Động đất Haiti: Cơ hội cho tội phạm sinh sôi

Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát, những người may mắn thoát chết trong trận động đất ở Haiti hiện đang phải vật lộn để sống; thậm chí đi cướp của, giành giật nhau từng món đồ cứu trợ, hay tìm cách tháo chạy khỏi thủ đô đầy mùi tử thi. Tội phạm đã là chuyện phổ biến ở Port-au-Prince. Nay sau động đất, nhiều cảnh sát Haiti và nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ đã thiệt mạng hoặc bị thương, cộng thêm vào đó là khoảng 1.000 tù nhân đã thoát khỏi trại giam càng làm cho tình hình trở nên phức tạp.

Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát, những người may mắn thoát chết trong trận động đất ở Haiti hiện đang phải vật lộn để sống; thậm chí đi cướp của, giành giật nhau từng món đồ cứu trợ, hay tìm cách tháo chạy khỏi thủ đô đầy mùi tử thi. Tội phạm đã là chuyện phổ biến ở Port-au-Prince. Nay sau động đất, nhiều cảnh sát Haiti và nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ đã thiệt mạng hoặc bị thương, cộng thêm vào đó là khoảng 1.000 tù nhân đã thoát khỏi trại giam càng làm cho tình hình trở nên phức tạp.

Đất sụp xuống, tội phạm ngoi lên

Hỗn loạn do tình trạng cướp bóc.

Hỗn loạn do tình trạng cướp bóc. 

Khi màn đêm buông xuống bao trùm lên Port-au-Prince – nơi chịu hậu quả tàn phá nặng nề từ cơn động đất – người dân Haiti có thể nghe thấy tiếng súng nổ. “Hậu trường” của trận động đất trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm sinh sôi nảy nở và tìm cách kiếm lời từ các biến động xã hội. Đặc biệt, nhiều tội phạm nguy hiểm đã thoát ra từ các nhà tù sẽ là mối nguy hiểm cho người dân đang quằn quại trong cảnh màn trời chiếu đất.

Vụ động đất có thể đã thay đổi trạng thái “cân bằng quyền lực” vào phút cuối khi nó làm sập hầu hết mọi tòa nhà trong thành phố. Giờ đây, khi các nhu cầu thiết yếu như nước, lương thực và nhiên liệu trở nên cấp thiết, thì việc tuồn hàng cứu trợ ra chợ đen là điều có thể đoán trước được. Nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp nhanh thì rất có thể các băng đảng sẽ thao túng luật pháp ở đây. Người dân Haiti có thể chứng kiến bọn cướp đeo mặt nạ mang súng trường AK-47, cướp bóc khắp Port-au-Prince, “tuần tra” mọi đường phố và kiểm soát nhu yếu phẩm như gạo và xăng.

Các chuyên gia cho rằng, tình hình sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc có bao nhiêu phần tử chủ chốt của các băng tội phạm trốn được khỏi nhà tù trong vụ động đất này. Nếu con số đó không nhỏ, tiếng súng lẻ tẻ về đêm có thể sẽ vọng ra to hơn, thường xuyên hơn. Robert Perito, một chuyên gia về tội phạm ở Haiti của tổ chức phi lợi nhuận Viện Hòa bình Mỹ có trụ sở tại Washington cho biết: “Đây chắc chắn là lý do tại sao quân đội Mỹ đang triển khai lực lượng an ninh bổ sung”. Hơn 4.000 binh lính và chuyên gia dân sự Mỹ đã có mặt tại Haiti, và trong tuần này sẽ bổ sung thêm 6.000 người. Sự có mặt của lực lượng an ninh Mỹ, cũng như lực lượng cảnh sát quân sự đến từ các quốc gia khác, là rất cần thiết cho nỗ lực cứu viện được diễn ra suôn sẻ và an toàn.

Nhiều khu vực tang thương hơn thủ đô

LHQ gọi cuộc khủng hoảng ở Haiti là “tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua”, trong khi những báo cáo đầu tiên từ trung tâm trận động đất hôm 12-1 cho thấy, thiệt hại ở những khu vực khác thậm chí còn bi thảm hơn nhiều ở thủ đô Port-au-Prince.

Khung cảnh ở Leogane, chỉ cách Port-au-Prince 19km về phía tây, cực kỳ tang thương với hàng nghìn người không có nhà ở vì hầu hết các ngôi nhà đều bị phá hủy. David Orr, người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho rằng, hàng chục nghìn người đã chết ở khu vực này. “Có lẽ phải hơn 90% số nhà cửa đã bị phá hủy ở đây. Quân đội cho rằng, có khoảng từ 20.000 đến 30.000 người thiệt mạng”. Nhiều địa điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng lực lượng cứu hộ không thể đến được do các tuyến đường bộ, sân bay, bến cảng bị tàn phá nặng nề hoặc bị đất đá vùi lấp. Trong khi đó, tại thủ đô, những người sống sót đã trở nên tuyệt vọng khi phải đợi lương thực từ các tổ chức quốc tế. Nạn cướp bóc hoành hành và nhiều nơi, người đợi cứu trợ đã xung đột với những nhân viên phân phát đồ cứu trợ.

Người dân cầu cứu sự giúp đỡ.
Người dân cầu cứu sự giúp đỡ.

Cảnh sát Haiti và Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Haiti đã ra lệnh giới nghiêm, bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày 17-1 (theo giờ địa phương) tại thủ đô Port-au-Prince. Theo lệnh giới nghiêm, toàn bộ các phương tiện giao thông không được phép lưu thông trên đường phố, ngoại trừ xe cảnh sát và sĩ quan quân đội hoặc người dân nếu được lực lượng an ninh hộ tống. Các chuyến bay cũng bị cấm từ lúc 6 giờ 22 phút.

Theo số liệu sơ bộ, động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người và con số này có thể lên đến 200.000 người, nửa thành phố nằm trong cảnh đổ nát, gần 3 triệu người dân mất nhà ở và phương tiện sinh sống. Trước mắt là những nguy cơ mới, như những người sống sót có thể bị chết do thiếu lương thực, nước uống, do bệnh dịch và do bàn tay của những kẻ tội phạm. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tới Haiti để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân, những người đang sống trong cảnh khốn cùng và nỗi đau mất mát quá sức chịu đựng. LHQ đang huy động nguồn lương thực để cấp cho ít nhất 40.000 người/ngày và kêu gọi quốc tế viện trợ 562 triệu USD để giúp 3 triệu người Haiti trong 6 tháng. Ngoài ra, một ưu tiên khác của LHQ là điều phối các đợt cứu trợ quy mô lớn do cộng đồng quốc tế gửi đến.

Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon cho biết, theo đề xuất của Pháp, một hội nghị các nhà tài trợ sẽ được tổ chức vào ngày 25-1 tại Montreal của Canada, để thảo luận về nỗ lực tái thiết Haiti sau thảm họa động đất vừa qua. Hội nghị sẽ là cơ hội để đánh giá lại tình hình tại Haiti và bảo đảm rằng LHQ có thể chú trọng vào các nỗ lực quốc tế để trợ giúp người dân Haiti một cách hiệu quả hơn, nhằm đối phó với những thách thức cũng như chuẩn bị cho sự ổn định và tái thiết lâu dài.

GIA HUY

Đọc thêm