Nhìn lại thiên tai và hậu quả diễn ra từ đầu năm 2024 đến nay, theo Bộ NN&PTNT, đã làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Đấy là chưa tính những thiệt hại khác như về tâm lý, ví dụ do các trận động đất xảy ra liên tục thời gian qua ở Kon Tum.
Chúng ta đang đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai. Mưa lớn kéo dài, hoàn lưu của các cơn bão bao giờ cũng dễ gây sạt lở đất, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Theo cơ quan chức năng, dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: Mưa nhiều ngày/mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất. Từ đó mà có các giải pháp cảnh báo, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn tương thích.
Do vậy, tại Công điện 75, Thủ tướng yêu cầu: “Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra”; và “chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân”.
Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8 này. Nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
Theo Luật PCTT (Văn bản hợp nhất 04/VBHN-VPQH), nguyên tắc cơ bản đầu tiên là phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Để làm được điều này, giảm thiểu thiệt hại, phải điều tra cơ bản, phải có chiến lược, kế hoạch, tài chính và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ; lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.