Phụ nữ, từ người mẹ cho đến những cô gái phấp phới tuổi đang yêu, là những chất liệu muôn thuở của văn học. Nhưng ở “Nhẫn thạch”, chất liệu ấy còn tỏa sáng lấp lánh như một tuyên ngôn về bình đẳng giới, về khát khao vùng dậy tìm lại chính mình của người phụ nữ. Đọc “Nhẫn thạch” của Atiq Rahimi để hiểu hơn những mong muốn tưởng như rất bình thường của nhân vật chính là người phụ nữ A-rập, nhưng cũng để thấy cảm thông hơn với những người thuộc về một nửa thế giới ở bất cứ quốc gia nào…
|
Từ huyền thoại về hòn đá kiên nhẫn
Chuyện có thể đáng ra được bắt đầu từ huyền thoại Ba Tư về nhẫn thạch (hòn đá kiên nhẫn). Ai đau khổ chỉ cần đặt hòn đá ấy trước mặt rồi kể lể hết nỗi khổ đau của mình, những điều mà không thể thổ lộ được với ai khác, bí mật ấy được chất chứa đến một lúc nào đó làm hòn đá nổ tung thì người đó sẽ được giải thoát khỏi nỗi bất hạnh. Nhưng phải đến 2/3 chặng đường của “Nhẫn thạch”, Atiq Rahimi mới nhắc đến huyền thoại về hòn đá linh thiêng ấy.
Một phụ nữ Hồi giáo ngồi trong căn phòng tại một thành phố bốn bề hỗn chiến tương tàn, chăm sóc người chồng, một chiến binh trong cuộc chiến ấy, đang phải sống đời sống thực vật vì một viên đạn găm vào gáy. Một mình chị chứng kiến sự chết dần mòn của người chồng, sự tàn bạo và dửng dưng của chiến tranh, sự u mê của con người và tôn giáo… Đến mức không chịu đựng được nữa, chị từ bỏ cầu kinh và bấu víu vào huyền thoại về hòn đá ma thuật, coi người chồng là “nhẫn thạch” của mình để tâm sự về tất cả nỗi thống khổ, những khát khao, những bí mật mà bấy lâu chị kìm nén, cất giấu… Khát vọng yêu, khát vọng sống, khát vọng được tôn trọng, được làm chủ mình và sống với chính mình được đánh thức khi những “tiếng nói bị vùi nén từ hàng nghìn năm” thoát ra khỏi chị. Trước “nhẫn thạch” là người chồng, chị thoát xác trở thành người phụ nữ khác, là chính chị dù đôi lúc có bấn loạn và lo lắng. Những lời độc thoại xuyên suốt cuộc trò chuyện với “nhẫn thạch” của người phụ nữ này đưa người đọc đến với thế giới bi phẫn bị kìm nén của những người phụ nữ đầy đau khổ và bất hạnh.
Lời độc thoại của bi phẫn và kìm nén
Cả cuốn tiểu thuyết chỉ là những lời độc thoại, sự thú nhận những bí mật của mình với người chồng đang sống thực vật của người phụ nữ A-rập tuyệt vọng ấy. Tác giả chỉ đóng vai người ghi lại. Lời kể ngắn gọn, đôi lúc chỉ là những câu chấm xuống dòng cộc lốc. Nhưng mở ra sau đó là khung cảnh tang thương, chết chóc của bi kịch hậu chiến tranh ở đất nước mà nhân vật chính đang sống. Chỉ một câu kể ngắn gọn, người ta thấy tiếng súng vang lên, thấy tiếng khóc, thấy lời hát xé lòng của người đàn bà phát điên vì mất hết gia đình trong súng đạn. Bi kịch đè nén bi kịch.
Nhưng tàn nhẫn hơn chính là cuộc chiến ngay trong từng gia đình, trong cá nhân người phụ nữ đang kể chuyện. Hòn “nhẫn thạch” chồng chị giúp chị cởi bỏ những nặng nề của bí mật này, bí mật khác. Khát khao, mong muốn, những gì từng đè nén tinh thần chị được dỡ bỏ. Cả những câu chuyện kể đều đều về lũ chim cút của cha chị, về người chồng không phải chịu nỗi đau, về chuyện canh chừng trinh tiết chị của người mẹ chồng… Lần lượt những câu chuyện được chị kể ra như lời thú tội với chồng, nhưng sâu thẳm hơn, như hành động cởi bỏ bức mạng che về những nỗi đau mà người phụ nữ Hồi giáo phải chịu đựng.
Trong “Nhẫn thạch”, lời độc thoại của người phụ nữ giúp người đọc thấm thía hơn từng tiếng rên xiết vì bị chà đạp quyền được sống là người, quyền được yêu thương, tôn trọng của những người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo. Ở đó, họ bị coi như những món hàng đem ra cá cược. Ở đó, họ buộc phải giữ mình, phải tuân theo những quy luật hà khắc vô lý. Và hành động tự thoại của nhân vật chính như một cuộc đấu tranh, để vùng dậy, vỡ tung khỏi những gông xiềng của giáo lý hà khắc ấy, để mở ra một tương lai trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng giới từ tự thân mỗi người phụ nữ.
Thắp sáng niềm tin về bình đẳng giới
Ai đó ví không hề sai rằng, sáng tác văn học có tác động sâu sắc tới xã hội. Và mong muốn giải thoát những người phụ nữ bất hạnh bị kìm kẹp cũng được xuất phát từ các tác phẩm văn học phản ánh hiện thực đời sống. Từ đó người ta tiếp tục dùng những ngôn ngữ khác ngoài văn từ để chuyển tải thông điệp sang các lĩnh vực khác như điện ảnh, sân khấu, truyền hình, hội họa… Tất cả những tác động từ nghệ thuật sẽ góp phần tạo nên tiến bộ xã hội.
Sống trong thế giới nội tâm của lời tự sự trong “Nhẫn thạch” sẽ thấy, đây không chỉ là một tác phẩm viết về thế giới Hồi giáo, về khủng bố, về chiến tranh tôn giáo - sắc tộc, về ranh giới và giao thoa văn hoá Đông - Tây. Mà câu chuyện này thuộc về cả thế giới này,với những thông điệp, tuyên ngôn về quyền của người phụ nữ. “Nhẫn thạch” giúp người đọc cảm thông hơn với một nửa thế giới. Những người phụ nữ vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi sự bình đẳng. Như lời tự thoại với người chồng của nhân vật chính trong đoạn cuối của tiểu thuyết này: “Đúng vậy đó, Nhẫn thạch của em… anh có biết tên thứ chín mươi chín, nghĩa là tên cuối cùng của Thượng đế là gì không? Đó là Al-Sabour, Người Kiên Nhẫn! Hãy nhìn lại chính anh, anh là Thượng đế. Anh tồn tại, mà anh không cử động. Anh nghe, mà anh không nói. Anh thấy, mà anh vô hình!...” Lời nói cuối này như lời kết tội về tập tục cư xử thiếu bình đẳng của những người đàn ông trong xã hội Hồi giáo đã chà đạp lên phụ nữ. Nhưng cũng để mở ra một sự kiên nhẫn vào niềm tin thay đổi trong tương lai. Sự giải thoát khỏi những bức tường im lặng trong căn phòng tối tăm ấy kết lại bằng cái chết của chị trong khi ngoài kia là chiến tranh, là súng đạn. Chị chết ngay trong bàn tay của người chồng. Nhưng cái chết ấy chính là sự giải thoát…
Phạm Thùy Linh