Đối phó với “bão giá- Triệt để tiết kiệm tiêu dùng

Giá điện, xăng dầu tăng tất yếu kéo theo việc tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác. Giá tăng, thêm khó khăn cho đời sống người dân.

Giá điện, xăng dầu tăng tất yếu kéo theo việc tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác. Giá tăng, thêm khó khăn cho đời sống người dân. Giải pháp được nhiều người lựa chọn là tiết kiệm triệt để ngay từ những cái nhỏ nhất trong gia đình.

 

Giá thực phẩm tăng khiến nhiều người dân cân nhắc chi tiêu hợp lý Ảnh: Trường Giang

Giá thực phẩm tăng khiến nhiều người dân cân nhắc chi tiêu hợp lý

Ảnh: Trường Giang

Chị Phạm Thị Hà, công nhân Công ty THHH MTV môi trường đô thị tâm sự: “Tiền lương của chị 1,4 triệu đồng/tháng (cả tiền dụng cụ lao động), lương của chồng cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, gia đình có 2 vợ chồng, hai đứa con đang đi học, chi tiêu hàng ngày đã rất khó khăn, nay cứ ra đến chợ là nghe giá tăng, không riêng tôi mà nhiều công nhân có mức thu nhập thấp đều bí bách”. Từ sau Tết Tân Mão, buổi sáng chị dậy sớm hơn, nấu nướng ăn sáng cho cả nhà, chỉ đơn giản là bánh mì trứng ốp, sữa, cơm rang, bát mì, bát cháo, đều đặn như vậy, gia đình chị cũng tiết kiệm được một khoản tiền.

 

Chị Vũ Thị Vịnh, nhân viên bảo mẫu Nhà tình thương Niệm Nghĩa cho biết: “Tiền ăn của các cháu ở nhà tình thương là 400.000 đồng/cháu/tháng. Số tiền này được “ưu tiên” mua gạo, chất đốt, mắm muối, mì chính…, chi cho 3 bữa ăn: bữa sáng và 2 bữa chính. Từ trước Tết đến nay, giá hàng hóa đều tăng, từ gạo đến thực phẩm tươi sống, việc chi tiêu ngày càng eo hẹp. Vẫn biết các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, chúng tôi cũng chỉ cố gắng bảo đảm cho các cháu ăn no”. Chị Vũ Thị Thủy, phụ trách Nhà tình thương Niệm Nghĩa chia sẻ:  các chị bảo mẫu của nhà tình thương đều có gia đình ở các huyện ngoại thành, có mảnh đất trồng các loại rau. Mỗi lần về nhà, các chị tranh thủ “dân vận” rau, củ, quả, mang lên để tủ lạnh ăn dần, tiết kiệm được một khoản tiền mua rau xanh trong phần chi tiêu cho bữa ăn của các cháu.

 

Chị Đào Thị Thanh Mai, ở phố Đà Nẵng (quận Lê Chân) chia sẻ: giá tăng cao, chị phải lên “kế hoạch” cắt giảm những chi phí không cần thiết, cơ quan chị đang làm việc cách nhà hơn 500 m, thay vì đi xe máy chị chuyển sang đi xe đạp, vừa tiết kiệm khoản tiền mua xăng, vừa khỏe người.        

Khi giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, nếu không có giải pháp tốt, công chức, viên chức, công nhân và người lao động nghèo khó khăn lo cho 2 bữa cơm hàng ngày, chứ chưa nói đến nhiều khoản chi tiêu khác... Các ngành chức năng cần tăng cường biện pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, vận động các gia đình tiết kiệm trong sinh hoạt và tiêu dùng, tăng cường kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả, nhất là giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cước vận tải và giá các loại dịch vụ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý giá cả như: niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không tăng giá nếu không có lý do xác đáng, không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý đối với các hành vi tung tin thất thiệt, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trên thị trường và tâm lý người tiêu dùng.

 

Hoàng Hà

Đọc thêm