Đổi mới cách thức tăng trưởng, xây dựng và bảo vệ thành phố phát triển nhanh, bền vững

Khi thành phố chúng ta bắt đầu quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, với điểm xuất phát thấp, phương thức phát triển kinh tế thành phố chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư, tăng quy mô lao động- điều này là tất yếu và phù hợp. Song “ưu điểm” này đã gần tới hạn và nếu tiếp tục kéo dài quá mức sẽ cản trở sự phát triển của thành phố. Do đó, thành phố chúng ta phải thay đổi cách thức tăng trưởng.

Khi Hải Phòng bắt đầu quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, với điểm xuất phát thấp, phương thức phát triển kinh tế thành phố chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư, tăng quy mô lao động- điều này là tất yếu và phù hợp. Song “ưu điểm” này đã gần tới hạn và nếu tiếp tục kéo dài quá mức sẽ cản trở sự phát triển của thành phố. Do đó, thành phố chúng ta phải thay đổi cách thức tăng trưởng...


Thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2005-2010 và qua 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Hải Phòng đạt nhiều thành tựu to lớn, đáng tự hào. Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng ở mức cao, với GDP trong 10 năm tăng bình quân hơn 11%/năm, gấp 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng nâng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp, quy mô nền kinh tế thành phố phát triển mạnh. Cơ sở hạ tầng như cảng, hệ thống giao thông, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng phát triển và có sự thay đổi lớn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét, an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Vị thế của Hải Phòng là thành phố cảng, cửa chính ra biển tiếp tục được khẳng định và củng cố vững chắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố đang phải đối mặt với những thách thức. Đó là kinh tế thành phố phát triển chủ yếu do tăng trưởng vốn đầu tư, tăng quy mô lao động. Nói cách khác, kinh tế thành phố phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa thật sự theo chiều sâu. Nhu cầu vốn đầu tư không ngừng tăng cao, trong khi năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa được cải thiện tương ứng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ hủy hoại cảnh quan thiên nhiên ngày càng rõ. Thành phố thu hút lượng vốn FDI không nhỏ và các doanh nghiệp FDI có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố, song công nghệ, thị trường, nguyên phụ liệu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Do đó, hiệu quả tổng hợp mang lại cho nền kinh tế thành phố còn thấp. Thành phố đứng trước nguy cơ sa vào bẫy “thành phố phát triển trung bình”.

Cũng cần thấy rằng, khi thành phố chúng ta bắt đầu quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, với điểm xuất phát thấp, phương thức phát triển này là tất yếu và phù hợp. Song “ưu điểm” này đã gần tới hạn và nếu tiếp tục kéo dài quá mức sẽ cản trở sự phát triển của thành phố. Do đó, thành phố chúng ta phải thay đổi cách thức tăng trưởng.

Vậy đổi mới cách thức tăng trưởng cần tập trung ở những nội dung gì? Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 14 Đảng bộ thành phố nêu khá đầy đủ. Ở đây, chúng tôi chỉ tham gia ý kiến, trao đổi ở một số khía cạnh, nội dung cụ thể.

Đổi mới cách thức tăng trưởng, xây dựng và bảo vệ thành phố phát triển nhanh, bền vững ảnh 1
Cùng với Sông Cấm, sông Lạch Trạy cần được quy hoạch kiến trúc cảnh quan thành điểm nổi bật của đô thị Hải Phòng


Nâng cao năng lực trí tuệ, khả năng dự báo

Trước hết, chúng ta cần tiếp tục nâng cao năng lực trí tuệ, khả năng dự báo diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, những thay đổi về địa-kinh tế của Hải Phòng để bổ sung, điều chỉnh mô hình, cơ cấu kinh tế-xã hội của thành phố, qua đó không ngừng củng cố và nâng cao vị thế thành phố Cảng, mang lại hiệu quả cao nhất cho thành phố, đất nước và người dân. Hay nói cách khác, kinh tế thành phố phát triển không chỉ thể hiện ở chỉ số tăng trưởng GDP mà còn phải được thể hiện qua đời sống nhân dân thành phố với những chuyển biến rõ nét như chất lượng cuộc sống phải được nâng lên, người dân được hưởng các dịch vụ công cộng ngày càng tốt hơn và mọi người thêm tự hào là con dân thành phố Cảng… Từ đó, nhân dân cảm nhận rõ hơn tính ưu việt của đất nước phát triển theo con đường XHCN, nhất trí đồng lòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội của thành phố.

Trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo, vị thế của Hải Phòng là cửa chính ra biển của miền Bắc tiếp tục được củng cố vững chắc và có sự phát triển đột phá. Cảng Hải Phòng từ chỗ là cảng sông, nằm sâu trong nội địa sẽ tiến ra biển, thực sự là cảng biển nước sâu, với những tiềm năng to lớn về cầu bến, kho bãi, nâng cao trọng tải tàu. Đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, hệ thống các đường ô-tô, đường sắt, đường sông được xây dựng, kết nối với cảng sẽ tạo điều kiện cho Hải Phòng thực sự trở thành cảng lớn, một trung tâm logistic quan trọng bậc nhất ở miền Bắc nước ta.

Việc cải tạo, nâng cấp sân bay Cát Bi, quy hoạch xây dựng Sân bay quốc tế mới của miền Bắc ở huyện Tiên Lãng sẽ tạo ra sự thay đổi to lớn, bước ngoặt về tính chất đô thị và cách thức tăng trưởng của thành phố Hải Phòng. Thành phố chúng ta đứng trước cơ hội to lớn để mở rộng nội hàm “Hải Phòng là thành phố Cảng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc” thành “Hải Phòng là thành phố Cảng biển và cảng hàng không, cửa chính ra biển và cửa chính đường hàng không của các tỉnh phía Bắc”. Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, xuất-nhập khẩu, du lịch, tổ chức các sự kiện quốc tế tầm cỡ, phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao. Nói một cách hình ảnh, khi chỉ có cảng biển, Hải Phòng được ví như chiếc máy bay 1 động cơ; nay có thêm cảng hàng không quốc tế, Hải Phòng như chiếc máy bay phản lực được lắp 2 động cơ, bố trí cân đối, với sức đẩy lớn, sẽ đưa thành phố chúng ta cất cánh, bay cao, bay nhanh, bay xa.

Điều chỉnh quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế-xã hội

Đây là công việc khó khăn, phức tạp, song lại vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thành phố và tương lai Hải Phòng. Do đó, Đảng bộ thành phố cần tập trung cao công sức, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm để quy hoạch phát triển thành phố thực sự là bản thiết kế hoàn hảo, với tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Công tác quy hoạch không chỉ thể hiện sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, hiện tại mà còn bao quát, dự báo được tương lai phát triển của thành phố cả về địa-chính trị và địa-kinh tế; vừa tôn trọng quy luật phát triển khách quan của đô thị, đồng thời là sản phẩm của sức sáng tạo, sự quyết đoán, song chứa đựng trong đó là cả tình yêu thương, lòng tự hào về quê hương, đất nước và trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau.

Quy hoạch phát triển thành phố phải thể hiện sự khoa học, bố trí hợp lý các phân khu chức năng như đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu nông nghiệp, các cơ sở thể dục-thể thao, vui chơi giải trí cho người dân… Công tác quy hoạch phải thể hiện rõ bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng là thành phố có biển, nhiều sông và núi, thành phố đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia, tương lai sẽ phát triển thành đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông lớn, quốc phòng-an ninh vững chắc, thành phố quốc tế, thành phố sinh thái. Do đó, công tác quy hoạch của đô thị Hải Phòng phải thể hiện được bản sắc với “3 rõ” là rõ biển, rõ núi, rõ sông. Công tác quy hoạch đô thị cần hướng đến xây dựng đô thị sinh thái, đưa con người gần gũi với thiên nhiên. Thiên nhiên là nhà điêu khắc vĩ đại nhất. Vì thế việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị, các công trình xây dựng không được che lấp, làm mất đi vẻ đẹp của biển, đảo, núi sông được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, mà đến lượt mình, chính cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của Hải Phòng sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp của các công trình đô thị, công trình xây dựng. Điều đó còn thể hiện sự tôn vinh sức sáng tạo, trình độ thẩm mỹ của con người Hải Phòng.

Cùng với việc xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện và sân bay quốc tế tại Tiên Lãng, xây dựng đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường ô-tô cao tốc ven biển, quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế-xã hội thành phố cần được điều chỉnh một bước quan trọng theo hướng phát triển mạnh các cơ sở kinh tế về phía Nam, tạo sự phát triển đồng đều cho các địa phương của thành phố… Chúng ta phải dành quỹ đất đủ lớn ở các vùng ven biển, hải đảo để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng và trung tâm hội nghị quốc tế, với định hướng thu hút khách du lịch cả nước mà trước hết là lượng khách du lịch lớn đến từ Thủ đô Hà Nội và khách quốc tế đến với Hải Phòng. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, hoàn chỉnh quy hoạch kiến trúc cảnh quan ven sông Cấm, sông Lạch Tray, biến 2 dòng sông này trở thành 2 trục kiến trúc chủ đạo, điểm nhấn nổi bật của đô thị Hải Phòng trong tương lai. Chúng ta quy hoạch, xây dựng thành phố Hải Phòng tươi đẹp, giàu bản sắc, cùng hiện thực hào hùng của công cuộc xây dựng và bảo vệ thành phố, sẽ tạo nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật, tạo ra một Hải Phòng trong thơ, ca, nhạc, họa… bồi bổ và nuôi dưỡng tâm hồn con người Hải Phòng.

Đổi mới cách thức tăng trưởng, xây dựng và bảo vệ thành phố phát triển nhanh, bền vững ảnh 2
Sông Cấm - Cửa ngõ phát triển kinh tế cảng biển.

Nâng cao trình độ nguồn nhân lực

Cách thức tăng trưởng mới phải tập trung nâng cao trình độ nguồn nhân lực để nhanh chóng nắm bắt, làm chủ các khâu của quy trình sản xuất, dịch vụ mà hiện nay chúng ta đang còn lệ thuộc vào nước ngoài như quản lý công nghệ, thiết kế, hậu cần, quản lý chất lượng, ma-két-tinh... Kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở thành phố chúng ta cho thấy, không phải máy móc, thiết bị hiện đại mà chính nguồn nhân lực mới là nhân tố quan trọng nhất, là tài sản vô giá của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp dựa trên nền tảng chuyên môn cao chính là tạo ra sự khác biệt giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng trong sản xuất-kinh doanh. Thành ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Vấn đề là chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt.

Thu hút đầu tư của Hải Phòng những năm qua có những bước phát triển khá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Song để tạo nguồn thu cho ngân sách, thời gian tới, thành phố tiếp tục có chính sách ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, có số nộp ngân sách lớn, đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, nơi có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Mỗi đảng viên là ngọn cờ quy tụ quần chúng

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo chuyển biến cơ bản và thu được nhiều kết quả rõ nét. Song trong những năm tới, cuộc vận động cần được các cán bộ, đảng viên tăng cường hơn nữa, nhất là tập trung làm theo. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người và không ai khác, chính cán bộ, đảng viên là ngọn cờ quy tụ quần chúng.

Mỗi đảng viên nói phải đi đôi với làm, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy Đảng cần quan tâm bồi dưỡng, phát hiện và tôn vinh những tấm gương tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng ta tiếp tục mở rộng dân chủ hóa xã hội, để mọi người nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, cùng được tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nhiệm kỳ 2010-2015 phải là một bước phát triển mới về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, làm cơ sở, hạt nhân, tạo sự đoàn kết nhất trí trong toàn xã hội, để tư tưởng của Bác Hồ “Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” sẽ trở thành hiện thực sinh động ở thành phố Hải Phòng của chúng ta./.

 Dương Anh Điền
Phó bí thư Thường trực Thành ủy,
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng

Đọc thêm