải biết cách quản trị, tuân thủ và chấp hành pháp luật. Về công nghệ, nó sẽ thay đổi rất nhanh. Robot có nguy cơ thay thế người lao động trong lĩnh vực dệt may,… Càng tham gia sâu cách mạng 4.0, Chính phủ càng phải mở, nếu chính phủ không đi nhanh không hướng về doanh nghiệp, không hướng về người dân thì sẽ trở thành Chính phủ lạc hậu.

Nói riêng về cuộc thi, ông Huỳnh bày tỏ. "Cuộc thi do báo Pháp luật Việt Nam sẽ kết nối tinh thần Thượng tôn Pháp luật giữa Doanh nghiệp – Người dân và Nhà nước", 

Trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải liên quan đến vấn đề Grab, Uber, ông Huỳnh cho rằng đó là minh chứng cho thành quả của 4.0.

Ông Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp khẳng định áp dụng công nghệ 4.0 là xu thế tất yếu của thời đại. Trước đây, xã hội dựa trên nền tảng nông thôn, làng xóm, còn hiện nay, là câu chuyện của tốc độ, cạnh tranh. Ai dừng lại sẽ tụt hậu. Ông Cương cũng cho rằng xu hướng hiện nay đang là xu hướng mở, kết nối. Xu hướng nữa là chuyển từ trọng tình sang trọng lý, trọng pháp. Đó cũng là câu chuyện của chúng ta hôm nay - nền tảng thượng tôn pháp luật.

Với 4.0, chưa bao giờ nền kinh tế có độ mở cao như hiện nay, những gì tốt của thế giới thì hội nhập nhanh, có ngay tức thời tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp.
Ông Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp.

'Với những công nghệ mới của 4.0, xã hội sẽ biến đổi từ thủ công sang tự động hóa nhiều hơn, chuyển sang lối sống thông minh: đô thị thông minh, chính phủ thông minh... Tác động của cách mạng 4.0 sẽ tới đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, đi liền với tốc độ... Nếu trước đây, dân gian có câu "cá lớn nuốt cá bé" thì nay là "cá nhanh nuốt cá chậm", ông Cương nói.

Ông cũng khẳng định câu chuyện "tốc độ, tốc độ, tốc độ" là vấn đề then chốt của xã hội cũng như của nền kinh tế.

Ông Trần Việt Hưng - Trưởng phòng truyền thông Samsung Việt Nam - Đại diện của công ty Samsung phát biểu trong Tọa đàm: Với chúng tôi - với Samsung, câu chuyện thượng tôn pháp luật hết sức quan trọng. Ông chia sẻ, tầng quan trọng nhất là tiền, thứ 2 là pháp lý, thứ 3 là đạo đức kinh doanh, và thứ 4 là từ thiện.  "Có thể thấy, sau tiền, pháp lý là vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển của doanh nghiệp", ông nói.

Chia sẻ thêm về văn hoá Samsung trong việc thượng tôn pháp luật, ông Hưng cho biết, thậm chí trong công ty, kể cả đi xe quá tốc độ cho phép, cũng bị phạt. Hay "nếu đi ra cây rút tiền, thấy ai đứng xếp hàng trật tự, đó là nhân viên Samsung. Nếu đang đi trong công ty, mà vừa lái xe, vừa nghe điện, sẽ bị nhắc nhở". 

"Mỗi khi ăn xong, các bạn phải đẩy ghế vào, vấn đề nhỏ nhưng là biểu hiện sự tôn trọng quy định của nhân viên Samsung, thể hiện giá trị của mình trong văn hoá công ty, nói rộng hơn, là câu chuyện tuân thủ pháp luật", đại diện Samsung nói.

Ông Trần Việt Hưng - Trưởng phòng truyền thông Samsung Việt Nam - Đại diện của công ty Samsung.
Ông Trần Việt Hưng - Trưởng phòng truyền thông Samsung Việt Nam - Đại diện của công ty Samsung.

"Nên coi Thượng tôn pháp luật là nền tảng của văn hoá doanh nghiệp, của sự phát triển. Nó quan trọng tương đương với việc áp dụng công nghệ tiên tiến của chúng tôi", đại diện Samsung khẳng định.

Tiếp lời ông Hưng, ông Huỳnh đồng tình với quan điểm lấy thượng tôn pháp luật là nền tảng cho sự phát triển, công văn hoá của công ty. 

Ông Trần Văn Long - Phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp Thái Nguyên chia sẻ: Trên địa bàn Thái Nguyên đang có hàng trăm dự án đầu tư nước ngoài hoạt động. Thái Nguyên hiện có khoảng 110.000 lao động, 75% là nữ. Thực trạng nhà ở, đi lại, giao thông... phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, đời sống công nhân cũng như người dân địa phương.

"Càng công nghệ mới, càng có nhiều biến đổi không lường trước. Các doanh nghiệp phải nghiên cứu, phải học hỏi, phải cập nhật. Và đặc biệt phải tôn trọng pháp luật". (Ông Trần Văn Long - Phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp Thái Nguyên)
"Càng công nghệ mới, càng có nhiều biến đổi không lường trước. Các doanh nghiệp phải nghiên cứu, phải học hỏi, phải cập nhật. Và đặc biệt phải tôn trọng pháp luật".  (Ông Trần Văn Long - Phó trưởng ban quản lý khu công nghiệp Thái Nguyên)

Ông Long cho biết, ở góc độ quản lý Nhà nước, Ban quản lý cũng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của pháp luật, hàng năm tổ chức nhiều cuộc hội thảo cho doanh nghiệp liên quan đến nhiều vấn đề của pháp luật và doanh nghiệp. Làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật trong khu công nghiệp. 

"Không chỉ là câu chuyện trong khuôn khổ một doanh nghiệp, đó còn là câu chuyện của doanh nghiệp, của công nhân đối với địa bàn chung, với xã hội, cộng đồng. Việc tuân thủ, áp dụng pháp luật là rất quan trọng", ông Long nói.

Liên quan đến cuộc cách mạng 4.0, ông Long khẳng định các doanh nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên đang có ý thức rất cao về việc áp dụng công nghệ: "Càng công nghệ mới, càng có nhiều biến đổi không lường trước. Các doanh nghiệp phải nghiên cứu, phải học hỏi, phải cập nhật. Và đặc biệt phải tôn trọng pháp luật". 

Được chủ toạ gợi ý chia sẻ thông tin về xe tự lái - những thách thức về công nghệ, pháp luật, tuy nhiên, bà Nguyễn Hoàng Phương -  đại diện của công ty Ford Việt Nam cho rằng, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều vấn đề trở ngại cho xe tự lái nên bà Phương chưa thể nói kỹ hơn về chuyện này.

Bà Nguyễn Hoàng Phương - đại diện của công ty Ford Việt Nam
Bà Nguyễn Hoàng Phương -  đại diện của công ty Ford Việt Nam

"Vấn đề thượng tôn pháp luật, Ford có những quy định nội bộ. Với hơn 110 năm hoạt động, tập đoàn đã có quy định cụ thể, có quy định đối với từng vị trí công việc. Có những thời điểm, có bộ phận 3 tháng chưa bổ nhiệm Giám đốc được nhưng hoạt động chuyên môn vẫn tốt", bà Phương thông tin.

Cũng theo nữ đại biểu, Ford rất tích cực liên hệ Bộ, ngành liên quan khi văn bản pháp luật mới đi vào ứng dụng. Tuy nhiên, bà Phương cho biết thêm, thực tế, khi văn bản pháp luật mới ban hành, có những địa phương chưa hướng dẫn thực hiện sát với văn bản, khiến doanh nghiệp chậm tiếp cận, chậm triển khai...

Tâm đắc về vấn đề thượng tôn pháp luật, đại diện Ford khẳng định Ford  luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tích cực tham gia việc xây dựng pháp luật.

Đến tham dự buổi Toạ đàm, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Basico đã kể câu chuyện về một vụ việc liên quan đến việc đóng bảo hiểm của một công ty. Ông cho rằng không doanh nghiệp nào muốn vi phạm pháp luật. Nhưng thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đang vi phạm pháp luật. Một phần của nguyên nhân này, theo luật sư, là do sự bất cập trong hiểu biết pháp luật. 

Luật sư nói vui: "Trong kinh doanh, Chiến thắng là người sành sỏi luật pháp."

Nhà báo Ngô Đức Hành chia sẻ: Công nghệ 4.0 có nhiều nội dung chúng ta chưa tiên liệu, chưa dự báo được. Cuộc cách mạng này tác động toàn diện đến Chính phủ, đến người dân. 

Nhà báo Ngô Đức Hành
Nhà báo Ngô Đức Hành

"Cuộc cách mạng 4.0 đã ảnh hưởng đến từng công dân, từng doanh nghiệp. Nó là động lực không giới hạn cho các doanh nghiệp", ông khẳng định. 

Luật sư Quản Văn Minh cho rằng vấn đề thượng tôn pháp luật là câu chuyện của mọi thời đại. Trong thời đại 4.0 chúng ta có công nghệ để thực hiện pháp luật tốt hơn. Tuy nhiên cũng có những thách thức như vấn đề an ninh mạng. Thế giới phẳng đòi hỏi phải có tính tương thích. Nếu không, sẽ khó thực hiện.  

Luật sư Quản Văn Minh
Luật sư Quản Văn Minh

Luật sư Nguyễn Danh Huế, đồng thời là ông chủ chuỗi cà phê - sách Đông Tây chia sẻ, vừa là luật sư, vừa là chủ doanh nghiệp, ông Huế đồng ý: "thượng tôn pháp luật trong bất cứ xã hội nào cũng cần thiết, không thượng tôn pháp luật thì không đưa đất nước phát triển được". 

Nghe thì mơ hồ nhưng thực ra cuộc cách mạng 4.0 đã diễn ra rất lâu. Đi tàu cả tháng Đức không có người soát vé, vì họ đã thực hiện công nghệ tự động từ cả chục năm trước... Cuộc cách mạng 4.0 thực tế đã diễn ra ở nhiều nước phát triển trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cắt bỏ những chính sách bất cập để pháp luật ứng dụng tốt hơn trong đời sống. Pháp luật của Việt Nam tương đối đầy đủ nhưng thực thi còn yếu.

"Trước đây, tôi phải đi vào TP HCM nhiều, tốn nhiều chi phí nhưng giờ hạn chế đi lại mà vẫn đảm bảo các cuộc họp, vẫn ký kết các hợp đồng kinh doanh... Ứng dụng công nghệ như vậy đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí mà nâng cao hiệu quả kinh doanh", ông Huế nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư này, việc vận hành áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vướng tranh chấp, thiệt hại lớn đều có hiểu biết giới hạn về pháp luật.

Thượng tôn pháp luật thì phải thực hiện từ trên xuống dưới. Phải có chế tài để thực thi pháp luật nghiêm, để thượng tôn pháp luật vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức của mỗi cá nhân, doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Sâm - Phó trưởng ban Kết nối và hỗ trơ doanh nghiệp - Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ông Lê Hoàng Sâm - Phó trưởng ban Kết nối và hỗ trơ doanh nghiệp - Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

 "Rất nhiều người đang nói về câu chuyện 4.0. Báo PLVN cần giúp các doanh nghiệp hiểu được rằng pháp luật không phải chỉ là để tuân thủ, mà pháp luật giúp doanh nghiệp phát triển", ông Lê Hoàng Sâm, Phó trưởng ban Kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, phát biểu.

Ông Sâm cũng lưu ý, 4.0 không chỉ có lợi, mà còn bị tác động tiêu cực, ẩn chứa nhiều rủi ro. "4.0 không phải cái gì cũng tốt. Vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, định hướng rất quan trọng", Phó trưởng ban Kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp khẳng định.

Theo ông Sâm, báo chí cần giúp doanh nghiệp biết, nhân dân biết về những ưu điểm, nguy cơ của công nghệ 4.0. 

Doanh nghiệp phải hợp tác với cơ quan chức năng để xây dựng luật. Phó trưởng ban Kết nối và hỗ trơ doanh nghiệp đề nghị Báo pháp luật Việt Nam "đẩy" cuộc thi thành diễn đàn về thượng tôn pháp luật.

"Thượng tôn pháp luật là bắt buộc", Luật sư Nguyễn Trần Tuyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Elite chia sẻ. "Công nghệ bây giờ là Internet, trí tuệ thông minh. Chúng ta đang sống trong thời đại này, sẽ sử dụng công cụ này để làm giàu như thế nào?. Khai thác nó như thế nào? Nếu chúng ta không vận dụng thì không thể phát triển được"

Luật sư Tuyên cũng khuyên các doanh nghiệp cẩn trọng với việc bị ăn cắp ý tưởng trong thời đại 4.0. Cần gặp luật sư để bảo vệ ý tưởng của mình. 

Đối với Chính phủ và các nhà làm luật, Luật sư cho rằng, chúng ta tham gia cuộc cách mạng 4.0 nhưng một số vấn đề liên quan đến tài sản trên mạng chưa được nêu trong luật.

"Tôi nghĩ cuộc thi của Báo PLVN sẽ gợi mở, sẽ tôn vinh, nhưng đồng thời cũng phải chỉ ra những bất cập của luật để doanh nghiệp phát triển",  luật sư góp ý.

Doanh nhân thảo luận tại buổi tọa đàm.
Doanh nhân thảo luận tại buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, cho biết thêm, các cơ quan soạn thảo, ban hành Luật rất cần ý kiến đóng góp của các doanh nhân, người dân.

Viện Khoa học pháp lý là cơ quan tham mưu sẵn sàng lắng nghe những thông tin liên quan đến pháp luật. Xu hướng chung là để cải thiện. Các nước ASEAN nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung đánh giá cao tốc độ thay đổi pháp luật, chiều hướng hoàn thiện pháp luật của Việt Nam.

"Chúng ta có nhiều kênh chính thống để phản ánh, tiếp nhận thông tin liên quan đến pháp luật. Không có chuyện độc quyền trong tiếp thu ý kiến để xây dựng pháp luật, doanh nghiệp và công dân nên cởi mở, tích cực góp ý xây dựng pháp luật", ông Cương nói.

Kết thúc buổi Toạ đàm, Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam Đặng Ngọc Luyến cho biết, Ban tổ chức cuộc thi sẽ nghiên cứu những ý kiến đề xuất trong buổi toạ đàm này, để có sự điều chỉnh tiêu chí cuộc thi cho phù hợp hơn. 

"Có những ý kiến trong buổi toạ đàm hôm nay đã vượt khỏi phạm vi mong muốn của cuộc thi mà Báo đang tổ chức. Những ý kiến đó cũng là những gợi mở cho công tác xây dựng pháp luật, công tác báo chí",Phó tổng biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến ghi nhận.

"Chúng tôi sẽ là luôn cầu nối từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với Bộ Tư pháp", Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, sau khi trân trọng gửi lời cám ơn đến các đại biểu đã tham dự buổi Toạ đàm. 

Đọc thêm