Tình yêu rau và nỗi niềm của chủ thương hiệu Rừng hoa Bạch Cúc

(PLO) - Từ Bình Định vào Lâm Đồng lập nghiệp từ năm 1980 với công việc dạy học rồi kinh doanh bất động sản. Những năm 1996 – 2000 thị trường nhà đất biến động mạnh mẽ, rồi đóng băng khiến bà bị ngân hàng phát mãi tài sản thu hồi nợ. Vậy mà chỉ sau 5 năm, bà đã trở thành gương điển hình của tỉnh, thậm chí của ngành về trồng rau thủy canh.
Tình yêu rau và nỗi niềm của chủ thương hiệu Rừng hoa Bạch Cúc

Đó là vài nét phác thảo về chân dung bà Phạm Thị Thu Cúc- Giám đốc Cty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc (thôn Đạ Nghịt- xã Lát - Lạc Dương- Lâm Đồng).

Tình yêu rau

Từ sân bay Liên Khương xuống trang trại của bà phải vượt gần 40km đèo dốc quanh co, có đoạn đường dài không một mái nhà. Đường vào trang trại heo hút, vượt qua mấy con dốc mới tìm thấy bà trong lán E6, nơi người phụ nữ đang cắt rau mùi tây cho khách. Đưa tay ngắt cọng rau, bà mời khách ngửi xem thơm không, nếu thích có thể ăn luôn không cần rửa vì rau này chị trồng không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. 

Tôi gặp bà cũng thật tình cờ, khi đó người phụ nữ này lên báo cáo về sự thành công của vườn rau thủy canh tại một hội nghị ở TP HCM. Ở bên ngoài, trông bà trẻ hơn cái tuổi 67. Gầy gò, nhỏ con vậy mà bà vẫn thoăn thoắt giữa mấy ngọn đồi, đi qua hết luống rau này đến luống rau khác. Khu vườn rộng những 2,5ha, có khoảng trên dưới 15 loại rau được trồng quanh năm. Với số lượng 25 công nhân, trung bình mỗi ngày chủ vườn thu hoạch 50kg rau mùi tây và khoảng 700kg rau xà lách cung cấp cho các hệ thống siêu thị Metro (nay là MM Maket), Big C. Xà lách là giống của Hà Lan được cung cấp bởi Công ty RIJK ZWAAN của Hà Lan, còn rau mùi tây của Pháp do con gái bà du học bên đó mua về. 

Con đường gắn kết với những luống rau của bà Cúc cũng tình cờ. Trong một lần Công ty Rijk Zwaan - Hà Lan cho đi tham quan ở Malaysia, bà thấy người ta trồng xà lách thủy canh thích quá nên mua hạt giống về trồng thử 1000m2. Rau mùi chị trồng từ năm 2008, xà lách chỉ mới bắt đầu từ giữa năm 2015. Salanova là loại xà lách có độ tươi lâu, hình thức đẹp, giòn và tiện lợi trong các bữa ăn, có thể làm món rau trộn, ăn sống hay xay sinh tố cũng là thức uống bổ dưỡng. Bà kể lúc đầu trồng khó lắm, phải nhờ chuyên viên kỹ thuật của Công ty Rijk Zwaan hướng dẫn, họ cung cấp hạt giống và hỗ trợ kỹ thuật rất tận tình nên bà mới có được thành công như hôm nay. Có điều, bên cạnh khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, cái khó nữa của người nông dân là đầu ra. Rau của bà Cúc trồng trong nhà lồng, không phun thuốc, không dùng hóa chất nên chi phí khá cao. Chủ vườn kể chưa năm nào Đà Lạt mưa nhiều như năm nay. Vườn rau của bà úng gần hết. Xót lắm nhưng phải bỏ vì đã cam kết cung cấp rau mới cho siêu thị mỗi ngày.

Có xem quy trình trồng rau của bà Cúc mới thấy chủ vườn cưng chiều từng luống rau như thế nào. Một luống rau bắt đầu từ 15 ngày trên giàn ươm, rồi xuống máng 30 ngày. Từ lúc gieo hạt tới khi thu hoạch khoảng từ 40 – 45 ngày, cây nào sâu là bỏ. Ngày nào cũng gieo hạt, ngày nào cũng ra cây. Một năm người trồng chỉ có 3 ngày nghỉ là 29, 30 và mùng 1 tết. Bà kể mỗi khi lên giàn phải tính toán kỹ lắm bởi vốn ít nên sợ lỗ. Vậy mà cũng có khi sâu bệnh phải đổ đi hàng tấn: “Chẳng thà bỏ đi chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, mình đã cam kết với nhà phân phối rồi. Nhưng hơn cả cam kết đó là mình trồng rau mình ăn, con cháu mình ăn, bà con mình dùng nữa nên không thể vì tham lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm”, bà Cúc quan niệm.

Nỗi niềm trăn trở

Tâm sự với tôi, bà nói bây giờ mọi thứ đều ổn, nhất là đầu ra nên không phải lo lắng nhiều. Vấn đề là có đủ sức đủ lực để làm hay không mà thôi. Ngoài những luống rau ở đồi mỗi ngày phải chăm sóc, bà đang ấp ủ nhiều dự định, trong đó có việc đầu tư khoảng 10 tỷ đồng xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp canh nông bằng cách liên kết với các tour du lịch nước ngoài đưa sinh viên đến đây trải nghiệm. Bà sẽ xây một loạt nhà nghỉ kiểu homestay. 

Ngoài tour tham quan còn có tour lưu trú, dự kiến tháng 4 sang năm, khi hết mùa mưa sẽ bắt đầu. Bà cũng chia sẻ dành khoảng 2ha đất xây nhà tiền chế bằng sắt và gỗ, lợp tranh, xung quanh sẽ trồng hoa cẩm tú cầu, sao cho các biệt thự và nhà nghỉ mang màu sắc lãng mạn và thân thiện với môi trường. Tại đây, các sinh viên trong và ngoài nước có thể đến nghỉ hè, vừa ươm hạt, cho cây ra giàn, đóng gói rau… tạo nên một chuỗi trồng rau – thu hoạch khép kín. 

Hỏi bà không còn trẻ nữa, sao cứ phải bươn chải làm gì trong khi con cái đều trưởng thành, đều có thể thay mẹ làm những việc này. Bà cười hiền lành, giọng nhỏ nhẹ: “Làm gì cũng có tình yêu, tôi nhìn những luống rau lớn lên, xanh tốt mỗi ngày, tôi yêu nó và tôi không thấy cực. Các con tôi đều có sự nghiệp riêng, chúng chỉ có thể hỗ trợ cho mẹ chứ tôi không ép phải làm thay mẹ. Tôi sở dĩ có được ngày hôm nay, cũng là nhờ giữ được chữ tín trong kinh doanh. Từ chữ tín, tôi mới lấy lại được những gì đã có sau những thất bại nặng nề”.

“Điều đáng buồn là, người nông dân Lâm Đồng như chúng tôi còn chưa được bộ, ngành quan tâm đúng mức. Vừa qua Chính phủ có cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân Lâm Đồng, trong đó có đầu ra nhưng hình như chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Chúng tôi muốn hàng hóa nhập vào Việt Nam phải cạnh tranh lành mạnh. Trước đó, báo chí có đăng tin bắt 3 container cà rốt xuất xứ từ Trung Quốc, bán ra có 5000đ trong khi cà rốt Đà Lạt giá gốc đã 10.000 đ/kg”.

Người phụ nữ này lo lắng: “Như vậy làm sao có thể đưa nông sản Đà Lạt đi lên được. Hàng nông dân sản xuất tại Đà Lạt thì không có ai mua, giá thấp cực kỳ, năm ngoái xà lách 25.000đ/kg, năm nay 18.000đ/kg, có hôm rớt xuống 5.000đ/kg, người nông dân chỉ còn biết khóc. Vừa rồi còn có tình trạng nhái nhãn hàng nông sản Đà Lạt, lấy đất Đà Lạt bôi vào rồi chở đi tiêu thụ khắp cả nước. Nếu dẹp bỏ được gian lận thương mại thì mới nói đến nông nghiệp phát triển chứ đừng hỏi tại sao hàng nông sản lại rớt giá như vậy”.

Theo bà Cúc, không chỉ cà rốt, khoai tây, mà cà chua, các loại rau ăn lá, cải thảo, su hào, hành tây của địa phương cũng rơi vào cảnh bị cạnh tranh không lành mạnh. Bà trăn trở rằng nếu ma túy chỉ giết được một số người thì hàng nông sản nhập lậu không đảm bảo chất lượng đang ảnh hưởng tới 90 triệu người dân Việt Nam. Càng ngày càng có những thế hệ người ốm đau vì bệnh tật, vì dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật từng ngày từng giờ ngấm vào người. Người phụ nữ tâm huyết với rau sạch cho rằng nếu có biện pháp mạnh như tịch thu hàng, tịch thu xe, tước giấy phép lái xe của tài xế, tịch thu gia sản những doanh nghiệp nào gian lận thương mại thì có lẽ sẽ đủ sức răn đe hơn.

Trước lúc tiễn khách, bà Cúc vẫn đau đáu trước thực tế rau củ quả nhập lậu được bán giá thấp khiến những người nông dân trồng rau sạch khó cạnh tranh: “Sản xuất hàng an toàn thì giá thành cao, lúc đó bán cho ai khi hàng hóa không rõ xuất xứ được bán tràn lan với giá thấp hơn rất nhiều. Rồi làm sao người dân biết rõ đó là rau an toàn, rau nào không an toàn. Doanh nghiệp thượng tôn pháp luật thì Nhà nước cũng phải có biện pháp nghiêm trị những ai vi phạm pháp luật. Có như thế, nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông sản Đà Lạt nói riêng mới đi lên và phát triển, mới đỡ khó cho người trồng rau...”, bà chủ vườn rau trăn trở.

Đọc thêm