Đông Hồ, dư vị tết xưa

Tưởng rằng tranh dân gian Đông Hồ đã “tuyệt chủng” giữa nhịp sống hiện đại hối hả, ai ngờ những ngày đầu Xuân Quý Tỵ về thăm làng tranh dân gian xưa, vẫn bắt gặp những nghệ nhân âm thầm cùng con cháu phục dựng nghề truyền thống của cha ông. 

Tưởng rằng tranh dân gian Đông Hồ đã “tuyệt chủng” giữa nhịp sống hiện đại hối hả, ai ngờ những ngày đầu Xuân Quý Tỵ về thăm làng tranh dân gian xưa, vẫn bắt gặp những nghệ nhân âm thầm cùng con cháu phục dựng nghề truyền thống của cha ông. 

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Sam

Dư vị Tết xưa

Làng Hồ hôm nay dù hầu hết người dân đều đã chuyển sang làm nghề vàng mã, một vài gia đình vẫn bất chấp sống chết với nghề như gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (SN 1930). Tuổi ngoài 80, tuổi nghề của ông cũng gần ngang ngửa tuổi đời. Bảy tuổi đã biết giúp cha quết điệp, tô màu, phơi tranh, vừa để ý học thêm, cậu bé hiểu được nội dung ý nghĩa cuả từng bức tranh từ ngày là đứa trẻ. Nào là “Đám cưới chuột” ngụ ý phê phán chuyện kẻ mạnh cậy thế ăn hiếp kẻ yếu, “Đàn lợn âm dương” ước mơ cuộc sống đủ đầy ấm no, “Thiên hạ thái bình” ước mong một cuộc sống thái bình yên ổn, không có chiến tranh loạn lạc… Tranh Đông Hồ đi sâu vào tiềm thức người Việt cũng bởi những ý nghĩa đời thường nhưng sâu xa ấy.

Xưa kia tranh Đông Hồ còn được gọi bằng cái tên tranh Tết. Mỗi năm một lần, cứ vào những ngày 6, 11, 16, 21, 27 tháng Chạp âm lịch, người ta lại tổ chức những buổi chợ phiên chỉ dành để bán tranh. Ông Sam hồi tưởng, những ngày cuối năm chợ tranh làng Hồ nhộn nhịp kẻ bán người mua, không kể sang hèn, nhiều hay ít tiền. Tranh rất rẻ, chỉ một vài hào là có ngay một bức tranh, một ca gạo có thể mua được hàng trăm bức. Người ta mua tranh về không hẳn chỉ để treo cho đẹp, mà chủ yếu để thay đổi không khí, để thể hiện ý nguyện của mình, của gia đình trong suốt một năm. Cuộc sống những ngày ấy phải bươn chải mọi bề mới có được miếng cơm, miếng cháo, cả năm lao động chỉ lo cho ngày Tết, và bức tranh làng Hồ như một phép màu thay đổi không khí u ám của cả năm với những “Thần tài”, “Đàn lợn âm dương”, “Công múa”, “Gà đàn”…

Nhà nào vách nát thì mua tranh về dán tường, vừa đẹp, vừa che gió, vừa có không khí ngày Tết. Những nhà nghèo đói đến mức không lo nổi một bữa cơm cúng ngày Tết thì treo bức tranh ngũ quả lên, cũng là một lời cáo lỗi với tổ tiên. Mỗi bức tranh mua về, gia đình nào giữ khéo thì được mấy năm, nếu bị chuột gặm, gián nhấm thì mỗi năm thay một lần. Ông Sam nhớ lại: “Ngày ấy cuộc sống khó khăn, chỉ một bức tranh cũng đủ làm nên không khí của ngày Tết, cuộc sống thật giản đơn và ý nghĩa làm sao”.

Thời thịnh vượng nhất của dòng tranh này là vào trước những năm 1944. Thủa ấy, 17 dòng họ trong làng Hồ đều mưu sinh bằng nghề vẽ tranh, in tranh. Làng Hồ ngày ấy cứ giáp Tết sân nhà nào cũng căng đầy dây phơi giấy, phơi tranh. Thời cuộc vần xoay, nạn đói năm 1945 khiến người dân chẳng còn ai nghĩ đến việc mua tranh, chơi tranh. Rồi chiến tranh bùng nổ, người dân làng Hồ lũ lượt kéo nhau đi di tản, hàng vạn bản khắc gỗ buộc phải bỏ lại, nghề tranh cũng vì thế mà lụi tàn dần.

Hòa bình lập lại, dân làng Hồ trở về quê cũ khi thị hiếu người dân không còn chuộng tranh Đông Hồ. Dù đã được Nhà nước quan tâm phục dựng, dù những nghệ nhân cũng không ngừng thay đổi, mày mò tái hiện thực tế, cho ra đời nhiều bản khắc gỗ mới, từ những câu chuyện nổi tiếng người ta hay tìm đọc như bộ tranh “Tam Quốc”, “Thạch Sanh”…; chân dung những vị anh hùng dân tộc Bà Triệu, Quang Trung, Hai Bà Trưng…; những vấn đề “thời sự” như “Hội Lim”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”… Tranh vẫn không bán được, cuộc mưu sinh bị đe dọa, người dân đành phải chuyển sang làm công việc khác. “Ngẫm lại đến ngày nay, cuộc sống đủ đầy khiến nhiều người quên mất đi những nếp cũ xa xưa. Cũng vì thế mà một nét văn hóa ngày Tết mai một dần”, nghệ nhân bùi ngùi.

Một số dụng cụ sản xuất tranh Đông Hồ

Người giữ hồn tranh Đông Hồ

Thời hoàng kim đã qua, nhưng với tấm lòng tâm huyết tin chắc nghề tao nhã này sẽ không bao giờ mất đi, những giá trị xưa cũ không thể mai một, chỉ chờ cơ hội là sống dậy, ông quyết tâm bám trụ với nghề, còn chỉ dạy cho các con, hướng các con đi theo nghề truyền thống. Thấy cảnh người ta mang những tinh hoa, tâm huyết của cha ông ra chẻ làm củi đun, ông đau lòng khôn xiết, năn nỉ xin mua những bức tranh cổ, những bản khắc gỗ cổ… Hiện nhà ông cũng là “kho tư liệu” lưu giữ hàng nghìn bức tranh Đông Hồ, hàng trăm bản khắc gỗ in tranh, đẩy đủ bốn loại in tranh truyền thống - vẽ tranh - vừa in vừa vẽ và khắc bản gỗ.

Nghệ nhân chia sẻ về “công nghệ” làm tranh dân gian: Tranh được làm bằng giấy dó, loại giấy làm từ vỏ cây dó rất bền, chất liệu giấy xốp nên dễ bắt màu, dễ hút ẩm và thoát ẩm. Giấy dó mua về được bồi (quết) một loại hỗn hợp từ bột vỏ con điệp và hồ nếp, tạo cho giấy có màu trắng với lấp lánh những mảnh điệp nhỏ. Nếu muốn giấy màu đỏ thì bồi thêm màu đỏ (sau khi đã bồi một lớp điệp), màu vàng thì bồi thêm màu vàng… Thường thì giấy vẽ tranh chủ yếu là màu trắng, màu vàng, màu cam. Các màu này hoàn toàn được lấy tự nhiên, không pha màu hóa chất. Màu đỏ làm từ sỏi son, màu trắng từ vỏ con điệp giã nhỏ, màu đen từ lá tre đốt, màu vàng từ hoa hòe phơi khô, màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm. Năm màu chủ đạo này sẽ được pha thành nhiều màu khác nhau. Các bản gỗ khắc tranh được làm bằng gỗ thị; là loại gỗ dai, quánh, khi khắc kể cả những nét rất nhỏ cũng không bị vỡ.

Những phiên chợ làng Hồ người người chen chân bên muôn vàn sắc màu tranh dân gian nay đã chỉ còn trong ký ức nghệ nhân già. Cứ mỗi năm, những ngày giáp Tết, nghệ nhân già nhớ về ngày xưa cũ lại run run bàn tay lần tìm những bản khắc gỗ khi vắng khách, hay hồ hởi vui mừng tiếp chuyện những du khách hoài cổ tìm về Đông Hồ xem lại một nét Tết xưa. Vui hơn nữa khi không ít vị khách người nước ngoài cũng tìm đến, rồi những đơn đặt hàng từ trời Tây xa xôi nào đó, chứng tỏ một nét văn hóa độc đáo Việt Nam đã đến tầm quốc tế. Ông lão lại thêm động lực quyết tâm bám trụ với nghề, với hành trình sưu tầm bản khắc gỗ, lại mơ ước một ngày nào đó “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”…

Nguyễn Lan

Đọc thêm