Một số tính toán cho thấy thay đổi tỷ giá trong tháng 8 có thể làm CPI tăng 0,07%. |
Chiều nay, 23/8, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 với mức tăng 0,23% so với tháng 7. Như vậy, biểu đồ CPI đã đổi hướng, xóa đi xu thế giảm lập được 2 tháng trước để đi lên trong tháng này.
Nhưng dù đã cao hơn so với tháng trước, CPI vẫn duy trì mức tăng thấp, chỉ tương đương tháng 6/2010 và thấp hơn chút ít so với tháng 8/2009, trong so sánh với tháng trước.
Ở các mốc so sánh khác, CPI tháng 8/2010 vẫn còn tăng 5,08% so với tháng 12/2009; tăng 8,18% so với cùng kỳ. Bình quân 8 tháng đầu năm nay đã tăng 8,61% so với bình quân 8 tháng đầu năm 2009.
Sự đổi hướng của CPI tháng này xuất phát từ một loạt nguyên nhân dẫn tới tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, trong đó đáng chú ý là những mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá đều đã tăng giá so với tháng trước.
Đáng kể nhất là các tác động từ bên ngoài. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trong kỳ báo cáo vừa qua, đẩy mặt hàng này tăng giá ở một số địa phương phía Nam. Trong khi đó, trước áp lực từ thị trường thế giới, giá xăng dầu cũng đã được điều chỉnh vào ngày 9/8 vừa qua.
Cũng liên quan đến thương mại quốc tế của Việt Nam, với mức tăng 0,48% của chỉ số giá USD trong kỳ báo cáo, nhóm hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu đã chịu áp lực lớn trong tháng này.
Nếu mức chuyển giá thông qua tỷ giá đồng tiền là 0,15%, theo tính toán của chuyên gia phân tích Prakriti Sofat thuộc Barclays Capital trong một số nguồn thông tin đề cập gần đây, là chính xác thì riêng thay đổi tỷ giá trên thị trường tự do trong tháng qua đã làm CPI tháng 8 tăng 0,07%.
Một tác nhân đáng chú ý khác là nhiều trường phổ thông đã khai giảng năm học trong kỳ báo cáo vừa qua. Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, giá đồ dùng học tập, đặc biệt là sách tham khảo, và quần áo đồng phục năm nay đã tăng hơn nhiều so với năm ngoái.
Tác động lên chỉ số giá tháng này, CPI mặt hàng lương thực đã tăng 0,67%, kéo theo thực phẩm tăng 0,1% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,34%. Kết quả là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,27% so với tháng trước. Do quyền số chiếm gần 40% rổ hàng hóa tính CPI, đây là nhóm có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tháng này.
Nhưng mức tăng mạnh nhất lại thuộc nhóm giáo dục. So với tháng trước, CPI nhóm này đã tăng tới 1,29%. Cùng nguyên nhân do khai giảng năm học mới, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép đã tăng 0,51% so với tháng trước.
Dưới tác động của đợt điều chỉnh giá xăng ngày 9/8, CPI nhóm giao thông đã tăng 0,37% so với tháng trước; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng nhẹ 0,07% (do tăng giá dầu hỏa)…
Ở các nhóm còn lại, mức độ tăng chỉ số giá không nhiều. Nhóm duy nhất có CPI giảm là bưu chính viễn thông với mức giảm khá mạnh, tới 4,55%.
So với tháng trước, chỉ số giá vàng đã giảm 0,88%; chỉ số giá USD tăng 0,48%.
CPI tháng 8 tăng thấp nhưng để lại nhiều nguyên nhân tác động tăng giá vẫn còn, như thay đổi tỷ giá, điều chỉnh giá xăng dầu; hay giá gas mới được đồng loạt điều chỉnh trong thời gian gần đây; phí vận tải đang đứng trước áp lực tăng giá…
Tuy nhiên, với mặt bằng giá thế giới vẫn tương đối ổn định, đồng thời nhiều chính sách kiểm soát giá cả tiếp tục được thực hiện, nhiều phân tích dự tính rằng, CPI tháng tới sẽ chưa thể tăng mạnh.
Diễn biến CPI qua 8 tháng đầu năm 2009 và 2010 (đơn vị: %)