Độc đáo nón lá của người Lô Lô vùng biên

(PLO) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn lưu giữ và phát huy được nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện qua nhiều mặt của đời sống văn hóa vật chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội, từ ẩm thực, trang phục, đến các nghề truyền thống của cha ông. 
Độc đáo nón lá của người Lô Lô vùng biên

Trong đó, chiếc nón lá là vật không thể thiếu trong văn hóa cũng như đời sống hàng ngày của đồng bào nơi đây. Những chi tiết, phụ kiện trên nón đều thể hiện tính thẩm mỹ, sự tinh tế và quan niệm riêng về cái đẹp, cho thấy giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng rất đa dạng, mang đậm nét truyền thống và bản sắc dân tộc.

Với đồng bào dân tộc Lô Lô ở huyện vùng cao Bảo Lạc (Cao Bằng), từ lâu chiếc nón lá đã gắn bó mật thiết với người dân trong lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, nón lá còn là sản phẩm thủ công độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa, trình độ thẩm mỹ của nghệ nhân làm cũng như nét đặc trưng văn hóa của người Lô Lô nơi đây. 

Để làm ra chiếc nón lá, bà con phải lên tận trên những đỉnh núi cao tìm kiếm dây mây (nguyên liệu chính để làm nón lá), họ chọn những thân mây chắc, khỏe, dóng đều và cứng để chẻ làm hành nan. Nguyên liệu thứ hai là lõi cành hoa của một loại cây gần giống cây moóc (tiếng Lô Lô gọi là “rò xí”) lấy về tách thành sợi như sợi cước rồi phơi khô.

Anh Chi Văn Hái (39 tuổi) là người dân tộc Lô Lô ở bản Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết: “Nón lá của người Lô Lô có loại dành cho cả đàn ông (gọi là nón “hú chòa”) và phụ nữ (gọi là “hú tế”). Chiếc nón lá dành cho đàn ông được đan mắt lưới hình ngũ giác, to đều bằng hạt đậu, vành nón được nẹp lại bằng các thanh nan trúc hình tròn.

Còn chiếc nón lá của phụ nữ Lô Lô cũng khá giống như của đàn ông nhưng được làm kỳ công, phức tạp hơn. Nón có đường kính khoảng 50 cm, mặt trên từ đỉnh chóp nón có 5 sợi nan mây gập đôi và kết lại với nhau, rồi chia đều từ đỉnh nón kéo hình dẻ quạt làm trục chính. Sau đó dùng các sợi nan đan lại với nhau tạo mắt lưới hình ngũ giác nhỏ, đan theo vòng tròn đồng tâm từ đỉnh chóp xuống khoảng 20 cm thì bắt đầu dùng nan trúc vót tròn, uốn cong làm 2 nẹp và dùng “rò xí” buộc lại. 

Cuối cùng, dùng nan mây đan mắt kín hình dấu cộng chạy theo vòng tròn, có độ rộng khoảng 5 cm. Điều khác biệt về cách đội nón là đàn ông Lô Lô khi đội nón thì móc quai ra sau gáy, còn phụ nữ Lô Lô đen đầu được đội khăn cuốn rất cầu kỳ, tiếp đến mới đội nón lá trông rất đẹp mắt”.

Không chỉ chọn nguyên liệu chắc chắn mà khâu làm nón cũng rất bài bản, tinh tế và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Người thợ làm nón thường lót một lớp lá cây mai (họ cây tre, có lá to bản) đã phơi khô ở mặt trong chiếc nón, mục đích cho nón thêm bền chắc, không quá nặng cũng không quá nhẹ, đủ để gió không thổi bay khi đội. 

Hơn nữa, họ còn lót thêm một lớp ni lông và dùng nan mây đan một lớp lưới mắt ngũ giác đúng khuôn của mặt trên nón. Chiếc nón lá được nẹp chặt, các thanh nan trúc dọc từ đỉnh chóp xuống dưới tỏa ra đều đặn giống như tia nắng mặt trời rọi xuống bản người Lô Lô. Những thanh nan dọc được làm loại trúc đen chỉ mọc ở các vùng núi cao, nơi có độ ẩm cao, cho dù bị khô thân trúc vẫn giữ được màu đen bóng và cứng cáp như người dân ở nơi đây. 

Những chiếc nón là đã được hoàn thiện
Những chiếc nón là đã được hoàn thiện

Những người thợ làm nón sẽ lấy vỏ cây trẩu có ở trên đồi núi về cạo lớp màng bên ngoài và giã nhuyễn rồi cho vào nồi nấu sẽ tạo thành chất dầu đặc sệt có màu vàng nhạt, đợi khi nguội họ dùng để sơn chiếc nón lá sau khi đã hoàn thành các công đoạn tạo khung, đan, nẹp lá… 

Khi nón được quét dầu trẩu như được khoác thêm lớp áo mới đẹp tự nhiên, đồng thời lại có tác dụng chống nước mưa và mối mọt. Cuối cùng là công đoạn làm dây nón trang trí với loại dây được se chỉ hoặc làm bằng len nhiều màu, người thợ buộc bốn góc làm quai và buông thõng hai tua dài để cho chiếc nón thêm lộng lẫy. Mỗi chiếc nón lá phụ nữ dân tộc Lô Lô được làm kỳ công hơn, phải mất hơn nửa tháng mới xong và có giá trên 1 triệu đồng.

“Theo phong tục của người Lô Lô, khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như, chăn, màn, chậu, chiếu... còn có chiếc nón lá. Bởi chiếc nón là vật để trao duyên của người con gái với người con trai với ngụ ý muốn chăm sóc người con trai đến cuối cuộc đời. Hơn nữa, chiếc nón còn thể hiện sự khéo léo, duyên dáng của cô gái Lô Lô. 

Để làm được một chiếc nón lá rừng rất khó khăn, không phải người nào cũng làm được, chỉ có những người thợ khéo tay mới tạo ra chiếc nón đẹp và hoàn hảo”, bà Chi Thị Lống (60 tuổi) ở xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) chia sẻ. 

Hiện nay, nghề đan nón lá còn được làm tại xã Hồng Trị, Kim Cúc và Cô Ba. Tuy nhiên, nghề làm nón lá đang dần bị mai một khi những thợ làm nón không còn nhiều và số còn lại thì tuổi đã cao. Hy vọng rằng, nón lá của người Lô Lô sẽ trở thành một sản phẩm được nhiều du khách tìm mua làm kỷ niệm mỗi khi đến tham quan ở các bản làng du lịch cộng đồng như Na Van thuộc xã Hồng Trị, Khuổi Khon ở xã Kim Cúc.

Lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa chứa đựng trong từng chiếc nón và nghề đan nón lá của người Lô Lô cũng chính là góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của bà con người dân tộc thiểu số nơi biên cương Tổ quốc.

Đọc thêm