Độc quyền nhìn qua vụ K+ và AVG

 Thời gian gần đây, dư luận đang bàn tán nhiều về việc độc quyền phát sóng các chương trình truyền hình trực tiếp bóng đá của K+ và AVG. Phần đông dư luận đang lên án các vụ việc này và cho đây là sự độc quyền vi phạm pháp luật.  Liệu hai trường hợp trên có thực sự vi phạm pháp luật hay không?.

Thời gian gần đây, dư luận đang bàn tán nhiều về việc độc quyền phát sóng các chương trình truyền hình trực tiếp bóng đá. Điển hình như vụ việc kênh truyền hình K+ của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam đã ký kết hợp đồng độc quyền mua và phát sóng trực tiếp giải bóng đá ngoại hạng Anh - Premier League (gọi chung là vụ K+), hoặc vụ việc Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) mua độc quyền bản quyền phát sóng trực tiếp các trận đấu của Giải vô địch quốc gia V-League từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (Vụ AVG). 

Phần đông dư luận đang lên án các vụ việc này và cho đây là sự độc quyền vi phạm pháp luật.  Liệu hai trường hợp trên có thực sự vi phạm pháp luật hay không?.

Như thế nào là Độc quyền?

Để tìm hiểu vụ K+ và vụ AVG có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không chúng ta cần hiểu thế nào là “độc quyền” và “độc quyền” có bị cấm hay không?

Theo điều 12 của Luật cạnh tranh, “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”. Nếu chỉ hiểu theo đúng điều 12 này, dường như K+ và AVG đang nắm giữ vị trí độc quyền trong việc phát sóng Premier League và V-League.

Độc quyền nhìn qua vụ K+ và AVG ảnh 1
 

Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn về phần “thị trường liên quan” được nêu tại điều 12 của Luật Cạnh tranh. Theo khoản 1, điều 4 của Nghị định 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh, “Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau cả về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả”. 

Và đặc tính “có thể thay thế như nhau” được hiểu theo điểm c, khoản 5, điều 4 của Nghị định 116 như sau: “Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về giá cả nếu trên 50% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp”.

Như vậy, nếu qua khảo sát 1000 người tiêu dùng ngẫu nhiên  và trên 50% trong số họ đồng ý chuyển sang xem các giải đấu bóng đá khác như Giải Vô địch Tây Ban Nha, Giải Vô địch Đức thậm chí Giải Vô địch Campuchia... thì không thể kết luận rằng K+ và AVG đang có “vị thế độc quyền” trên “thị trường liên quan”.

Những trường hợp cấm và không cấm của độc quyền

Độc quyền có thể hình thành một cách tự nhiên, ví dụ như một nhà phát minh đã sáng chế ra một sản phẩm đặc biệt, đã nộp đơn bảo hộ và được cấp bằng “bảo hộ độc quyền”. Tức là độc quyền đã được Nhà nước bảo hộ, hoặc một doanh nghiệp cung cấp một sản phẩm đặc biệt mà không ai khác có được, và không có gì thay thế được.

Qua đó, họ đã tạo thành một vị thế “độc quyền” một cách tự nhiên. Độc quyền cũng có thể hình thành từ các chính sách của Nhà nước. Chẳng hạn như chỉ có doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước mới được kinh doanh một số ngành nghề đặc thù nào đó mà không ai khác có thể cùng kinh doanh. 

Độc quyền cũng được hình thành từ sự thâu tóm doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, vị thế độc quyền hoàn toàn không bị pháp luật cấm đoán, mà mặt khác trong một số trường hợp còn được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp đang ở “vị thế độc quyền” thì doanh nghiệp bị cấm thực hiện một số (chứ không phải là tất cả) hành vi, các hành vi này là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp khác, do vậy bị cấm. 

Các hành vi “bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh” hoặc “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý” là hai trong số tám hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo điều 13 của Luật Cạnh tranh.

K+ và AVG chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Theo những phân tích trên chưa thể kết luận việc K+ được độc quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh tại Việt Nam là K+ đang ở “vị thế độc quyền” trong “thị trường liên quan”. Và cũng chưa thể kết luận rằng K+ có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh cho tới thời điểm hiện tại. Việc K+ ký hợp đồng mua bản quyền phát sóng độc quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh với Công ty MP&Silva là hợp pháp. 

Sự độc quyền này được thừa nhận theo pháp luật cạnh tranh và được bảo hộ theo Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Theo điều 31 Luật Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam, tổ chức phát sóng có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình hoặc phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình.

Căn cứ theo quy định trên của Luật Sở hữu Trí tuệ, việc K+ hoặc AVG được độc quyền phân phối chương trình giải bóng đá ngoại hạng Anh hoặc V-League tới công chúng là hợp pháp. Chỉ trong trường hợp, K+ hoặc AVG lạm dụng sự độc quyền của mình để thực hiện một trong các hành vi bị cấm như nêu tại điều 13 của Luật Cạnh tranh thì mới bị xem là vi phạm pháp luật.

Còn việc giá sử dụng dịch vụ K+ có bất hợp lý hay không? Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được toàn quyền quyết định giá bán hàng hoá của họ, trừ các hàng hoá được sự quản lý đặc biệt của Nhà nước về giá. Giá bán hàng hoá thông thường được hình thành trên cơ sở giá thành sản xuất và quy luật cung cầu. 

Do vậy, K+ được toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên giá này có “bất hợp lý” hay không thì cần phải có câu trả lời của cơ quan chức năng (Cục Quản lý Cạnh tranh chẳng hạn) nếu có khiếu nại về “vị thế độc quyền” và “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý” từ bên có liên quan.

Rõ ràng bóng đá là một bộ môn cuốn hút nhưng luôn nhạy cảm, chỉ một vài hành vi của doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng. Trong khi đó, trên thực tế có rất nhiều trường hợp tương tự, chẳng hạn rất nhiều tác phẩm văn học đang được nhà xuất bản ABC, DEF “độc quyền xuất bản và phân phối” lại không có ai thắc mắc hoặc khiếu nại. 

LS Trần Phương Bắc

Đọc thêm