Xử lý rác cũng độc quyền

(PLO) - Tại phần lớn các địa phương trên cả nước, công đoạn từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác hiện vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp “chủ đạo” nắm giữ và có tính độc quyền nhóm khá cao, rất khó để các doanh nghiệp mới có thể tham gia vào thị trường béo bở này…
Tư nhân khó len chân vào thị trường thu gom, xử lý rác
Tư nhân khó len chân vào thị trường thu gom, xử lý rác
Vấn đề vừa được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra trong một nghiên cứu mới đây về “Đánh giá hoạt động quản lý chất thải rắn đô thị tại Việt Nam”.
Khi rác là tiền
Theo thống kê, từ 2008-2015 khoảng 42-46% lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh từ các đô thị, khoảng 17% từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, số còn lại là của nông thôn, làng nghề và CTR y tế chỉ chiếm phần nhỏ. Theo dự báo, đến năm 2015 tỷ trọng này cho CTR đô thị và CTR công nghiệp sẽ lên tới 50,8 và 22,1%, khối lượng CTR phát sinh ước đạt khoảng 44 triệu tấn/năm và tập trung nhiều nhất ở các đô thị và khu công nghiệp. 
Theo UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc), tính đến năm 2010, toàn bộ  CTR  Việt Nam được xử lý bằng hình thức chôn lấp với 157 bãi rác và chỉ có 10,8% trong số đó được coi là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
“CTR thực chất là rác thải. Đừng tưởng rác là đồ bỏ đi, phải coi nó là nguồn tài nguyên, có thể kiếm tiền từ rác. Một khi đã kiếm được tiền thì hình thành thị trường…” - TS. Vũ Sỹ Cường, Trưởng nhóm nghiên cứu lưu ý. Ông dẫn chứng, có những “đường dây rác” tại TP HCM (chủ yếu hình thành từ trước năm 1975) được bán với giá 150 triệu đồng, thậm chí lên tới 200 triệu đồng nếu đường dây “ngon”. 
Những đường dây này kiếm tiền từ đâu? Ông Cường cho biết, từ hỗ trợ của ngân sách, phí do người dân đóng góp và những phế liệu thu gom được từ rác. Theo quy trình, rác được thu gom, vận chuyển đến nơi tập kết, sau đó được tái sinh, tái chế và xử lý… 
Doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò “chủ đạo” (!?)
Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy ở khâu thu gom, ngoài một số ít các tổ thu gom rác sinh hoạt hoạt động trên quy mô nhỏ, thu gom ở một tổ, khu phố (chủ yếu ở TP HCM, các thành phố phía Nam và một số đô thị nhỏ phía Bắc), phần lớn “thị trường” vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cụ thể, tại Hà Nội có 18 DN tham gia thì ít nhất 12 DN là DNNN; TP HCM có  23 DN  tham gia, toàn bộ là DNNN.
Các DN này thực hiện thu gom trên các khu vực nhỏ, phân theo quận/huyện. Nguồn thu từ phí thu gom CTR sinh hoạt không thể bù đắp cho chi phí thu gom, rất khó có khả năng đầu tư các thiết bị có chất lượng. Mặc dù vậy, tính độc quyền về địa bàn  truyền thống  khá cao và đây có thể là nguyên nhân dẫn tới đấu thầu chỉ mang tính hình thức. 
“Các DN đang tồn tại trong thị trường sẽ đương nhiên là đơn vị trúng thầu và khó có đơn vị khác  tham  gia  thực  hiện, mặc dù lợi  nhuận  ở  khâu  thu  gom  là  thấp  so  với  các  khâu  khác  trong  thị trường CTR…”- báo cáo của VEPR cho biết. 
Ở khâu vận chuyển, thường thì các DN vừa thu gom vừa vận chuyển và thường lấy nguồn lợi từ vận chuyển để bù đắp cho thu gom bởi thu gom giúp cho họ có nguồn rác ổn định để vận chuyển. Nguồn thu của các DN này từ kinh phí ngân sách địa phương và khá ổn định, đặc biệt đối với các DN tham gia cả quá trình thu gom CTR. Giá vận chuyển thông thường được tính trên khối lượng (thể tích) rác vận chuyển và quãng đường, loại xe. Đơn giá do UBND tỉnh, TP ấn định. 
Đặc biệt, các DN vận chuyển CTR không chịu phí xử lý CTR khi đổ rác tại các khu xử lý CTR. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, thị trường vận chuyển CTR có tính độc quyền nhóm khá cao và rất khó để các DN mới có thể tham gia do các DN thu gom CTR thường thực hiện luôn công đoạn vận chuyển (trừ HTX Công Nông, TP.HCM). 
Tuy nhiên, tại công đoạn “khó nhằn” nhất -  xử lý  CTR  đô thị, công đoạn đòi hỏi có nguồn tài chính khá lớn để đầu tư cho khu xử lý, số lượng DN tham gia khá ít và do đó cũng ít tạo ra thị trường độc quyền nhóm. Nguồn thu của các đơn vị xử lý CTR là từ ngân sách. Ở công đoạn này, trong khi các DNNN hoặc chính quyền đô thị thường đầu tư và vận hành vào các bãi rác hở và các bãi chôn lấp, chưa có  sự  minh bạch  trong cách tính chi phí  thực tế  và  tính  vệ  sinh của  các bãi  rác  này  thì DN tư nhân phải đầu tư để xử lý rác bằng phương pháp đốt, làm phân và chôn lấp hợp vệ sinh. 
Các DN này đang gặp phải những rào cản về lượng CTR xử lý rất thấp, không tận dụng được lợi thế quy mô khiến chi phí xử lý tăng lên; thêm vào đó, các ưu đãi cũng chưa được rõ ràng…
Mở cửa cho tư nhân
Thực tế, mô hình tư nhân tham gia thu gom, xử lý CTR đã được triển khai khá tốt ở một số địa phương. Tuy nhiên, theo Nhóm nghiên cứu, những mô hình như thế này chưa được nhân rộng bởi nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân về cơ chế chính sách. Theo đề xuất của VEPR, cần có Thông tư hướng  dẫn  chi  tiết  hơn Nghị  định  130/NĐ-CP  về  cách  thức  thực  hiện  các  phương  pháp  đầu thầu/đặt hàng trong thu gom, vận chuyển CTR đô thị. 
Theo đó, Nhà nước chỉ nên thực hiện phương pháp đặt hàng cho DNNN tại vùng cần tính ổn định cao về chính trị, đảm bảo an toàn rác thải, các khu vực không có đơn vị tham gia đấu thầu để nhường lại khu vực khác cho các DN còn lại tham gia. Phương pháp đấu thầu sẽ được thực hiện tại các khu vực liên quận khác. 
Các DN tham gia  đấu  thầu  phải  đủ năng  lực  thu  gom - vận  chuyển,  năng  lực  về mặt tài chính,  kỹ thuật. Số lượng DN, liên doanh tham gia đấu thầu không nên quá nhiều để tăng khả năng kiểm soát về mặt kỹ thuật… Mặt khác, cần có cơ chế khuyến khích các DN liên doanh, sáp nhập thực hiện đấu thầu thu gom vận chuyển CTR  đô thị  trên địa bàn liên quận, huyện.  
Chính sách này sẽ thúc đẩy các DN sáp nhập lại thành các DN có quy mô lớn, tiêu chuẩn hóa hoạt động thu gom, định hình cấu trúc có tính tập trung trong tương lai. Cần có cơ chế chia sẻ mức gánh chịu về chi phí liên quan giữa các địa phương để thực hiện kiến nghị này…

Đọc thêm