[links()] Trong khi Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thì “kiểu làm” của các cấp chính quyền tại Đồng Nai đang khiến dư luận nghi ngại tạo ra những vết “dơ” hay tiền lệ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư trong nước.
Trang trại bò sữa của Lothamilk |
Liệu có luật riêng?
Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh Đồng Nai với Lothamilk và bà Wang Juo Hsuan đã thể hiện rõ nhiều bất cập. Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự thì “Người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để minh chứng cho sự cần thiết cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Thế nhưng, Dofico đã không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh rằng bà Wang Juo Hsuan chuyển nhượng, tẩu tán tài sản, sử dụng con dấu sai mục đích, đình trệ sản xuất, kinh doanh… Còn tại Điều 164 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, việc áp biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đảm bảo các yếu tố như do tình thế khẩn cấp; cần phải bảo vệ ngay bằng chứng trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này có thể thu thập không được; ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra…
Với vụ việc tại Lothamilk, cơ quan chức năng đang giải quyết và phía bà Wang Juo Hsuan đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, VKSNDTC và các bộ ngành liên quan để làm rõ vụ việc thì liệu có thuộc những yếu tố cần thiết để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?
Liên quan đến 22% CP của Dofico, VKSNDTC đã khẳng định là vi phạm pháp luật nên quyền đòi hỏi về quyền lợi của Dofico tại Lothamilk cũng chưa thể có; do đó, biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của Dofico cũng là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngay việc yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bên yêu cầu phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá trị do Tòa án ấn định, nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện, để bảo vệ quyền lợi của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn chặn sự lạm quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người yêu cầu,… song trong quyết định số 69 và 70/2012/QĐ-BPKCTT của TAND tỉnh Đồng Nai đã không thể hiện điều này, vi phạm những qui định tại các khoản 6,7,8,10 và 11 Điều 102 của Bộ luật Dân sự. Với những quyết định của cơ quan chức năng tại Đồng Nai thì phải chăng, nơi đây đang có những “luật riêng” của mình?
“Cướp” trắng doanh nghiệp
Ngày 7/12/2012, ông Nguyễn Tử Mục - người đại diện pháp luật theo giấy chứng nhận đầu tư mới số 471033000125 - tự ra thông báo về việc thay đổi tên người đại diện theo pháp luật và đăng ký mẫu dấu mới với nội dung: Người đại diện theo pháp luật cũ ông Wang Tai Shan – chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật mới là ông Nguyễn Tử Mục - chức danh Chủ tịch HĐQT Lothamilk. Việc thay đổi này được thông báo rộng rãi trên thông tin đại chúng. Như vậy, bằng những hậu thuẫn “đặc biệt lạ”, Dofico đã “cướp” trắng Lothamilk từ phía đối tác liên doanh?
Thực tế, tại điểm b, mục 12.3, Điều 12 của Hợp đồng Liên doanh có nêu rõ: “Mỗi bên còn thỏa thuận, bảo đảm và cam kết rằng trong thời gian hiệu lực của hợp đồng sẽ không tham dự vào việc thành lập bất cứ công ty liên doanh và/hoặc hợp đồng li-xăng kỹ thuật nào với bên thứ ba khác”. Điều 4, Chương I của Điều lệ Công ty Liên doanh cũng nêu rõ: “Trong quá trình hoạt động, công ty phải tuân thủ luật của nước CHXHCN Việt Nam và các điều khoản, điều kiện quy định trong hợp đồng, trong điều lệ này”. Như vậy, các cấp chính quyền tại Đồng Nai đã không dựa trên căn cứ, quyết định tại hợp đồng của liên doanh.
Những kiểu hành xử lạ lùng này ở Đồng Nai đã, đang gây hậu quả nghiêm trọng, làm ngưng trệ các hoạt động hợp pháp của Lothamilk: không thể giao dịch khách hàng vì không thể sử dụng con dấu, không thể thanh toán nguyên liệu đầu vào trong cũng như ngoài nước vì tài khoản bị phong tỏa. Theo ước tính, từ đầu tháng 11 đến nay, con số thiệt hại về tiền lên đến khoảng 4 tỷ đồng.
Về xã hội, hơn mười năm qua, hàng trăm hộ nông dân với hàng nghìn lao động thường xuyên nuôi bò và cung cấp bò sữa cho Lothamilk nhưng đến nay đã bị ngưng trệ, đang đẩy họ vào thế điêu đứng. Đặc biệt, uy tín, thương hiệu của Lothamilk đang bị hủy hoại khi đã dày công tạo dựng hàng chục năm nay.
Ít ai có thể đoán định được Lothamlik rồi sẽ đi về đâu? Liệu đây có phải là một “vết dơ” không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà còn ảnh hưởng chung đến thu hút đầu tư FDI của cả nước mà Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI. Dư luận đang cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, giải quyết dứt điểm vụ việc này./.
Đoàn Công