Cùng với hoạt động tiếp xúc cử tri, xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, nhằm đưa hoạt động giám sát nói riêng hoạt động của Đoàn ĐBQH nói chung ngày càng hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri. Trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã đổi mới tư duy, nhận thức một cách đầy đủ và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội nhằm phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
|
Giám sát tại VNPT Thái Nguyên |
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Đây là một trong những đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hoá hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Việc ban hành Luật này có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ sở pháp lý cần thiết để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhận thức được tầm quan trọng này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thực hiện và xây dựng chương trình hoạt động giám sát của Đoàn theo đúng các qui định của Luật hoạt động giám sát Quốc hội đã đề ra.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động từng tháng, từng quý, từng năm và cả nhiệm kỳ, trong đó việc xây dựng kế hoạch giám sát được đặc biệt quan tâm. Ngoài những nội dung chương trình giám sát được xây dựng theo Nghị quyết về giám sát hàng năm của Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì Đoàn còn có lựa chọn những chuyên đề để tổ chức giám sát tại địa phương.
Việc lựa chọn chuyên đề để giám sát đã được Đoàn hết sức quan tâm, qua tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề bức xúc ở địa phương, qua báo cáo của các ngành, của tỉnh về tình hình kinh tế -xã hội, việc thi hành pháp luật trên địa bàn, các ĐBQH đã tổng hợp, lựa chọn và thống nhất những nội dung liên quan đến kiến nghị của nhiều cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh, những vấn đề có tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát.
Sau khi xây dựng xong nội dung, chương trình kế hoạch cụ thể, trước mỗi cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH đã tổ chức hội nghị thông báo nội dung, kế hoạch giám sát tới các đối tượng được giám sát và thành phần tham gia đoàn giám sát. Việc tổ chức hội nghị này đã giúp cho đợt giám sát được chuẩn bị kỹ càng chu đáo hơn. Tại hội nghị, các thành viên tham gia đoàn giám sát, các cơ quan đơn vị được giám sát sẽ có những ý kiến tham gia góp ý về nội dung giám sát, chương trình giám sát cho sát với thực tế hơn. Đoàn ĐBQH cũng yêu cầu các đơn vị được giám sát chuẩn bị báo cáo bằng văn bản gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trước từ 5 đến 7 ngày để các Đại biểu Quốc hội cũng như thành viên đoàn giám sát có thời gian nghiên cứu, cập nhật các thông tin liên quan đến nội dung giám sát, giúp cho việc giám sát đạt hiệu quả cao hơn. Khi tiến hành giám sát, tuỳ theo chuyên đề có thể giám sát tại cơ quan tổng hợp trước, sau đó đi sâu từng đơn vị, từng địa phương cụ thể hoặc ngược lại
Thực tế cho thấy không ít cuộc giám sát, việc chuẩn bị “tiền giám sát” chưa tốt, nội dung giám sát chưa cụ thể, thiếu thông tin cần thiết, thời gian giám sát quá ngắn, chưa thể đi sát cơ sở, chủ yếu vẫn dựa trên văn bản báo cáo rồi kết luận. Việc xử lý “hậu giám sát” chưa tốt, chưa đeo bám, theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các kiến nghị của Đoàn giám sát. Nhưng đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thì việc giám sát của Đoàn không chỉ giám sát trực tiếp đơn thuần qua báo cáo ở tỉnh, mà đoàn còn đi giám sát thực tế ở cơ sở để sau đó quay về mới đối chiếu với nội dung giám sát tại tỉnh. Việc giám sát như vậy sẽ làm cho nội dung giám sát phong phú hơn, có nhiều vấn đề cần trao đổi hơn trong nội dung giám sát để có những kết luận chính xác thuyết phục và đeo bám đến cùng vấn đề giám sát.
Với mỗi cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng rất quan tâm đến việc mời những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực sẽ giám sát tham gia đoàn giám sát, khi cần thiết có thể trưng tập các cơ quan kiểm định để tham khảo trước khi có kết luận về kết quả giám sát. Chẳng hạn như Đoàn ĐBQH đã mời cán bộ Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục-Bộ GD&ĐT tham gia giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên đang công tác trên địa bàn tỉnh; mời cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước; mời cán bộ các Trung tâm kiểm định tham gia giám sát về việc thực hiện VSATTP tại địa phương… Thực tế kết quả giám sát cho thấy, việc mời những người có chuyên môn chuyên sâu theo từng nội dung giám sát tham gia đoàn giám sát thì kết quả giám sát sẽ hiệu quả hơn, kết luận giám sát đảm bảo khách quan và có tính thuyết phục hơn; các kiến nghị, đề xuất các giải pháp sẽ sát với thực tế và có tính khả thi cao hơn. Bên cạnh những cuộc giám sát theo chuyên đề, Đoàn ĐBQH đã chọn những vấn đề có tính bức xúc ở địa phương, liên quan đến nhiều người do các quy định của pháp luật chưa phù hợp thực tế để kết hợp nhiều hình thức như giám sát, chất vấn tại kỳ họp, nêu kiến nghị cụ thể và thường xuyên để góp phần giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân.
Cùng với thông tin qua các cuộc tiếp xúc cử tri, thông tin từ các cuộc giám sát cũng là nguồn quan trọng để các ĐBQH tỉnh chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội về những nội dung liên quan đến chế độ, chính sách để có những bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế địa phương.
Tuy nhiên bên cạnh những đổi mới trong hoạt động giám sát, vẫn còn những khó khăn mà Đoàn ĐBQH tỉnh cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là hầu hết ĐBQH làm việc kiêm nhiệm nên việc tham gia đoàn giám sát đôi khi bị hạn chế và bị động về thời gian. Chưa tổ chức thường xuyên các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng để giám sát việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, tồn đọng qua nhiều năm.Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết đối với các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị được giám sát chưa được thường xuyên.
Có thể nói, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã có nhiều đổi mới theo chiều hướng tích cực đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn. Đoàn đã có những thành công bước đầu với số cuộc giám sát lớn và có cuộc đạt kết quả tốt như giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri bị ảnh hưởng do đường dây cao thế 220KV, hay giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tiếp tục có những nghiên cứu, đổi mới để hoạt động giám sát ngày càng thực chất và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng của các chính sách, pháp luật đã ban hành và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đỗ Mạnh Hùng