Ai cũng biết, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây nên tệ bạo hành gia đình trong xã hội Việt Nam hiện nay là men rượu.
[links()]
Những phận đời tan tác
Nhập viện ở bệnh viện đa khoa tỉnh với khuôn mặt sưng vều và một cánh tay bị gãy, chị L. A (ngụ Giồng Trôm, Bến Tre) khai là bị té đìa, nhưng những người thân vào thăm chị không ai không biết nông nỗi ấy là do cơn say của người chồng - anh P. V. Ch. - mỗi lần say đều đánh chị bò lê bò càng.
Hai vợ chồng mới lấy nhau 2 năm chưa có con nhưng không hề là “vợ chồng son”. Trong khi chị A. quần quật phụ mẹ bán tôm ngoài chợ, thì anh Ch. chỉ có thú vui duy nhất là nhậu. Sau mỗi ngày làm, anh Ch. la cà ở quán đến tận nửa đêm mới về nhà, say là đem chị A. ra làm “bao cát” để dợt võ. Có những đêm hàng xóm nghe tiếng chị A. kêu khóc thảm thiết, chạy đến cứu thì anh Ch. trong nhà phóng dao ra sân, hăm he: “Chuyện nhà tao, đứa nào vô tao giết!”.
|
Hình minh họa |
Theo người nhà của chị A., Ch. đã có tật say xỉn từ khi chưa vợ, nhưng không hiểu vì sao chị A. vẫn khăng khăng lấy. “Thiệt là tội nợ. Đã nói nó đừng có giấu, cứ lên công an tố cho thằng đó đi tù một lần là chừa, hoặc li dị cho đỡ khổ, nhưng con nhỏ cứ cắn răng mà chịu”- dì ruột của A. chấm nước mắt kể.
Trường hợp nhẫn nhịn đến kì lạ như A. không hiếm. Sợ thiên hạ đàm tiếu, sợ chồng bị bắt, sợ nghĩ đến chuyện bỏ chồng… có muôn vàn cái “neo” khiến phận đời người vợ nơi đây không thể nào dứt được người chồng vẫn hành hạ mình mỗi khi say xỉn. Trường hợp một chị là nạn nhân của bạo hành gia đình suốt chục năm trời do người chồng nát rượu nhưng không ai biết. Chồng chị tuy say mà rất “độc” vì chỉ đánh vào những chỗ người ngòai nhìn vào không thấy được. Cho đến khi chị nhập viện vì bị chồng đá té từ trên cầu thang xuống, con trai đi học đại học về biết sự tình đến công an tố cáo cha mình, thì mọi việc mới vỡ lẽ.
Năm 2009, ở Bến Tre đã có một vụ án được tòa xét xử: Người chồng khi tỉnh rất hiền, đến khi say cầm dao giết vợ. May mắn người vợ chỉ bị thương, làm thủ tục li dị ngay khi qua cơn hiểm nghèo. Đáng thương là trường hợp của N.T.N. (Hậu Giang), lấy chồng mới hơn nửa năm đã phải nuôi chồng đi tù vì chém người khi say rựơu. Đó là còn chưa kể đến hậu quả khôn lường tác động lên tâm lý những đứa trẻ trong gia đình khi hình ảnh người cha trong nhà không mấy tốt đẹp.
Nỗ lực ra khỏi “bóng tối”
Thoát ly miền quê nghèo, đi làm công nhân ở một nhà máy chế biến giày ở KCN Biên Hòa 2 được 4 tháng, Tr. Th. Ng vẫn còn bị ám ảnh bởi quá khứ: Cô gái 19 tuổi này có một ông bố bợm nhậu, thường xuyên đánh đập Ng. và người mẹ tội nghiệp. Mẹ cô mới 40 mà trông như gần 60. Đã vậy, cha Ng. còn hay dẫn bạn bè về nhà “quậy tới bến”.
Cho đến khi mấy ông bạn của cha Ng. trong một lần say xỉn định giở trò với Ng. mà cha không có phản ứng gì, ngay đêm hôm đó Ng. bắt xe đò đi thẳng lên thành phố ở nhờ nhà người quen, rồi xin đi làm. “Em bàn với mẹ rồi, mẹ ráng ở dưới đó chịu đựng thêm 1 tháng nữa, em sẽ về rước mẹ lên đây sống, giấu không cho cha tìm ra. Chỉ mơ tới ngày hai mẹ con được sống cùng nhau, không có đòn roi của cha là em và mẹ đều thấy vui”- nghe ước mơ giản dị của cô bé sao mà thấy chạnh lòng.
Cùng cảnh khổ với Ng. là chị L. T. M (cùng quê) người đã giới thiệu chỗ làm cho Ng. Chị M. đã ba mươi sáu tuổi nhưng chưa có chồng con, vì có cậu em trai quá đỗi côn đồ. Cứ mỗi khi nhậu say là lôi chị ra chửi. Chàng trai nào theo đuổi chị đều bị cậu em vác dao dọa chém. Cho đến giọt nước tràn ly là vào giỗ mẹ năm 2009, em trai chị M. nắm tóc đánh chị ngay trước mặt mọi người sau khi uống say, vì cho rằng “mày muốn cướp hết tài sản của tao”.
Chán nản, chị theo người ta vào Đồng Nai làm công nhân để tìm lại sự bình yên. Nhậu cũng là một trong số những lý do khiến cho các thiếu nữ ở miền Tây đi lấy chồng xa xứ, xa Tổ quốc, để rồi không ít người trong số đó bị bạo hành, thậm chí phải bỏ mạng nơi đất người. Nhưng, nếu ở lại thì rồi cũng đi vào vết “bánh xe đổ” của mẹ, của chị suốt đời khổ sở vì những ông chồng nát rượu. Thôi thì cứ đành liều tặc lưỡi, may ra…
Các chuyên gia tư vấn, khi đưa ra lời khuyên cho chị em phụ nữ có chồng mê nhậu nhẹt, bạo hành đều cho rằng chị em không nên giấu diếm, nín nhịn chịu đựng mà cần thẳng thắn đấu tranh với thói tật của chồng. Nếu trường hợp nghiêm trọng liên quan đến bạo lực, bạo hành thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của hội phụ nữ, chính quyền địa phương và pháp luật can thiệp.
Đó là hành động cần thiết nhằm cứu lấy bản thân và những đứa con trong gia đình. Chị N. T. L, ở Long An chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Nhờ tui dọa bỏ, ba mẹ con cùng kềm kẹp ổng, lôi cả gia đình vào cuộc để giám sát, bắt ổng cai rượu, nên bây giờ gia đình tui mới được yên ổn, làm ăn khấm khá, các con ngoan”
Ngọc Mai