VNPT mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lại Tập đoàn

(PLO) - Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 diễn ra cách đây ít ngày, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lại Tập đoàn để chuẩn bị cho thực hiện cổ phần hóa từ năm 2019.
VNPT mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lại Tập đoàn

Năm 2017 đã khép lại với nhiều dấu ấn đậm nét, VNPT đã tham gia mạnh mẽ và đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-eOffice) được sử dụng tăng gấp 4 lần, phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate) tăng gấp 3 lần, cổng thông tin điện tử (VnPortal) tăng 1,2 lần, phần mềm giáo dục tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. 

VNPT cũng đã chủ động đầu tư trực tiếp nâng cao chất lượng mạng lưới lắp đặt phủ sóng với số lượng trạm BTS lớn nhất từ trước đến nay. Năm 2017 đã triển khai phát sóng thêm trên 20.000 trạm di động (2G, 3G, 4G), nâng tổng số trạm toàn mạng lên xấp xỉ 75.000 trạm; tổng băng thông Internet quốc tế tăng hơn 83% so với năm 2016; tổng năng lực caching của VNPT tăng hơn 2,1 lần.

Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 đạt được rất đáng ghi nhận: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2017 tăng 7% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận toàn Tập tăng 21% so với thực hiện năm 2016 và đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của Tập đoàn đạt mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của Tập đoàn năm 2017 đạt 20,15 triệu đồng/1tháng.

Những con số này đã minh chứng cho những nỗ lực rất lớn của tập thể Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn VNPT, tiếp tục khẳng định Tập đoàn đã tái cấu trúc đúng hướng.

Công tác phát triển thuê bao đi vào thực chất, VNPT đã triển khai nghiêm túc các nội dung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ. Theo Chủ tịch Tập đoàn VNPT, sự chính xác của thông tin thuê bao chính là dữ liệu mà nhà khai thác cần phải có, chứ không riêng cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Do vậy, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu thuê bao để quản lý việc đăng ký thông tin khách hàng. Tập đoàn đã kiểm tra trong nội bộ và nhận thấy hầu hết thuê bao phát triển mới đều có thông tin thuê bao đầy đủ.

Tuy nhiên, do chưa có sự kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư (do Bộ Công an quản lý) nên việc kiểm chứng thông tin về chứng minh thư, nhân thân chưa chính xác và đó là khó khăn cho nhà mạng. “Chúng tôi đã làm việc với Bộ Công an và Bộ Công an cũng đã đồng ý về nguyên tắc cho phép VNPT khai thác trực tuyến với Cơ sở dữ liệu dân cư, qua đó có cơ sở xác định tính chính xác chứng minh thư khi đăng ký thông tin thuê bao. Đó cũng là cơ sở để VNPT thực hiện đúng quy định theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông” - ông Trần Mạnh Hùng cho biết.

Về hiệu quả đầu tư của Tập đoàn tại các công ty con, các công ty liên kết, Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết, VNPT đã đầu tư kinh doanh tại các công ty con, công ty liên kết - chính là các công ty xây lắp thuộc VNPT nhưng đã cổ phần hóa. Việc đầu tư này là đầu tư kinh doanh chứ không phải là đầu tư ngoài ngành (đầu tư tài chính). Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, năm 2018, Tập đoàn sẽ đánh giá lại hiệu quả kinh doanh của khối các doanh nghiệp này. 

“Chúng tôi nhận thấy, các đơn vị này đạt doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận thấp và cổ tức trả lại VNPT càng ít hơn. Vậy thì cần phải kiểm tra chi phí đầu vào. Ban kiểm soát nội bộ Tập đoàn phải đánh giá lại hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp cổ phần, đặc biệt là khối các doanh nghiệp trụ cột như: CT-In, VNPT Tech, Postef...” - Chủ tịch VNPT nhấn mạnh. 

Cũng theo Chủ tịch HĐTV Trần Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ Đề án Tái cơ cấu lại Tập đoàn VNPT và mong muốn được Chính phủ phê duyệt trong năm nay. Theo đó, bắt đầu từ năm 2018 triển khai kế hoạch tái cơ cấu lại, xong việc “chốt sổ” vào ngày 31/12/2018 để từ 1/2019 thực hiện cổ phần hóa.

Đọc thêm