Đồng Nai: Chiếm đoạt 2,8 mẫu đất từ hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng?

(PLVN) - Cho rằng sau một lần bí bách phải đi vay nóng và “sập bẫy” hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng đất của đối tượng cho vay, ông Lộc sợ đến bạc tóc, bảy năm nay liêu xiêu. Sự việc xảy ra tại Đồng Nai, hiện đang được TAND tỉnh thụ lý chờ ngày xét xử lại.
Khu đất hiện đã bị các đối tượng san ủi toàn bộ phần cây cối, chuồng heo và ao nuôi cá, bất chấp việc cha con ông Lộc ngăn chặn
Khu đất hiện đã bị các đối tượng san ủi toàn bộ phần cây cối, chuồng heo và ao nuôi cá, bất chấp việc cha con ông Lộc ngăn chặn

Muốn vay tiền, phải “giả cách” chuyển nhượng đất

Theo trình bày của ông Phạm Vĩnh Lộc (SN 1962, ngụ khu phố 4, phường Bửu Long, TP Biên Hòa), năm 2012 gia đình làm ăn thua lỗ, ông và con trai Phạm Vĩnh Khang (SN 1986) tìm đến vay bà Lê Thị Kim Thanh (SN 1980, ngụ phường Long Bình Tân) số tiền 1,1 tỷ, lãi suất 5%/tháng.

Để “làm tin”, hai bên giả cách ký hợp đồng anh Khang chuyển nhượng cho bà Thanh thửa đất gần 28 ngàn m2 (thửa đất số 800, tờ bản đồ số 12, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). Thửa đất này vốn của vợ chồng ông Lộc mua từ nhiều năm trước, sau đó tặng cho con trai.

Kèm theo văn bản “chuyển nhượng” trên, trong vụ việc này còn có một loại văn bản “kỳ dị” khác kèm theo, là “Giấy cam kết hợp đồng chuyển nhượng”, có nội dung bà Thanh “đồng ý cho anh Khang gia hạn thời gian 3 tháng. Trong thời gian gia hạn anh Khang có nhu cầu mua lại thì bà Thanh cam kết bán theo giá thỏa thuận là (không ghi - NV). Nếu hết thời gian gia hạn thì bà Thanh sẽ lập thủ tục sang tên...”.

Ông Lộc cho hay, sau khi vay tiền và lập những văn bản trên, khi về nhà hai cha con mới giật mình sợ những rủi ro. Thế nên ông quyết định mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng lấy tiền trả bà Thanh vào ngày 26/11/2012. Do sổ đỏ lúc này bà Thanh giữ, nên cha con ông phải mượn. Khi đến ngân hàng, thấy bà Thanh cùng người thân “kè kè” đi theo cha con ông Thanh, ngân hàng sinh nghi, không cho vay nữa.

Tới lúc này, phát hoảng nhận ra nguy cơ mất đất, cha con ông Lộc chạy vạy khắp nơi mượn tiền mang trả bà Thanh. Tuy nhiên lúc này bà Thanh không đồng ý, cho rằng hai bên không có quan hệ vay mượn gì, mà số tiền hơn 1 tỷ đó là tiền mua bán gần 28 ngàn m2 đất. Ông Lộc cho rằng: “Vì giá đất thời điểm đó bất ngờ tăng cao, người cho vay nổi lòng tham, mới xoay ra cho rằng hợp đồng giả cách là hợp đồng thật, nhằm chiếm đoạt đất nhà tôi”.

Anh Khang khởi kiện ra Tòa án huyện Trảng Bom, đề nghị tòa hủy hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng nêu trên, buộc bà Thanh trả lại sổ đỏ. Với số tiền vay bà Thanh và lãi phát sinh, anh xin thanh toán đầy đủ theo quy định pháp luật.

Tại phiên sơ thẩm ngày 29/7/2015, HĐXX chấp nhận yêu cầu của anh Khang, tuyên “hợp đồng chuyển nhượng” giữa hai bên vô hiệu, buộc bà Thanh trả lại sổ đỏ cho anh Khang. Cha con ông Lộc thở phào, cho hay “vui mừng vì tưởng đã thoát được bẫy của người cho vay”. Tuy nhiên bà Thanh kháng cáo bản án.

Tại phiên phúc thẩm, VKSND tỉnh Đồng Nai chỉ ra thêm một điểm vô lý trong “hợp đồng chuyển nhượng” giữa hai bên là “khi ký hợp đồng thì trên thửa đất đã có tài sản, nhưng các bên không thỏa thuận việc chuyển nhượng tài sản, nên hợp đồng thuộc trường hợp có đối tượng không thể thực hiện được, bị vô hiệu”. VKSND tỉnh nhận định: “Cấp sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng là có căn cứ, kháng cáo của bà Thanh không có cơ sở chấp nhận”.

Trái ngược quan điểm trên của VKSND tỉnh, TAND tỉnh Đồng Nai lại tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Khang. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Thanh. Buộc hai bên tiếp tục thực hiện “hợp đồng chuyển nhượng đất”. Cha con ông Lộc không chấp nhận phán quyết này, đâm đơn kêu cứu khắp nơi.

Ông Lộc cho hay, một lần dại dột “sập bẫy” người cho vay, sợ tới già
Ông Lộc cho hay, một lần dại dột “sập bẫy” người cho vay, sợ tới già

Bản án của tòa tỉnh bị TAND cấp cao hủy bỏ

VKSND cấp cao tại TP HCM sau đó có kháng nghị giám đốc thẩm, nhận định “đủ cơ sở xác định giữa hai bên không có giao dịch chuyển nhượng đất mà là giao dịch vay tiền. Việc hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng đất là giả tạo, che giấu hợp đồng vay tài sản. Tòa sơ thẩm tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu là đúng quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2005…

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định hợp đồng chuyển nhượng có giá trị về mặt pháp lý để công nhận hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên (…) là chưa đánh giá đúng những tình tiết chứng cứ trong vụ án. Bởi vì: Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, anh Khang đã có tranh chấp yêu cầu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ngăn chặn việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bà Thanh và khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu”. 

Vẫn theo VKSND cấp cao, mặt khác, theo thẩm định giá của cơ quan chức năng, tổng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên thửa đất là hơn 6,7 tỷ, nhưng hai bên chỉ thỏa thuận “chuyển nhượng” giá hơn 1 tỷ là chưa đúng giá trị thực tài sản, không phù hợp thực tế.   

Cuối tháng 9/2017, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên giám đốc thẩm về vụ việc, nhận định “Toà cấp phúc thẩm giải quyết vụ án chưa toàn diện”. Theo TAND cấp cao, các tài liệu trong vụ án thể hiện tổng giá trị tài sản trên đất và quyền sử dụng đất cao hơn gấp 5 lần giá trị chuyển nhượng theo hợp đồng: “Do đó, đủ cơ sở xác định giữa hai bên không có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà là giao dịch vay tiền. Việc hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng đất là giả tạo che giấu hợp đồng vay tiền”. HĐXX chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND cấp cao, hủy bản án phúc thẩm của TAND Đồng Nai, giao hồ sơ vụ án cho địa phương để xử sơ thẩm lại theo quy định pháp luật. Được biết TAND Đồng Nai hiện đã mời các bên tới làm việc, chuẩn bị cho phiên xử sắp tới.

Ông Lộc cho hay, một lần dại dột “sập bẫy” người cho vay, ông sợ tới già. Lần “sập bẫy” của ông còn kéo theo vô vàn hệ lụy khác, vì sau khi có bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai (đã bị TAND cấp cao tuyên hủy – NV), bà Thanh không hiểu bằng cách nào mà đã sang tên được sổ đỏ từ gia đình ông sang tên bà. Sự việc chưa dừng lại khi chỉ sau đó ít ngày bà Thanh lại tiếp tục sang tên cho một người phụ nữ khác tên Hương. Theo ông Lộc, những lần sang tên này là trái pháp luật, có dấu hiệu làm sai quy định của một số cán bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chưa hết, khu đất của gia đình ông Lộc hiện đã bị các đối tượng san ủi toàn bộ phần cây cối, chuồng heo và ao nuôi cá, bất chấp việc cha con ông Lộc ngăn chặn. Khi PV đến thực địa, một người đàn ông tên Trường tự xưng là người mua đất từ bà Hương tiến đến, nói rằng ông “đã mua đất hợp pháp, có đủ giấy tờ và để bà Hương đứng tên giùm”. Ông này cho rằng: “Tôi để bà Hương đứng tên 100 năm vẫn được. Còn tài sản của tôi là hợp pháp, không ai vào đây lấy được cả”.

Trước thực tế nêu trên, ông Lộc kiến nghị cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm sự việc, tránh để việc các đối tượng tiếp tục sang tay mảnh đất của gia đình ông, tiếp tục gây thêm những rắc rối khó giải quyết. 

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến giải quyết sự việc.

Đọc thêm