Đồn Biên phòng Hua Bum xóa dần 'cái chết trắng' vùng cao Nậm Nhùn

(PLO) - Hua Bum là một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của bà con còn nhiều vất vả, thiếu thốn, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. 
Bộ đội Biên phòng hỏi thăm, động viên người cai nghiện thành công tại bản Pa Mu

Trước đây, do thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy nên nhiều người vô tình vướng bận “khói trắng” khiến cuộc sống nhiều gia đình vốn đã nghèo càng thêm nghèo gấp bội. Xuất phát từ thực tiễn đó, Đồn Biên phòng Hua Bum đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng tác hại nguy hiểm của ma túy để người dân hiểu, tự giác từ bỏ ma túy và đưa những đối tượng nghiện ma túy lâu năm đi cai nghiện.

Bám sát các kế hoạch, chỉ thị của cấp trên và tình hình thực tế ở địa bàn, Đồn đã tập trung lực lượng, kết hợp với già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong các dòng họ trực tiếp đến vận động người dân trên khu vực biên giới hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tác hại của ma túy. Chỉ huy Đồn họp bàn trong cấp ủy, Chỉ huy đơn vị và giao cho bộ phận chuyên trách lên kế hoạch, giúp bà con trên địa bàn đơn vị phụ trách tránh xa các tệ nạn xã hội, đồng thời kết hợp với chính quyền đưa những trường hợp nghiện ma túy lâu năm đi cai nghiện ngay tại địa phương.

Để những đợt vận động cai nghiện ma túy thực sự có hiệu quả và thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Đồn đến từng nhà, rà từng người, đưa những người nghiện tới địa điểm cai nghiện tại đơn vị được Đồn bố trí nơi ăn nghỉ, sinh hoạt chu đáo. 

Pa Mu là một bản người Mông phức tạp về an ninh trật tự, trong đó có hơn 40% dân số trong bản từng sử dụng ma túy. Trưởng bản Lò A Cấu cho biết: “Nhiều năm trước, người nghiện ở bản Pa Mu nhiều lắm. Vì nghe theo kẻ xấu kích động, rủ rê những thanh niên mới lớn đi làm ăn xa do thiếu hiểu biết nên bị dụ dỗ hút ma túy. Hai năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn đã trực tiếp đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền cho bà con hiểu tác hại của ma túy nên nhiều người đã từ bỏ hẳn ma túy, không còn tái nghiện”.

Với Mùa A Pháo, dân tộc Mông, ngụ bản Pa Mu, vì nghiện ma túy đã làm cho gia đình anh kiệt quệ về kinh tế, đổ vỡ hạnh phúc. Từ một người hiền lành, chăm chỉ, cần cù, chịu khó, sau nhiều năm chìm đắm trong “khói trắng”, bao nhiêu lúa ngô, đồ đạc có trong nhà đều “đội nón ra đi”.

Pháo tâm sự: “Mình nghiện từ năm 1996, vì nghe theo bạn bè rủ rê thử hút, rồi nghiện lúc nào không hay. Từ ngày nghiện, vợ con nó bỏ mình, tránh mặt mình, bà con dân bản cũng xa lánh. Mình thấy nhục lắm, không biết làm sao bỏ được. Mấy lần định ra xã nhưng lại sợ, thấy xấu hổ, mình lại bỏ về. Nhưng sau đó được Bộ đội Biên phòng vào tận nhà vận động, nhất là Thiếu tá Vàng A Lử giúp đỡ nhiều lắm. Nhiều lúc anh xuống tận nhà tâm sự, an ủi, cùng ăn ở với gia đình mình. Anh còn trực tiếp đưa mình đi cai nghiện tại Đồn, cho uống thuốc cắt cơn nghiện. Sau nhiều tháng cai nghiện, giờ mình không còn cảm giác thèm nữa. Từ lâu rồi, mình không nhớ đến nó nữa”.

Trong bản Pa Mu còn có rất nhiều người được cán bộ Đồn tổ chức cai nghiện thành công như trường hợp của Kim Văn Thạnh. Sau khi tự cai nghiện tại nhà thành công, anh còn cùng cán bộ đồn vào từng nhà có đối tượng nghiện vận động từ bỏ ma túy: “Mình là người nghiện, mình biết tác hại của ma túy nó thế nào. Nhờ có bộ đội giúp đỡ, mình cai thành công. Mình phải góp sức cùng bộ đội giúp đỡ những người nghiện khác từ bỏ hẳn ma túy. Có như thế thì đời sống mới đi lên được”.

Đại úy Vàng A Lử, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hua Bum cho biết: “Bản Pa Mu là một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, nhiều đối tượng từng đi làm ăn xa dính phải ma túy rồi về bản dụ dỗ thanh niên khác nghiện theo. Nhiều năm qua, chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều phương án, kết hợp với chính quyền xã vận động những người nghiện cai nghiện tập trung, nhưng không khả quan, do họ còn e ngại và lo sợ không dám tự giác ra đăng ký. Mình nghĩ chỉ có vào tận nhà, rà từng đối tượng để vận động họ tự giác cai nghiện. Có những hôm, mình xuống địa bàn cùng làm, cùng ăn, cùng ở với gia đình có người nghiện, giúp đỡ họ phát triển kinh tế, lao động sản xuất, sau đó mới vận động người nghiện đi cai. Một lý do khác nữa, mình cũng là con em đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở Lai Châu, nhìn thấy cảnh người dân dính vào tệ nạn ma túy, không đành lòng”.

Đọc thêm