Từ chuyện Chủ tịch tỉnh xin cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp

(PLO) - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng vừa  đề nghị Trung ương “tháo gỡ khó khăn” cho Nhà máy gang thép Lào Cai. Đây không phải lần đầu một chính quyền địa phương xin cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp trên địa bàn khiến câu chuyện đặt ra nhiều vấn đề về sự thống nhất và bình đẳng của môi trường kinh doanh.
Nhà máy gang thép Lào Cai được cho là đang rất khó khăn dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái
Nhà máy gang thép Lào Cai được cho là đang rất khó khăn dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái
“Nguy cơ dừng hoạt động”
Nguồn tin của PLVN cho hay, một tờ trình của UBND tỉnh Lào Cai về vấn đề này đã được gửi đến Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Nhà máy gang thép Lào Cai được cho là hiện đang gặp rất nhiều khó khăn dù mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2014.
Đây là dự án của Cty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, một liên doanh của Tổng Cty Thép Việt Nam với Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc), hiện đang quản lý mỏ sắt Quý Xa, lớn thứ hai Việt Nam…
Các khó khăn được lý giải là vì nhà máy mới đi vào sản xuất, tay nghề công nhân chưa thuần thục, chi phí tài chính như lãi vay ngân hàng và khấu hao lớn, chi phí vận tải, tiêu thụ sản phẩm về xuôi lớn… dẫn đến giá thành sản phẩm cao. 
Trong khi đó, thời điểm hiện tại giá phôi thép thế giới và trong nước đang giảm mạnh, đặc biệt là phôi thép Trung Quốc, do vậy sản phẩm của nhà máy được nói là “khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường”.  Tồn kho của nhà máy được nói là giá trị đã vượt trên 1.000 tỷ đồng.
“Tình trạng trên kéo dài, có thể trong thời gian tới nhà máy sẽ dừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 1.600 lao động và ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác” – ông Doãn Văn Hưởng cho biết. 
Từ đó, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng cho phép Cty Việt Trung được “áp dụng một số cơ chế đặc thù”. Trong đó, đáng chú ý là được nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo khối lượng khai thác thực tế hàng năm và tạm hoãn nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp năm 2015 mà không áp dụng các hình thức phạt nộp chậm; đồng thời cho phép Cty này xuất khẩu quặng sắt Qúy Xa để đối lưu than cốc và các vật tự phụ tùng thay thế, giúp cho công ty tăng vốn lưu động để duy trì nhà máy vận hành. Số lượng được nói rõ là khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Tỉnh xin cho doanh nghiệp
Hiện chưa biết Chính phủ sẽ giải quyết đề nghị của Lào Cai như thế nào. Trao đổi với PLVN, một chuyên gia cho rằng cả hai vấn đề trên đều thuộc về nguyên tắc và khả năng cơ quan có thẩm quyền sẽ rất cân nhắc trước khi quyết đáp vì một “cơ chế đặc thù” cho riêng Cty Việt Trung nhưng sẽ tác động rất lớn trên bình diện chính sách chung. 
Đây không phải là lần đầu UBND các tỉnh “kêu thay” cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. PLVN từng đề cập nhiều câu chuyện tương tự, như trường hợp tỉnh Quảng Nam xin gia hạn số thuế nhập khẩu hơn 1.200 tỷ đồng cho Cty Ôtô Trường Hải. 
Khi đó, lý do để tỉnh này đưa ra đề nghị trên cũng được diễn giải là vì tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, tồn kho của doanh nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ đồng và rốt cuộc là nhà máy “có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm”... Tỉnh Hà Tĩnh cũng nhiều lần có văn bản xin cho Cty Formosa, Bắc Ninh xin cho Samsung…
Những câu chuyện như thế này đều không ngoài mục đích muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, quan sát sẽ thấy những doanh nghiệp được các tỉnh xin Trung ương cho cơ chế đặc thù hầu hết đều là các doanh nghiệp lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này nhìn dưới một góc độ khác, lại có thể thấy là dấu hiệu của một sự phân biệt đối xử. 
“Cơ chế đặc thù” khi được quyết đáp cho doanh nghiệp hay địa phương này thì đều có thể tạo ra sự bất bình đẳng với doanh nghiệp hay địa phương khác.
Dù được giải thích như thế nào thì các công ty thép khác cũng khó có thể “tâm phục, khẩu phục” vì sao mình không được tạm hoãn nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp năm 2015 trong khi Cty Việt Trung có thể lại được, dù rằng cùng hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý chung. 
Những câu chuyện như thế này, có thể tế nhị hơn so với việc UBND tỉnh Nghệ An “kêu gọi” uống bia Sài Gòn, tuy nhiên nhìn rộng ra thì về bản chất vẫn giống nhau ở sự thiên vị.
Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2014 vừa được công bố tuần trước, Lào Cai năm vừa qua đã thăng hạng mạnh mẽ, xếp thứ 3 toàn quốc. Nhưng qua câu chuyện vừa kể trên có thể thấy, PCI cũng chỉ là một “lát cắt” để đánh giá về hiệu quả chính quyền.
Vì rất có thể những tỉnh nghiêm túc chấp hành pháp luật, không xin cơ chế đặc thù này nọ lại chịu điểm số không cao./.

Đọc thêm