Tiết học môn Toán của lớp 5A2, Trường tiểu học Bạch Đằng, quận Hồng Bàng sáng 9-2 học về hai đơn vị đo thể tích là dm3 và cm3. Khác với cách dạy chục năm về trước, cô giáo Lê Thị Thanh Hương không đọc cho học sinh chép về mối quan hệ giữa hai đơn vị đo thể tích để học sinh vận dụng làm bài tập, mà dùng mô hình trực quan là hai khối hình lập phương, một chiếc có cạnh là 1 dm, một chiếc có cạnh là 1 cm để học sinh quan sát. Học sinh sẽ tự phân tích, so sánh, tính toán rút ra mối quan hệ của hai đơn vị đo thể tích này, vận dụng vào làm bài tập.
Tiết dạy môn tiếng Anh theo phương pháp mới tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hồng Bàng). Ảnh: Hải Đông |
Trước đó hơn 2 tuần, giờ dạy môn tiếng Việt của cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa ở lớp 5A1 về câu ghép cũng không như trước. Thông thường, khi dạy về câu ghép, giáo viên đọc khái niệm (có ở trong sách giáo khoa), học sinh ghi vào vở rồi làm bài tập. Nay cô viết một số ví dụ về câu ghép lên bảng, gọi học sinh phát biểu, phân tích rồi đưa ra khái niệm cho đúng. Tiếp đó, học sinh mới làm bài tập.
Phòng học bộ môn tiếng Anh của Trường tiểu học Đằng Lâm (Hải An) được bố trí bàn ghế theo hình chữ U, giáo viên đi lại hoặc giao lưu, chuyện trò với học sinh và học sinh có thể trao đổi hay thảo luận nội dung bài giảng của thầy, cô giáo với nhau. Tại 4 lớp 5 của trường, học sinh ngồi theo nhóm, cứ 2 bàn với 4 học sinh quay mặt vào nhau. Việc xếp học sinh theo nhóm dựa vào lực học của học sinh. Tuy nhiên, cách bố trí ngồi theo nhóm không cố định mà có sự thay đổi thường xuyên cho phù hợp.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Đằng Lâm Triệu Đình Nam cho biết, những năm trước, việc dạy học theo kiểu thầy giáo đọc, học sinh chép, rất thụ động. Việc Bộ GD-ĐT thay sách giáo khoa từ năm 2000 đến nay, giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học phù hợp, từ bỏ lối dạy đọc-chép, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Quan trọng hơn, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, giáo viên còn rèn các kỹ năng sống cho học sinh. Được biết, từ sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, Trường tiểu học Đằng Lâm đầu tư một số thiết bị như ti-vi, đầu video phục vụ những giờ dạy cần minh họa bằng hình ảnh. Những hình ảnh sinh động minh họa cho bài giảng về non sông đất nước, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông khiến học sinh hứng thú hơn so với những minh họa bằng tranh ảnh như trước.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Vũ Thị Phương Vinh, đổi mới phương pháp dạy học ở bậc tiểu học là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Từ năm học 2007-2008 đến nay, hơn 200 trường tiểu học tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Năm học 2009-2010, các phòng giáo dục tổ chức 9 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học. 150/ 208 chuyên đề được Sở GD-ĐT đánh giá đạt loại tốt. Nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại vào dạy học. Nhiều trường mạnh dạn đầu tư kinh phí hoặc huy động xã hội hóa mua máy vi tính, đầu video, máy chiếu để giáo viên soạn giáo án, giảng bài điện tử và phục vụ các giờ học cần minh họa bằng hình ảnh. Qua 3 năm thực hiện, hầu hết giáo viên linh hoạt hơn trong việc truyền đạt kiến thức. Học sinh không còn thụ động ghi chép mà chủ động tiếp cận kiến thức. Không chỉ kết quả học tập được nâng lên mà học sinh còn được rèn nhiều kỹ năng sống, giúp các em tự tin làm chủ kiến thức và cuộc sống.
Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hải An Trịnh Thị Thu Huyền cho biết, hiện một số trường tiểu học trên địa bàn còn khó khăn, chưa có điều kiện đầu tư thiết bị dạy học, bởi vậy, quá trình đổi mới phương pháp dạy học sẽ chậm hơn. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Thị Phương Vinh thì cho rằng, bỏ lối dạy đọc-chép, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, dạy học theo cách thiết kế các hoạt động học tập là việc khó đối với những giáo viên cao tuổi, ngại học tập, nhất là ứng dụng CNTT.
Từ kết quả hơn 3 năm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học ở bậc tiểu học, bà Vinh cho rằng, giải pháp để đổi mới phương pháp dạy học không chỉ cần thời gian và kinh phí mà đòi hỏi rất nhiều ở tâm huyết, khả năng sáng tạo, ham học hỏi của mỗi giáo viên.
Bích Hạnh