Động đất mạnh kéo theo sóng thần ở Nhật Bản

Sáng qua, một trận động đất mạnh 7,1 độ Richter lại xảy ra ở phía Đông Bắc Nhật Bản – nơi từng phải hứng chịu trận động đất và sóng thần kinh hoàng cách đây 4 tháng. Sau khi cảnh báo sóng thần được phát đi, một trận sóng thần có chiều cao 10 m đã ập vào 3 tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima.
Sáng qua, một trận động đất mạnh 7,1 độ Richter lại xảy ra ở phía Đông Bắc Nhật Bản – nơi từng phải hứng chịu trận động đất và sóng thần kinh hoàng cách đây 4 tháng. Sau khi cảnh báo sóng thần được phát đi, một trận sóng thần có chiều cao 10 m đã ập vào 3 tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima.
Trận động đất hôm 11/3 đã tàn phá miền Đông Bắc Nhật Bản.

Trận động đất xảy ra vào lúc 09h57 giờ địa phương (tức khoảng 00h57 GMT, 07h57 giờ Việt Nam). Tâm chấn nằm ở ngoài khơi hòn đảo Honshu của Nhật Bản, dưới độ sâu khoảng 10km. Những thành phố và thị trấn chịu ảnh hưởng của trận động đất này là Morioka, Yahaba, Kurihara, Tome, Tamura và Inawashiro. Sau đó, một trận sóng thần nhỏ đã ập vào 3 tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima - các tỉnh này từng bị ảnh hưởng nặng nề trong trận động đất mạnh 9 độ Richter kéo theo sóng thần dữ dội hồi tháng 3. Theo cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản, chiều cao của sóng thần ở thành phố Ofunato thuộc tỉnh Iwate xảy ra lúc 10h44 là 10 m. Trước đó, khi trận động đất xảy ra, các quan chức Nhật đã lên tiếng cảnh báo sóng thần có thể cao khoảng 50 m tại một số khu vực. Theo BBC, những người sống ở các khu vực cạnh bờ biển đã được cảnh báo phải chạy đi sơ tán.

Cho đến chiều qua, chưa có báo cáo về thiệt hại xảy ra sau trận động đất mới nhất cũng như chưa có báo cáo về những bất thường ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Dù vậy, các công nhân ở nhà máy Fukushima đã được sơ tán, đài truyền hình NHK cho hay. Các sân bay trong khu vực này sáng qua vẫn hoạt động bình thường.

Trận động đất sáng qua được ghi nhận đứng mức thứ 4 trong số 7 cấp độ của Nhật, có nghĩa là nó là một trận động đất mạnh trung bình. Tuy nhiên, do khu vực Đông Bắc của nước này chịu thiệt hại quá nặng nề từ trận động đất và sóng thần hồi tháng 3, nên cơ sở hạ tầng nơi đây vẫn còn rất yếu và không dễ gì đối phó được với một thảm họa mới.

Các khu vực thuộc phía Đông Bắc Nhật Bản từng phải hứng chịu một trận động đất mạnh dữ dội và một trận sóng thần hung dữ hôm 11/3 vừa qua khiến khoảng 23.000 người chết và mất tích, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima.

Mất nhiều thập kỷ khắc phục thảm họa hạt nhân

Về cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima, cuối tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tuyên bố rằng việc khử nhiễm tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có thể sẽ mất hàng chục năm trời. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng này Thủ tướng Nhật nhắc tới một chương trình dài hạn cho chiến dịch khử nhiễm.

Từ sau trận động đất và sóng thần hung dữ hồi tháng 3 vừa qua, hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (số 1) đã bị thiệt hại nặng nề kéo theo sự nóng chảy bên trong 3 lò phản ứng, tạo nên một trong những thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất trên toàn thế giới. Rất đông dân chúng đã buộc phải sơ tán khỏi khu vực này.

Theo Thủ tướng Kan, “sẽ cần 3 đến 5, thậm chí 10 năm mới có thể giành lại sự kiểm soát ở nhà máy Fukushima và thậm chí còn mất nhiều thập kỷ mới khắc phục được những hậu quả của thảm họa này”.

Theo kênh truyền hình NHK, Ủy ban năng lượng nguyên tử Nhật Bản và công ty khai thác nhà máy Fukushima (Công ty Điện lực Tokyo – Tepco) đã thống nhất bắt đầu rút nhiên liệu hạt nhân nóng chảy vào năm 2021. NHK cũng dẫn lời các quan chức Nhật cho hay, phải mất nhiều thập kỷ mới có thể dỡ bỏ được các lò phản ứng hạt nhân.

Nhật Bản đã từng thông báo một chương trình ngắn hạn để ổn định nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi – nơi rò rỉ phóng xạ ở mức cao sau khi hệ thống làm mát bị hư hại. Tuy nhiên, trước ngày 9/7, chính phủ nước này chưa đưa ra bất kỳ đánh giá nào về khoảng thời gian cần thiết diễn ra chương trình khử nhiễm để kết thúc cuộc khủng hoảng.

Về phần mình, Tepco hy vọng giảm lượng phóng xạ rò rỉ ra ngoài từ nay tới cuối tháng 7 và làm mát trở lại các lò phản ứng để chúng có thể ngừng hoạt động từ nay tới tháng 1 năm sau.

Trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng, Bộ trưởng phụ trách việc giải quyết hậu quả của thảm họa hạt nhân Goshi Hosono tuyên bố với hãng Jiji Press rằng, Chính phủ Nhật sẽ thông báo một chương trình khử nhiễm mới và tầm nhìn dài hạn về vấn đề này vào ngày 19/7 tới.

Quang Minh