Tọa đàm “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”

(PLO) - Sau hơn 30 năm Đổi Mới, Việt Nam đã có hơn 600 nghìn doanh nghiệp và đang đặt mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.  Xét trong tương quan so sánh về các chỉ số tài chính, thu hút lao động và đóng góp ngân sách, càng ngày càng không thể phủ nhận sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, như một xu hướng tất yếu. 
Tọa đàm “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”

Tuy vậy, sau một phần ba thế kỷ, thời gian đủ để một quốc gia trên thế giới kịp “thay da đổi thịt” nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chậm chuyển động. Bức tranh kinh tế tư nhân thiếu mất nhóm doanh nghiệp cỡ vừa (hiện chỉ chiếm chưa đến 3%); hầu hết có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; những doanh nghiệp tư nhân đầu đàn dường vẫn đang tập trung vào bất động sản, xây dựng và đầu tư tài chính... Khó khăn của khối doanh nghiệp tư nhân vẫn là đất đai và sự bấp bênh của quyền sử dụng đất; vấn đề thuế và nóng bỏng hơn là những phàn nàn về thủ tục hành chính, chi phí không chính thức... 

Năm 2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 đã ban hành một Nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của đất nước (Nghị quyết 10/2017); đến năm 2020 đóng góp 50% vào GDP. Việc coi kinh tế tư nhân như là động lực của nền kinh tế chính là sự thừa nhận một thực tế đã diễn ra mấy chục năm đổi mới ở nước ta. Nhưng câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển? 

Với mong muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi này, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”. Các ý kiến tại tọa đàm tập trung làm rõ vai trò, đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế; cùng thảo luận và tìm câu trả lời cho câu hỏi: “doanh nghiệp tư nhân không thể lớn hay không muốn lớn – vì sao”? Bên cạnh đó, các ý kiến phân tích về lợi thế của doanh nghiệp tư nhân, về bài học từ những doanh nghiệp đầu đàn. Các chuyên gia kinh tế và các nhà lập pháp trao đổi và phác họa môi trường hay hệ sinh thái cần thiết để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Khách mời tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện- UBTVQH; bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội; ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế; bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát; ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Carmax.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết: "Những năm qua, sự phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế đất nước đạt được nhiều thành tựu ấn tượng không thể không đề cập đến sự đóng góp của các doanh nghiệp trong đó có những doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế và là niềm tự hào của chúng ta. Tuy nhiên, hòa trong dòng chảy phát triển lịch sử của đất nước, lịch sử phát triển của doanh nghiệp tư nhân gặt hái nhiều thành tựu nhưng cũng không ít khó khăn từ rào cản chính sách, quan điểm…

Chúng ta thấy rằng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng bước tự xây dựng thương hiệu, đi lên bằng sản xuất, bằng những sản phẩm của mình đóng góp cho nền kinh tế bằng cách tạo công ăn việc làm, bằng đóng thuế cho Nhà nước và bằng sức lực, trí tuệ của mình góp sức  thúc đẩy nền kinh tế  phát triển như Vingroup hay Tân Hiệp Phát. Đó là nỗ lực của đội ngũ doanh nhân mà không ai có thể phủ nhận được.

Với tinh thần như vậy, trong buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn  các đại biểu quốc hội, có các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và đặc biệt là các doanh nghiệp tại đây sẽ có những chia sẻ thẳng thắn, chỉ rõ, nói thẳng những bất cập, vướng mắc từ cơ chế, chính sách, từ cách hành xử, từ tâm lý xã hội để chúng ta tháo gỡ và thật sự tạo đà cho doanh nghiệp phát triển."

Đánh giá vai trò của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã và đang có những thay đổi như thế nào, TS Lưu Bích Hồ nhận xét: "Trước đây, khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 doanh nghiệp, đến nay đã có đế 600.000 doanh nghiệp, dự kiến sẽ lên 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì mỗi năm chúng ta tăng thêm ít nhất trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký mới và đổi mới doanh nghiệp cũ cũng trở thành doanh nghiệp mới.

Doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra gần 40% GDP, trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp thì khu vực tư nhân tạo ra trên 62% việc làm mới tính đến năm 2016. Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân không phải chỉ là vốn mà giải quyết việc làm cho lao động vẫn là lực lượng chủ yếu. Con số trên đã nói lên cụ thể hơn, rõ ràng hơn động lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đã và đang tiếp tục phát huy ngày càng nhiều hơn, ngày càng quan trọng hơn.

Trong khía cạnh khác, bên cạnh một số doanh nghiệp rất lớn như Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát, đặc biệt là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, là đơn vị rất nổi bật vai trò của mình trong việc cạnh tranh và hội nhập với bên ngoài. Tôi thấy rằng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung tham gia thị trường cũng có số vốn không phải chỉ là những doanh nghiệp lớn mà đại bộ phận mới đăng ký là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mỗi năm, vốn bình quân để đăng ký thêm đã tích dần lên. Trước đây, dưới 10 tỷ đồng 1 doanh nghiệp, bây giờ đã lên trên 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp tư nhân không phải càng ngày càng nhỏ đi, mà thực sự là đăng ký mới đã tăng lên, số bổ sung vốn vào so với các doanh nghiệp đã có thì mỗi năm gấp nhiều lần số vốn đăng ký mới, để thấy rõ khu vực vừa và nhỏ của chúng ta cũng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhiều việc để quy mô lớn hơn nhưng mà để thấy bước tiến không phải chỉ ở doanh nghiệp tư nhân lớn. Còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng hướng đi và xu thế thì không phải chỉ là động lực quan trọng mà ngay càng trở thành động lực quan trọng hơn trong sự phát triển của đất nước."

Trả lời câu hỏi, Doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn hay không thể lớn- Vì sao?, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết: "Ở đây có hai khía cạnh không thể lớn và không muốn lớn. Thứ nhất, vì sao không thể lớn. Theo thống kê của thế giới, các DN trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tăng trưởng lên 15, 20 năm. Do vậy, số DN hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng muốn lớn cũng không thể lớn được vì lý do nguồn lực và năng lực. Tất cả các DN đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì DN sẽ tăng trưởng lên tới đó. Người đứng đầu là “cái nóc của cả cái bình”, nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là người kìm hãm DN phát triển.Có rất nhiều chủ đề có thể thảo luận vấn đề này. Riêng tôi, tôi cho rằng có một yếu tố đang trở thành đề tài nóng bỏng là DN gia đình. Hiện rất ít người biết DN gia đình chiến 60-70% các DN. Có nhiều quốc gia chiếm 90%. Riêng với Việt Nam, đến giai đoạn hiện nay, đa số các DN tầm 20 năm đến 30 năm thì bắt đầu chuyển sang thế hệ thứ hai hoặc các mô hình kinh doanh khác như lên sàn chứng khoán. Đó chính là những cái họ phải thay đổi.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Riêng đối với Tân Hiệp Phát, để chuẩn bị quá trình thay đổi chúng tôi đã phải làm rất nhiều. Đó là một trong những lý do tôi viết cuốn sách, chúng tôi muốn chia sẻ, chúng tôi muốn học hỏi, để làm sao chúng tôi có thể lớn hơn nữa, làm sao chúng tôi có thể đem một thương hiệu ra thế giới. Nói thì nghe rất đơn giản nhưng để làm được thì rất khó. Đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu chỉ là xuất khẩu, nếu đơn thuần là mang nước đi bán thì là câu chuyện khác. Nếu thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường các DN khác đã tồn tại sẵn rồi. Chưa nói đến chuyện thắng được ở thị trường Việt Nam đã khó, đưa được ra nước ngoài thì vô cùng khó. Bên cạnh những yếu tố như tăng trưởng vốn đầu tư, xây dựng việc làm, còn một yếu tố nữa là phải giới thiệu với thế giới về Việt Nam thông qua những sản phẩm của Việt Nam. Đó chính là người bán hàng hiệu quả nhất.

Đối với Tân Hiệp Phát, trong vòng 5-7 năm vừa qua chúng tôi phải kìm hãm sự tăng trưởng. Lý do chúng tôi kìm hãm sự tăng trưởng vì chúng tôi nhìn thấy bộ máy sắp sửa đến lúc phải được tăng cường năng lực thì mới đi lên được vị trí cao hơn. Đó cũng là một bài toán, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì sẽ phải trả lời câu hỏi: năng lực của tổ chức như thế nào, làm sao để đi lên? Từ năm 2012, Tân Hiệp Phát đã phải mời chuyên gia nước ngoài và những tổ chức thế giới để xây dựng cho Tân Hiệp Phát một sơ đồ tổ chức. Muốn lên doanh thu 1 tỷ đô thì sơ đồ tổ chức phải như thế nào. Điều này đã tốn của chúng tôi một thời gian khá dài, từ 2012 đến hiện nay, để chúng tôi có thể hiểu, có thể nắm bắt, có thể vận hành làm sao có thể tăng trưởng và xây dựng con người cho phù hợp với năng lực để có thể phù hợp với sơ đồ tổ chức đó; chứ không phải cứ người trong gia đình là sẽ vào được vị trí đó. Đó là những nỗ lực, cam kết rất lớn của DN. Ngoại trừ việc kinh doanh phải có lời, nhưng sau khi có lời, phải làm gì? Tiếp tục đầu tư hay tiếp tục mở rộng, tiếp tục xây dựng….

Về khía cạnh không muốn lớn, theo tôi là vì DN sợ lớn. DN nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới. Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của chúng tôi bởi đột phá nào cũng có rủi ro. Nhiều nhà báo đã hỏi chúng tôi rằng: Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối bán vào năm 2012 với giá 2,5 tỷ đô? Vì chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đặt ra hơn thế. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ bởi quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng, nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên, chúng tôi lại nhìn thấy được điểm yếu của bản thân, để đi tiếp

Một trong những câu chuyện báo chí pv tôi: Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối bán vào năm 2012 với giá 2,5 tỷ đô ? Vì chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Vì . Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đạt ra hơn thế. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ. quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn. Chẳng có gì là bền vững. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng. Nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên. Bởi sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại nhìn thấy được điểm yếu của bản thân, để mà đi tiếp."

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ, cũng có đánh giá về vấn đề này: "Xét về mặt vĩ mô, tổng thể, nhà nước nào thì thể chế đó, thể chế nào thì DN đó. Với những nước phát triển như Đức thì trình độ phát triển rất cao, con số tuyệt đối để có được những DN mới không nhiều như chúng ta hiện nay. Vì trong nền kinh tế thị trường hàng trăm năm của Đức, để có được những DN mới không phải dễ, phải sáng tạo mới, phải đi vào những lĩnh vực mới và phải thật sự tốt hơn những cái đã có thì họ mới muốn làm. Còn chúng ta mới bắt đầu phát triển, dư địa của chúng ta còn mênh mông, mỗi năm hàng trăm nghìn DN ra đời. Tôi cho rằng, vấn đề không phải là ở Đức hay các nước hiện đại, mà theo quan điểm của tôi, hãy cứ tập trung vào hoàn thiện thể chế. Mới đây, khi dự Hội nghị VCCI nói về vấn đề đánh giá Nghị quyết 19-2018/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016, yêu cầu của Chính phủ phải giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng qua khảo sát thực tế, chỉ cắt giảm được khoảng 40% là cao nhất, là thực hiện được những điều kiện kinh doanh đã được quy định dừng bớt đi. Trong khi đó, 58% doanh nghiệp phải xin những giấy phép con, mà yêu cầu chỉ có hơn 230 ngành nghề là phải có điều kiện kinh doanh, chủ yếu là QP - AN, y tế, cộng đồng, văn hóa… còn DN nhà nước chỉ làm những khu vực nào chiến lược, quan trọng và QP - AN mà DN tư nhân không làm được, còn lại hàng nghìn lĩnh vực người ta có thể làm. Trong số 600.000 doanh nghiệp, còn 350.000 doanh nghiệp phải xin phép, có 42% doanh nghiệp nói rằng: “Chúng tôi xin được giấy phép rất khó khăn”. Thể chế không chỉ là ra văn bản, mà cần tổ chức thực hiện, đưa quyết định đó thực sự đi vào cuộc sống mới gọi là thể chế.

Do đó, ở tầm vĩ mô, chúng ta vẫn phải thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện những gì ngăn cản về mặt thể chế đối với các DN, đây là điều quan trọng nhất. Qua 30 năm, vừa rồi Trung ương đã ra Nghị quyết để thực sự coi kinh tế tư nhân là trụ cột. Trong môi trường chưa ổn định, muốn làm DN thì phải bán được hàng, không chỉ đối mặt với cạnh tranh trong nước mà các DN phải đối mặt với môi trường thế giới. Do đó, DN cần phải thể hiện được năng lực, hiệu quả và có phát triển được hay không trong điều kiện như vậy. Nhà nước đã tháo gỡ rất tốt nhưng DN phải đồng hành với Nhà nước để làm được những điều đó. Sắp tới sẽ còn rất nhiều khó khăn cần phải cân nhắc tính toán, cố gắng vượt qua. Chúng ta còn dư địa mênh mông để phát triển cho nên phải cố gắng hơn nữa, 1 triệu DN vẫn là ít so với tỷ lệ dân số và không phải là nhiều so với các nước tiên tiến, nhất là DN nông thôn được có 2% trong tổng số DN chung của cả nước. Do đó, ta cần phải thúc đẩy nông nghiệp, đây là khu vực rất mới của DN tư nhân, vì đây là nơi còn rất nhiều dư địa để phát triển; còn ở công nghiệp và  dịch vụ các nơi rất nhiều việc có thể làm nhưng chúng ta cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới có thể làm được. "

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 98% là quy mô nhỏ và vừa, đóng góp 40% vào GDP. Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông nhận xét: "Nói về vai trò của DN, Đảng và QH đã xác nhận, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp cho các DN. Hiện nay, chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu DN. Cần phải nói thêm rằng, chúng ta đã có 600.000 DN với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, như vậy nếu nói những người tham gia kinh doanh từ rất nhỏ đến rất lớn đã là gần 6 triệu DN. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang định nghĩa rằng, những cá nhân phải có đăng ký kinh doanh mới được gọi là DN nên con số mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020 còn phải phấn đấu. Phấn đấu được hay không thì còn phụ thuộc vào chính sách, sự thúc đẩy, quan tâm, quan điểm của Chính phủ trong 2 năm tới ra sao.

Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi cho rằng, các hộ kinh doanh cũng cần được xem là DN, từ đó, chúng ta nên đưa quyền lợi, nghĩa vụ các hộ kinh doanh bình đẳng như các DN. Có như vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có tác dụng, bởi nếu không, các hộ kinh doanh nhỏ và vừa sẽ không tham gia bàn và đặt nghĩa vụ của mình với nhà nước đứng ngoài so với các hộ kinh doanh, điều này, chúng tôi đã có những khảo sát, nghiên cứu.

Nói về sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân, tổng công ty tư nhân, tôi cho rằng, cần phải có các DN đầu đàn. Vì như thế, cộng đồng DN nhỏ và vừa mới nhìn những tấm gương để noi theo, đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi người ta thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước. Ngoài ra, các DN đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho DN nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ. Tôi lấy ví dụ câu chuyện của DN Tân Hiệp Phát, họ giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những DN nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước. Vì vậy, tôi đánh giá, muốn lớn, nhỏ, vừa như nào thì DN phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội.

Ngoài ra, tôi cũng nói thêm rằng, DN nhỏ và vừa nước ta là 98%, nhưng ở các nước khác như Đức, Nhật, Mỹ... là 99%, vai trò của DN nhỏ và vừa là đa ngành, tất cả các lĩnh vực, nên ổn định nền kinh tế vĩ mô của khối DN này rất quan trọng. Những DN nhỏ nếu kết nối với các DN lớn sẽ phát triển kinh khủng, còn nếu đi một mình sẽ khó. Do đó, tôi đề nghị Báo Đại biểu nhân dân cần có những hội thảo giữa DN lớn và DN nhỏ, DN FDI, để nhân dân hiểu, và thấy được những tích cực, những điều mà các DN đang làm được."

Tại tọa đàm, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chia sẻ những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa  hiện nay. Ông Tô Hoài Nam cho biết: "Có một bộ phận DN có hoài bão rất lớn nhưng ngược lại cũng có một số bộ phận sau khi Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết và nghiên cứu một số cơ chế bên trong thì thấy rằng cũng chưa hẳn như vậy. DN nhỏ và vừa của Việt Nam có một số bộ phận không nhỏ thành lập DN để thoát nghèo. Về việc DN có muốn lớn hay không thì thấy rằng, hiện nay đại bộ phận DN nhỏ và vừa thì khu vực nào, quy mô nào hoạt động hiệu quả nhất sẽ là câu trả lời mang tính quyết định. Tôi thấy rằng, với quy mô lao động từ 10 - 24 lao động thì hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất. Hiệu quả ở 3 đặc điểm, ngoài hiệu quả cho doanh nghiệp còn 2 hiệu quả nữa. 

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Thứ nhất, khu vực này đã thể hiện được sự chuyển dịch tỷ lệ phi chính thức ít nhất, DN tư nhân hiện nay có vài đặc điểm là tỷ lệ phi chính thức rất lớn nên khi chúng ta hoạch định chính sách cũng không thể đo được. 

Thứ hai, năng suất lao động quyết định việc có lớn hay không, năng suất lao động như tôi vừa nói, qua nhiều nghiên cứu thì quy mô từ 10 - 24 lao động là quy mô tạo ra năng suất lao động cao nhất. Đó là một thực tế. 

Quan sát cơ chế bên trong thì thấy rằng, muốn lớn, muốn tăng trưởng thì doanh nghiệp đều phải dựa vào một số nền tảng rất quan trọng: Phải dựa vào công nghệ mới và sự sáng tạo; Phải có chiến lược mang tính phù hợp; Phải có đội ngũ cán bộ có năng lực. Đây là 3 yếu tố đồng thời quyết định DN có muốn lớn hay không. 3 yếu tố này không thể một mình làm được, vì vậy nên có muốn lớn được hay không thì phải có thời điểm DN xuất hiện được những yếu tố, nền tảng đó. DN nào tiếp cận được kiểu vốn dễ dàng nhất thì tăng trưởng khá, còn tăng trưởng 5 năm hay 10 năm thực chất được được 3 năm này thôi. 

Về cản trở lớn nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi vừa nói khu vực hiệu quả nếu nói theo luật nằm ở khoảng 24 lao động thì một trong những cản trở nhất cần được nhắc đến đó là tính liêm chính của cơ quan thi hành cơ sở. Đây là trở ngại lớn nhất làm cho doanh nghiệp sợ hay không sợ, lớn hay không lớn.

Đánh giá về những lợi thế của doanh nghiệp tư nhân TS. Lưu Bích Hồ cho biết: "Lợi thế của DN tư nhân hơn hẳn DN Nhà nước ở chỗ quản trị tốt hơn, có quyền quyết định chủ động hơn DN Nhà nước. Nhiều DN tư nhân chỉ cần thể chế, minh bạch, nhà nước phải đối xử công bằng. Công nghệ rất dễ xoay xở, tiếp xúc được nhanh, có gì có thể chớp lấy và làm ngay, có tiền là làm. Trong thời đại 4.0 chính là cơ hội rất lớn cho DN tư nhân, do vậy cần phải tận dụng lợi thế này để đi, vì đây là điều hết sức thiết thực. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta có thể đi tới 5G nhanh hơn, kết nối vạn vật, kết nối internet. Bên cạnh đó, nguồn lực chúng ta không bị ràng buộc, nếu không vay được vốn chúng ta sẽ tìm được mọi cách để làm ra nguồn lực. Tôi không nghĩ là cứ phải đi vay, và vay bảo đảm có vay có trả, tôi không nghĩ hiện nay cả nền kinh tế của chúng ta phải sống trên “núi nợ”, do vậy cần phải vươn lên để làm được điều đó. Cuối cùng, tôi thấy DN tư nhân là nền tảng chứ không phải chỉ là động lực. Vì lâu dài nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn một ít như thế, ông chỉ dẫn đầu trong chiến lược quan trọng nhất về AN - QP, còn tất cả các nền tảng sản xuất, kinh doanh là của doanh nghiệp tư nhân.

Trong việc tạo đà, nhà nước dứt khoát phải giữ cho được ổn định vĩ mô, không nên để xảy ra tình trạng làm phát như trước đây. Chính sách phải hướng theo thị trường và không thay đổi; bộ máy phải gọn chứ “trên nóng dưới lạnh” hay “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa rất lạnh”, do vậy QH cần phải trách nhiệm, xoay chuyển để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Cuộc cách mạng này chính là cách mạng ở bản thân thì mới làm được. Tôi thấy hàng loạt vấn đề dân sự vẫn còn chậm trễ, tôi thấy cần phải đồng hành, kết nối với nhau. Việt Nam còn hạn chế trong việc kết nối, mà thời đại 4.0 bản chất là kết nối. Đừng nhìn lại quá khứ mà hãy nhìn về tương lai trong 10 năm nữa thế giới sẽ ra sao, đất nước mình có theo được điều đó không. Nếu không hòa nhập được sẽ lạc hậu chứ không có chuyện hiện đại hóa. Hiện đại hóa phải là các DN, do vậy tôi đề nghị phải giáo dục, đào tạo cho doanh nghiệp đó, phải kết nối với nhau để đào tạo. Công nghệ 4.0 là chính sách, là con người, có được những điều mới là có bước tạo đà quan trọng. Sau khi hội nghị này kết thúc, mong rằng Báo Đại biểu nhân dân sẽ cố gắng “huých” cho đà này nhanh hơn."

Bổ sung ý kiến của TS Lưu Bích Hồ, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh: "Theo hiện trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, có thể thấy rằng khi xây dựng thể chế, chính sách cho DN tư nhân đã có bước tiến rất lớn. Tuy thể chế được cải thiện rất lớn nhưng số lượng đăng ký DN và DN thực chất hoạt động thì theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê chỉ khoảng 54%. Điều đó không nói rằng thể chế không được cải thiện, nhưng rõ ràng bối cảnh bên ngoài sự cạnh tranh nó khốc liệt hơn nhiều. 

Trong xu thế sàng lọc, các DN đầu tư rất mạnh mẽ thì bản thân các DN Việt Nam đã có nhiều bằng chứng rằng có sự liên kết với nhau, đó là điều cần ghi nhận. Ví dụ lĩnh vực chế tạo, chế biến sản xuất, nông nghiệp thì sự liên kết có thể thấy được nhiều mô hình hơn, đó cũng là những căn cứ từ thực tiễn để có niềm tin vào điều đó. Một điểm nữa là một số DN đang đuối sức trong cạnh tranh, biểu hiện ở chỗ số DN thành lập và DN đang chờ hoạt động. Tôi không nói cụ thể nhưng về mặt tổng thể, với 54% DN đang hoạt động, điều đó có thấy rằng DN đang có dấu hiệu đuối sức. Khi DN đuối sức thì chính sách phải đột phá, nếu cứ giữ sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp. Hiện DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất mạnh, điều đó cho thấy môi trường đầu tư của ta không xấu, nhưng họ vào và đã chiếm hết chỗ của DN Việt. Và chúng tôi không thể nào ngăn cản một DN mạnh hơn, trừ phi chúng ta phải tạo một cơ chế để các DN nhỏ Việt Nam liên kết lại với nhau để họ tạo nên một quy mô lớn hơn, chất lượng lớn hơn để phát triển trong thị trường. Tôi nói về vấn đề liên kết này trong lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo cơ khí thì chúng ta đã thành công."

Khi được hỏi từ chính hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân có những lợi thế nào? Tân Hiệp Phát đã tận dụng lợi thế đó ra sao để có thể bứt phá và đâu là yếu tố mang tính quyết định? bà Trần Uyên Phương cho biết: "Một trong yếu tố thuận lợi DN tư nhân có là quyền tự chủ và quyền định đoạt tất cả những tài sản mình có. Ví dụ khi phải cân đối giữa những quyết định chiến lược ngắn hạn và dài hạn, nếu bây giờ Tân Hiệp Phát có những cổ đông khác hay Tân Hiệp Phát lên sàn thì đây sẽ một bài toán rất khác khi chúng tôi phải cân nhắc về việc chi trả cho cổ đông như thế nào.

Những ví dụ cụ thể, khi đầu tư máy móc thiết bị, chúng tôi dám mạnh dạn đầu tư những hệ thống hiện đại nhất châu Á. Chỉ khi Tân Hiệp Phát có quyền tự chủ, tự định đoạt mới dám làm và quyết nhanh như thế. Bởi đây là rủi ro rất lớn. Tôi cũng thẳng thắn trong cuốn sách , kể cả gia đình, mỗi thành viên vẫn là mỗi cổ đông, vẫn phải có các cuộc đàm thoại. Tôi nhớ bố tôi có đặt câu hỏi: “Bây giờ tiếp tục mở rộng thì các con trả chứ ba không có trả nữa, tụi con có dám làm không?” Chúng tôi phải sẵn sàng trả lời cho câu hỏi đó vì đối với DN, mỗi lần tăng trưởng là một gánh nợ. Như vậy liệu cổ đông khác có dám làm hay không? Những lợi thế chúng tôi vẫn đang nhìn thấy là cả gia đình đồng tâm với sứ mệnh mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Nếu có cổ đông khác thì rất khó cho những quyết định của chúng tôi do không thể thu hồi vốn ngay, phân tích hoàn toàn thắng lợi cũng hoàn toàn không có.

Gần đây , TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có nói, hiện chúng ta ở giai đoạn không phải đuổi kịp DN nước ngoài nữa. Bây giờ biên giới không còn ranh giới rõ ràng nữa, Việt Nam là một quốc gia tiềm năm, cơ hội cho các nước đầu tư. Vấn đề là chuẩn bị thế nào với tình hình cạnh tranh ngày càng lớn như thế. Chúng ta hiện phải dùng từ sánh vai hoặc vượt lên chứ không phải ở vị thế bắt kịp nữa. Đó là những cái tôi cho rằng hiện nay DN tư nhân đang có lợi thế về những khía cạnh đó."

Bà Trần Uyên Phương cũng chia sẻ: "Chúng tôi rất cởi mở, từ năm 2009, Tân Hiệp Phát đã sẵn sàng mời công ty khác tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất rõ ràng trong câu chuyện hợp tác để Tân Hiệp Phát phát triển. Nếu họ đến với tâm thế muốn thâu tóm hay tiêu diệt nhãn hiệu địa phương thì cũng không phải là mục tiêu chúng tôi mong đợi."

Đọc thêm