Giá bán USD trên thị trường tự do tăng lên 19.100 đồng từ 15h chiều 12-5, vượt xa giá ngân hàng. Tin đồn nới rộng tỷ giá USD/VND, lo ngại cầu USD tăng cao tỷ giá liên tục đi lên trong mấy ngày gần đây.
|
Sau một thời gian giảm liên tục, giá bán USD trên thị trường tự do tăng trở lại. |
Tính đến 15h chiều 12-5, giá bán mỗi USD nhích thêm 30 đồng, lên 19.100 đồng mỗi USD so với buổi sáng. Giá cửa hàng thu mua đô cũng đã vọt lên 19.070 đồng, so với 19.050 đồng sáng nay và 19.030 đồng hôm qua. Thậm chí có một số điểm thu đổi đẩy giá lên 19.080-19.130 đồng, tăng mạnh so với mặt bằng 19.050-19.060 hôm qua.
Diễn biến tỷ giá trong ngân hàng khá trái chiều. Sáng 12-5, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam điều chỉnh giảm 10 đồng ở chiều bán USD, xuống còn 19.050 đồng, sau khi điều chỉnh tăng mạnh lên 19.060 đồng vào hôm qua. Chiều 12-5, Vietcombank vẫn giữ giá bán, nhưng lại đẩy giá mua thêm 30 đồng lên 18.990 đồng.
Đợt tăng giá này diễn ra nhanh và bất thường, sau thời kỳ giảm giá khá dài của USD trên thị trường chợ đen (kéo giá mỗi USD từ mức cao trên 19.400 đồng xuống có lúc dưới 19.000 đồng vào tuần trước). Hai tháng trước, do chênh lệch lãi suất hấp dẫn, cùng với kỳ vọng tỷ giá ổn định, nhiều doanh nghiệp đã vay USD rồi hoán đổi sang tiền đồng để kinh doanh. Hoạt động này khiến nguồn cung đôla trên thị trường dồi dào hơn, đẩy tỷ giá xuống thấp. Thị trường ngoại tệ nhờ đó ổn định trong thời gian khá dài quanh mức dưới 19.000 đồng đổi một USD. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày qua, mức giá này đã bị "đâm thủng" và có tốc độ tăng khá nhanh.
Sau khi giá USD tăng cao, trên thị trường tự do trong ngày hôm qua và sáng nay đã xuất hiện tình trạng nhiều người đi mua USD. Một chủ thu đổi ngoại tệ lớn tại Hà Nội cho biết, trong ngày 11-5, nhiều người đã đến mua USD, trong đó có một số đi mua để trả nợ, một số khác đầu cơ tích trữ. Đại diện từ một điểm thu đổi khác cũng ở Hà Nội nhận định mức giá hiện nay dù cao nhưng vẫn hợp lý để nhiều nhà đầu cơ đi mua lướt sóng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ giá USD trong một số ngân hàng tăng lên là do chính sách cân đối cung cầu của mỗi nhà băng. Còn giá USD ngoài thị trường tự do tăng cao có thể do gần đây xảy ra tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ nới rộng biên độ tỷ giá. Cùng với đó, một số người lo ngại thị trường thiếu nguồn đôla khi cầu USD tăng cao vì doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn các khoản vay ngoại tệ.
Tuy nhiên, ông Minh khẳng định, tin đồn nới rộng tỷ giá đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bác bỏ. Còn về nguồn cung USD trong thời gian tới liệu có khan hiếm, ông Minh cho biết, thời gian qua, cung cầu ngoại tệ đã bớt căng thẳng, tính thanh khoản của thị trường có những chuyển biến tích cực, tình trạng găm giữ được cải thiện đáng kể nên nguồn USD nay khá dồi dào. Do đó, sẽ rất khó xảy ra chuyện khan hiếm USD.
Lý giải nguyên nhân giá đôla tăng, Phó tổng giám đốc của một Ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại TP HCM cho biết tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ 4 tháng đầu năm 2010 lên tới 17,07% cho thấy các doanh nghiệp đang vay từ ngân hàng lượng ngoại tệ khá lớn. Đa số những hợp đồng vay USD có kỳ hạn ngắn từ 3 và 6 tháng nhằm tránh biến động tỷ giá. Nay sắp đến kỳ đáo hạn, nhiều đơn vị đẩy mạnh mua USD để trả nợ nhà băng. Cầu USD tăng cao sẽ là nhân tố đẩy giá USD tăng lên. Tuy nhiên, do giá đôla biến động đột ngột nên phía ngân hàng chưa thể thống kê được nhu cầu USD tăng bao nhiêu.
Theo đại diện từ một ngân hàng lớn. theo chu kỳ 3-4 tháng, dự kiến đến tháng 8, tháng 9 sức ép tỷ giá sẽ phát sinh. Trong vòng 3 đến 4 tháng nữa ngân hàng sẽ không còn đôla Mỹ để đáp ứng nhu cầu vay mới. Trong khi đó nhu cầu vay ngoại tệ trong những tháng cuối năm dự kiến còn tăng cao, sức ép tỷ giá gia tăng. Nếu cơ quan quản lý không nhìn ra, sẽ có sức ép. Thực tế ngoại tệ của Việt Nam vẫn thiếu. Do đó việc USD giảm giá như thời gian qua chỉ mang tính ngắn hạn.