“Tín dụng đen” phát triển, do hổng pháp luật?

(PLO) - Việc cho vay lãi nặng trên 150% hiện nay không có quy định xử lý, không có chế tài xử phạt, do đó người cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng khe hở này để hoạt động mà không vi phạm pháp luật.
“Tín dụng đen” phát triển, do hổng pháp luật?
Ý kiến trên được đưa ra tại Hội thảo “Giải cứu người dân khỏi bẫy tín dụng đen” do Công ty Luật TNHH Trường Lộc phối hợp với RED tổ chức ngày 7/9 tại Hà Nội.
Lừa người dân
Có mặt tại hội thảo, ông Vũ Anh Tuấn - nạn nhân của “tín dụng đen” ở Hà Nội chia sẻ: “Năm 2013, cả chục hộ gia đình, trong đó có gia đình tôi đến Cty CP Cát Nam Phong, trụ sở tại tòa nhà M3+M4, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với chị Nguyễn Thị Hải Yến là Chủ tịch Hội đồng quản trị và anh Hoàng Phúc Đường, Phó Giám đốc Cty để vay khoảng 300-500 triệu đồng, lãi tính theo ngày. Chị Yến nói việc ký hợp đồng chuyển nhượng và giao sổ đỏ cho chị Yến là nhằm bảo đảm chúng tôi có nghĩa vụ trả lãi và gốc. 
Chúng tôi tin vì giữa chúng tôi và chị Yến không bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng. Nhưng đến năm 2014, khi cán bộ ngân hàng đến xem xét để thu hồi nhà (vì nhà đất đã bị chị Yến sang tên đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền) thì chúng tôi mới biết mình bị lừa ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Tôi gửi đơn tố cáo lên Ngân hàng Nhà nước và cơ quan Công an, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết”.
Ông Tuấn mong muốn hội thảo sẽ đưa ra giải pháp xử lý việc của ông cũng như các nạn nhân tương tự đang rơi vào bẫy “tín dụng đen”. “Lẽ ra cơ quan Công an phải khởi tố, xử lý hành vi lừa đảo của bên cho vay “tín dụng đen” đã lừa chúng tôi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó lừa ngân hàng vay tiền và chiếm đoạt số tiền này”, ông Tuấn bức xúc.
Qua mặt cả ngân hàng
Được biết thủ tục vay “tín dụng đen” rất nhanh gọn. Việc ký kết hợp đồng chỉ là hình thức, không có việc giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng, nhưng trên thực tế khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bên cho vay tín dụng đen đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. 
Trong khi đó, người đi vay “tín dụng đen” vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất của mình. Hậu quả là  đối tượng cho vay “tín dụng đen” chiếm đoạt tài sản của người dân và cả tiền của ngân hàng. Người dân vay “tín dụng đen” trở thành người phải có trách nhiệm với ngân hàng, dẫn đến mất đất, mất nhà.
Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Cty Luật TNHH Trường Lộc, các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất trong trường hợp này không đúng với quy định của Điều 428 Bộ luật Dân sư quy định về hợp đồng mua bán tài sản. Theo quy định này thì “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”, nhưng trên thực tế không có việc giao nhận tiền và giao nhận tài sản mua bán. 
Các hợp đồng này thực chất nhằm che giấu giao dịch vay vốn “tín dụng đen” và bị vô hiệu theo quy định tại Điều 129 và Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo và bị dối lừa, đe dọa. “Các hợp đồng thế chấp tài sản cho ngân hàng cũng không đúng với hình thức bảo đảm, vì thế chấp theo quy định tại Điều 342 Bộ luật Dân sự thì tài sản thế chấp phải là tài sản của người đi vay”, ông Tuấn cho biết thêm.
Tại hội thảo các luật sư và chuyên gia cho rằng: Theo Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự, từ ngày 1/1/2006, lãi suất trong các hợp đồng cho vay nói chung, lãi suất hợp đồng tín dụng nói riêng “do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”. Lãi suất trên 150% gọi là “cho vay lãi nặng”.  Hậu quả pháp lý đối với tín dụng đen khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay.
Như vậy, việc cho vay lãi nặng trên 150%  hiện không có quy định xử lý, không có chế tài xử phạt nên người cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng khe hở này để hoạt động mà không vi phạm pháp luật. Nhiều chuyên gia cho rằng tội cho vay lãi nặng gây nguy hại không lớn nên mức hình phạt tối đa chỉ 3 năm tù (Điều 8 Bộ luật Hình sự) là chưa đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm, ngăn ngừa tội phạm.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện chỉ có một điều duy nhất (Điều 163) quy định về hành vi cho vay lãi nặng nhưng phải thỏa mãn cả hai yếu tố: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột. Theo các luật sư thì điều này không dễ dàng chứng minh và xác định. 
Theo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”. Tội phạm từ “tín dụng đen” có 05 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản, 92 vụ cưỡng đoạt tài sản.

Đọc thêm