Trại ươm giống thành công nhờ “bí kíp” nuôi lươn không cần bùn

(PLVN) - Tốt nghiệp công nghệ thông tin từ một trường đại học ở Singapore, nhưng khi về nước, anh La Hữu Lộc (SN 1982, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) lại chọn lập nghiệp bằng nghề nuôi lươn thương phẩm với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Kiểm tra nguồn nước trong các bể nuôi lươn giống, chuẩn bị xuất bán cho khách hàng.
Kiểm tra nguồn nước trong các bể nuôi lươn giống, chuẩn bị xuất bán cho khách hàng.

Quyết tâm làm giàu dù làm trái nghề

Chia sẻ lý do đến với nghề nuôi lươn, anh Lộc cho biết, do nhận thấy con lươn thịt có tiềm năng và nhu cầu thị trường rất lớn nên từ năm 2013, anh đã mạnh dạn mở trại nuôi lươn Tam Lộc, diện tích khoảng 1ha.

Lúc mới vào nghề, anh mua con giống từ nhiều nơi, nuôi thử nghiệm qua nhiều vụ và nếm trải không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm làm giàu, anh không nản chí mà luôn tìm cách học kinh nghiệm từ nhiều người, kể cả trên mạng internet. Sau mỗi lần lươn chết hay có biểu hiện bất thường, anh đều học hỏi cách điều trị bệnh và ghi chép cẩn thận rút kinh nghiệm.

Nuôi lươn thịt không khó, quan trọng nhất là cần có con giống khỏe mạnh. Mỗi ngày thay nước, cho ăn hai lần vào sáng sớm và chiều mát. Cứ thay nước xong cho ăn, đảm bảo làm sao cho đủ lượng thức ăn và nguồn nước phải sạch, là lươn sẽ phát triển tốt; vì lươn không thích ánh sáng nhưng ưa môi trường sạch sẽ. 

Để có thêm nhân sự hỗ trợ các khâu kỹ thuật, anh Lộc nhận thêm ba nhân viên làm việc tại trại lươn, đều là những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thủy sản, có vốn kiến thức nhất định về nghề. Chính nhờ sự kiên trì, ham học hỏi anh đã sớm thành công với mô hình nuôi lươn thịt không bùn trong bể xi măng.

Theo anh Võ Đức Hưng, nhân viên kỹ thuật trại giống Tam Lộc, hạn chế của việc nuôi lươn là quá trình nuôi dài so với các vật nuôi khác (khoảng 8 - 10 tháng với lươn thịt) và con giống làm lại khó. Còn thức ăn thì rất dễ vì chủ yếu cho ăn thức ăn công nghiệp và lươn ăn rất ít. Một bể nuôi lươn thịt khoảng trên 1.000 con; mỗi buổi cho ăn cũng chỉ khoảng 500g thức ăn. 

Thời gian sau đó do nguồn con giống khan hiếm, việc tìm kiếm nguồn lươn giống gặp khó khăn, khiến anh Lộc suy nghĩ tìm cách ươm thử nghiệm thêm con giống đi kèm nuôi lươn thịt. Lúc mới thử nghiệm nuôi lươn bố mẹ, anh lại dấn thân vào thử thách mới vì kỹ thuật nuôi lươn sinh sản rất khó so với nuôi lươn thịt, rất ít nơi làm được.

Đàn lươn khỏe mạnh được tuyển lựa nuôi đến khi trưởng thành cho sinh sản.
 Đàn lươn khỏe mạnh được tuyển lựa nuôi đến khi trưởng thành cho sinh sản.

Nếu như với lươn thịt, chỉ cần chú trọng nguồn con giống, thức ăn, nguồn nước và một số tập tính của loài lươn là có thể nuôi thành công thì với nuôi lươn sinh sản đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn rất nhiều.

Kỳ vọng tạo vùng nuôi lươn thương phẩm

Đúng thời điểm này, anh được các giảng viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ  kỹ thuật, được cung cấp con giống nuôi thử nghiệm và hướng dẫn cách nuôi tận tình. Chính giai đoạn này đã giúp anh tích lũy được rất nhiều kiến thức cần thiết cho nghề nuôi lươn sinh sản. 

Hiện để chủ động có nguồn con giống tốt, trang trại của anh tự  tuyển lựa những con lươn khỏe mạnh và nuôi đến khi chúng trưởng thành cho sinh sản. Các yếu tố về ao ươm như đất, nước được kiểm tra kỹ càng trước khi thả lươn bố mẹ vào ao ươm; và nhân viên kỹ thuật cũng thường xuyên theo dõi thời tiết để đảm bảo nhiệt độ ổn định cho lươn đẻ trứng (trời quá lạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của lươn).

Lươn bố mẹ sau khi thả vào những bể riêng (hình thức bể nuôi gần giống tự nhiên) để chúng đẻ tự nhiên trong ao ươm giống. Khi lươn đẻ trứng, nhân viên kỹ thuật sẽ đào đất lấy trứng đem vào phòng ấp, khoảng 7 ngày sau thì nở thành lươn bột. Từ đó nuôi lươn thêm 1,5 – 2 tháng thì có thể xuất bán. Giai đoạn này chủ yếu cho lươn ăn trùn chỉ, đến khi gần xuất bán cho khách hàng mới tập cho lươn ăn thức ăn công nghiệp.

Trại giống với 40 bể nuôi lươn đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.
 Trại giống với 40 bể nuôi lươn đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Với số lượng 40 bể lươn, trang trại anh Lộc mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu con giống cho các hộ nuôi lươn ở miền Tây và cả một số tỉnh khác như Bình Dương, Vũng Tàu… Với giá bán lươn giống đạt kích cỡ 500con/kg là 3.500 đ/con, trừ đi tất cả chi phí, trại lươn giống của anh Lộc vẫn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Hiện do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang các vật nuôi khác, trong đó có con lươn nên nguồn con giống rất hút hàng, sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ bán. Chính vì vậy anh Lộc đang đầu tư mở rộng diện tích trang trại nhằm mở rộng thêm quy mô sản xuất con giống.

Bên cạnh đó, anh Lộc còn liên kết với 6 trang trại khác thành lập HTX Thuận Thiên, chuyên cung cấp lươn giống, cá thác lác cườm và cá kiểng do anh làm Chủ nhiệm; nhằm hướng đến việc xây dựng một vùng nuôi lươn thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian tới. 

Đọc thêm