Doanh nghiệp công nghệ Việt mang giải pháp lõi xây dựng chính phủ điện tử

(PLVN) - Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 15 được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Tập đoàn VNPT đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ, ngành địa phương thực hiện xây dựng các giải pháp lõi phục vụ chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Doanh nghiệp công nghệ Việt mang giải pháp lõi xây dựng chính phủ điện tử

Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh

Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, điện toán đám mây, kết nối diện rộng, IoT... đang tạo ra những đột phá mới, giúp mọi mặt sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống xã hội có sự chuyển biến tích cực. Trong công cuộc ứng dụng và triển khai những công nghệ mới này, với quan điểm, chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, VNPT đã đồng hành với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện xây dựng và triển khai thành công các giải pháp lõi tiên tiến, hiện đại phục vụ Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Điển hình như dự án Trục liên thông văn bản quốc gia - nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Cho tới thời điểm này, đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của VNPT trong việc cung cấp các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của VNPT trong việc cung cấp các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử. 

Với sự tham gia triển khai xây dựng của Tập đoàn VNPT, các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước. Dịch vụ được ‘may đo’ và cá nhân hóa cho những tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp cụ thể, kết hợp dữ liệu từ tất cả các nguồn để có góc nhìn 360° của từng cử tri; Phân tích Dữ liệu nâng cao và trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng báo cáo về quá khứ và dự đoán những điều kiện trong tương lai với độ chính xác cao.

Trục liên thông văn bản quốc gia cũng là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính phủ và cử tri, hoàn thiện công tác cung cấp dịch vụ trên mọi nền tảng, mọi lúc, mọi nơi; Dữ liệu trong và ngoài chính phủ đều được thu thập từ tất cả các nguồn và dữ liệu chưa phân loại được thu thập/dữ liệu được trích xuất ra đều được để cung cấp trên các kênh kỹ thuật số; Cách tiếp cận trên nền tảng chia sẻ với công tác đổi công cộng và tư nhân trong việc phát triển/cung cấp các dịch vụ số; Các kênh giao tiếp số với giao diện ngôn ngữ tự nhiên luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào.

Với dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư - một trong 6 CSDL quốc gia trọng điểm, là nhiệm vụ trọng yếu đang được Bộ Công an chỉ đạo gấp rút hoàn thành. Chính phủ và Bộ Công an đã tin tưởng lựa chọn Tập đoàn VNPT - Công ty Cổ phần Tư vấn - Đầu tư và phát triển Bưu điện Hà Nội (HADIC) - Công ty TNHH công nghệ thông tin và truyền thông Gtel (GTEL ICT) tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai.

Với những kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn trong những năm qua, đặc biệt là những dự án trọng yếu của Chính phủ, VNPT cũng như liên danh nhà thầu được tin tưởng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của dự án CSDL quốc gia về dân cư, cam kết tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ ở cả 63 tỉnh thành phố, quyết liệt trong triển khai thực hiện, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án… Được biết, có hơn 3.000 nhân lực tại 63 tỉnh thành của VNPT phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị liên quan chạy đua với thời gian để cùng hoàn thành dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào ngày 1/7/2021…

Năng lực của Tập đoàn công nghệ hàng đầu

Tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai nhiều dự án Chính phủ điện tử tiêu biểu, VNPT đã chứng minh được năng lực cũng như vai trò của một Tập đoàn công nghệ hàng đầu, không ngừng phát triển và làm chủ được nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cốt lõi góp phần xây dựng chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam. Đây cũng là điều dễ hiểu khi VNPT liên tiếp “gặt” 5 giải thưởng lớn cho các giải pháp công nghệ thông tin xây dựng chính phủ điện tử tại giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2020 (International Business Awards - IBA Stevie Awards). 

Giải vàng hạng mục giải pháp quản lý công nghệ thông tin dành cho Hệ thống thông tin báo cáo và chỉ đạo điều hành (VNPT VSR).
 Giải vàng hạng mục giải pháp quản lý công nghệ thông tin dành cho Hệ thống thông tin báo cáo và chỉ đạo điều hành (VNPT VSR).

Tại giải thưởng IBA Stevie Awards 2020, VNPT sở hữu 1 giải vàng hạng mục giải pháp quản lý công nghệ thông tin dành cho Hệ thống thông tin báo cáo và chỉ đạo điều hành (VNPTVSR), 2 giải bạc dành cho ứng dụng khai báo y tế (NCOVI) ở hạng mục công nghệ quản lý sức khỏe và Giải pháp hệ thống phòng họp không giấy tờ (VNPT eCabinet) ở hạng mục giải pháp mạng lưới kết nối.VNPT nhận được 2 giải đồng với Giải pháp định danh và xác thực điện tử (VNPT eKYC) ở hạng mục giải pháp bảo mật truy cập và danh tính và Hệ thống cổng thông tin điện tử (VNPT vnPortal) ở hạng mục quy trình số tự động.

Kết quả này đã cho thấy sự cố gắng phát triển, đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng của VNPT trong nỗ lực đồng hành cùng chính phủ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử hiện đại, nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong suốt thời gian qua. Những giải pháp chính phủ điện tử này giúp nâng cao hiệu suất công việc, tiết kiệm chi phí và là hệ thống đặc biệt quan trọng, nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

Đọc thêm