Đổi đời nhờ liều nuôi...“tử thần“

(PLO) -Người địa phương gọi ông Khôi là “khắc tinh của rắn độc” vì nhiều lần rắn cắn không chết. “Khách đến chơi biết nhà nuôi rắn độc ai cũng rùng mình, còn tôi từ rắn mà có cơm ăn áo mặc”, ông chủ trại rắn tâm sự. 
Rắn có rất nhiều chủng loại nhưng chỉ một số loài được nuôi và khai thác cho giá trị kinh tế. Ở Việt Nam, hiệu quả nổi bật từ mô hình nuôi rắn đã góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Đây hiện là một trong
Rắn có rất nhiều chủng loại nhưng chỉ một số loài được nuôi và khai thác cho giá trị kinh tế. Ở Việt Nam, hiệu quả nổi bật từ mô hình nuôi rắn đã góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Đây hiện là một trong
“Gia đình tôi nuôi 1.600 con, chủ yếu hai loài rắn độc hổ mang bành và hổ mang trâu, đây là loại bán chạy trên thị trường hiện nay và chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay tôi tiếp tục mở thêm chuồng trại và đầu tư nuôi thêm 500 con rắn giống nữa”, ông Nguyễn Đình Khôi (54 tuổi, xóm 2, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho hay.
Một thời “nghèo rớt mồng tơi”
Đón khách vào căn nhà khang trang, bà Lương Thị Nữ (vợ ông Khôi) nở cười tươi: “Tất cả công trình này đều nhờ vào rắn. Ngày trước đói nghèo khổ sở, chẳng đủ gạo ăn. Nay có tiền cũng phải làm gian nhà cho tươm tất”. 
Cuối năm 1985, cũng như nhiều miền quê khác, xã Nga Liên vừa “bóc tách” khỏi nền kinh tế bao cấp, đời sống của người lao động vô cùng khó khăn, làm cói xong cũng chẳng biết bán cho ai vì giao thông khó khăn. Nhớ lại thời lập nghiệp, ông Khôi kể: 
“Lúc đó gia đình tôi nghèo rớt mồng tơi, có thể nói nghèo nhất xã Nga Liên. Cả nhà chỉ có một cái giường bằng luồng, tôi nhường cho vợ con, còn mình nằm đất. Ngày ấy tôi mới có hai đứa con, không phải chín đứa như bây giờ. Quần áo chúng nó mặc chung. 
Như một vòng luẩn quẩn, đã nghèo lại đông con, vợ đẻ sòn sòn năm một. Làm gì để nuôi mình và vợ con khi cả nhà chỉ có ba sào ruộng, con thì ngày một lớn dần? Trong khi tiền kiếm được từ bán cói khô không đủ mua gạo nấu cháo qua ngày? 
Bao đêm tôi suy nghĩ nát óc: nghề cơ khí thích lắm nhưng mình không có trình độ, làm cói thì bán chẳng ai mua. Tôi bắt đầu đi bắt lươn từ sự mách bảo của người hàng xóm”.
Tìm những ống nứa, ống tre cũ và học hỏi từ người đi trước, tự tay ông Khôi đan toi (cách gọi nắp ống lươn của người địa phương). Gà gáy canh ba, khi dân làng say sưa với giấc ngủ, ông Khôi đã bì bõm dưới ao hoặc cánh đồng cói để đổ ống lươn. Mùa đông trời rét căm căm, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, vẫn ông Khôi mặc cái quần đùi cúi rạp sát mặt nước để đổ ống lươn.
Bàn tay chai sần tím tái vì ngâm lâu trong nước, đôi mắt mờ đục vì nhiều đêm thức trắng. Sau những giờ mò mẫm trong giá rét, ông trở về túp lều lợp bổi của mình. 
Đi làm về, bưng bát cơm sắn nhiều hơn gạo vợ để giành phần nhiều hơn cho mình, ông rớm nước mắt. Trong lúc vợ đổ lươn ra khỏi ống nứa, đem đi chợ Hói Đào bán lấy tiền mua “sắn ngạc hưu” (loại sắn củ nhỏ, rẻ tiền) về nấu cháo, ông Khôi ở nhà trông con. 
Ngày nối ngày, vợ chồng đầu tắt mặt tối vẫn chỉ đủ ngày hai bữa cơm độn sắn. Cuộc sống chỉ bắt đầu khởi sắc khi ông Khôi giã từ những đêm một mình mò mẫm dưới ao hồ, chuyển nghề buôn rắn con, nuôi rắn thịt bán cho Trung Quốc khoảng 10 năm nay.
Ông Khôi dùng cần bắt rắn hổ mang ra khỏi chuồng.
 Ông Khôi dùng cần bắt rắn hổ mang ra khỏi chuồng.
“Đổi đời” nhờ rắn
Ông Khôi giờ là ông chủ trại rắn luôn tất bật với công việc tính toán tiền nong, đếm trứng, giao hàng cho khách. Giọng ông sang sảng: “Nhà có chín đứa con, chỉ kiếm tiền mua gạo cho chúng ăn đã bở hơi tai, chưa nói tiền học hành. Từ ngày nuôi được con rắn, không những thoát nghèo cho con ăn học mà còn mua được nhiều vật dụng đắt tiền, tuy chưa giàu có nhưng cũng gọi là đỡ phải lo cái ăn”.
Ông chia sẻ, nếu tính kinh tế thì thu hoạch trứng rắn hiệu quả cao nhất. Rắn cái giao phối, mang thai và bắt đầu sinh sản vào tháng tư hàng năm. Mỗi ngày một con rắn cái đẻ khoảng 20 đến 30 quả trứng, đẻ liên tục trong 15 ngày.
Nếu trứng rắn hổ mang bành bán cho lái buôn tại nhà là 130 ngàn đồng/quả, trứng hổ mang trâu bán 270 ngàn đồng/quả. Mùa thu hoạch trứng rắn, một ngày thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng là bình thường. Giá rắn thịt hiện nay cho lái buôn 700 ngàn đồng/kg đối với rắn hổ mang bành, hổ mang trâu từ 1 – 1,2 triệu đồng/ kg. 
Ông Khôi cho biết: “Gia đình tôi nuôi 1.600 con, chủ yếu hai loài rắn độc hổ mang bành và hổ mang trâu, đây là loại bán chạy trên thị trường hiện nay và chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay tôi tiếp tục mở thêm chuồng trại và đầu tư nuôi thêm 500 con rắn giống nữa”.
Ông Khôi cầm đèn pin dẫn khách xuống căn nhà ngang nơi chuồng rắn hổ mang được thiết kế theo hàng trăm ô vuông chồng lên nhau ngay ngắn. Ông nhẹ nhàng mở cửa một chuồng rắn và soi đèn pin vào. Một chú hổ mang ngẩng cao đầu, thè lưỡi, mắt lấp láy nhìn ra. 
“Loại rắn hổ mang ưa sống trong bóng tối và hang hốc khô cằn. Đây là loài rắn độc nên phải nhốt riêng mỗi con một chuồng”, ông Khôi giới thiệu. 
Theo kinh nghiệm của ông Khôi, trong quá trình nuôi, khó khăn nhất là lúc dọn vệ sinh cho rắn và lúc lấy trứng rắn. Rắn cái khi đẻ rất hung dữ để giữ trứng. Muốn lấy phải dùng cái cần hình phễu lấy nhẹ nhàng từng quả một và tránh đụng vào rốn rắn, vì đó là phần nhạy cảm dễ làm rắn nhột. Khi bị nhột, rắn sẽ quay đầu lại đớp liền hoặc lao thẳng vào mắt người đối diện. 
Để phòng rắn cắn, khi dọn chuồng, lấy trứng, phải đeo găng tay bảo hộ dài, dầy, đeo kính và bịt kín mặt để tránh bị rắn phát hiện ra mắt và tấn công. 
Chìa bàn tay có vết sẹo chạy dài, ông nói tiếp: 
“Đây là vết tích của hàm răng hổ mang. Lần ấy, tôi dọn vệ sinh chuồng, vừa đưa xẻng vào hót phân, con rắn ngoắt cổ lại đớp liền vào tay. Máu chảy nhiều, tôi nhanh chóng uống thuốc giải độc và rửa sạch vết thương đến luôn bệnh xá. Lần đó tưởng bỏ mạng và không bao giờ nuôi rắn nữa. Nhưng do yêu nghề nên lại mua rắn con về nuôi”. 
Từ một nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, sống chết nhờ cậy vào cây cói, cơm không có ăn, quần áo không đủ mặc, sau 10 năm vật lộn với nghề nuôi rắn hổ mang, ông đã trở nên giàu có trong vùng, nuôi chín người con ăn học trưởng thành, dựng vở gả chồng. 
“Khách đến chơi biết nhà nuôi rắn độc ai cũng rùng mình, còn tôi là “khắc tinh” của rắn, từ rắn mà có cơm ăn áo mặc”, ông Khôi tâm sự./.

Đọc thêm