Đồng Nai: Người tâm thần vừa bị hạ nhục, vừa bị tuyên án oan sai?

(PLO) - Ông Chiến bị tâm thần, bị Tòa án tỉnh Tiền Giang tuyên mất năng lực hành vi dân sự. Trong thời gian chữa bệnh ngoại trú, ông Chiến gây ra một vụ án cố ý gây thương tích. Rắc rối phát sinh từ đây.
Bị cáo và hai con được gặp mặt trong lúc phiên tòa bị hoãn

Ngày 15/8, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích do Nguyễn Hùng Chiến (SN 1979, ngụ TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) thực hiện. Phiên tòa phúc thẩm đã phải tạm hoãn để triệu tập người bị hại. Trong phiên tòa sơ thẩm trước đó, ông Chiến bị TAND thị xã Long Khánh tuyên phạt 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích. 

Nhổ bọt vào cốc bia bắt người khác uống 

Trước đây, vào năm 2006, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự. Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2001, ông Chiến bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não.

Sau tai nạn, ông Chiến có nhiều biểu hiện bất thường như nóng nảy thiếu kiềm chế, rối loạn hành vi, nhiều lần đe dọa, gây thương tích cho những người xung quanh. 

Nghi ngờ bị tâm thần, người thân làm đơn đề nghị tòa án TX. Gò Công tuyên “mất năng lực hành vi dân sự”. Ông Chiến được đưa đi giám định tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần thuộc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang.

Đến ngày 26/5/2006, TAND TX. Gò Công tuyên bố ông Chiến “mất năng lực hành vi dân sự” và cho đến nay chưa có quyết định nào tuyên hủy hoặc cho thấy ông Chiến đã khỏi bệnh.

Ông Chiến được người nhà đưa đến Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa) điều trị theo diện ngoại trú. Mỗi tháng, ông Chiến được cấp thuốc và tái khám theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Trong thời gian điều trị ngoại trú, ông Chiến lại tiếp tục gây ra một vụ án “cố ý gây thương tích”. Người bị hại là ông Nguyễn Hiệp Thành (SN 1957, ngụ xã Bình Lộc, TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) bị thương tích 67% tạm thời.

Theo điều tra, thời gian đó ông Chiến lên Long Khánh chuẩn bị làm công, hái chôm chôm cho một người bà con. Khoảng 20h ngày 28/6/2012, ông Chiến cùng anh Lê Thanh Hùng (anh em bạn dì) ngồi uống bia tại nhà anh Hùng ở xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Lúc này, ông Thành đến chơi và ngồi vào bàn nhậu chung. Thời điểm đến, ông Thành đã có những biểu hiện say xỉn.

Theo nhân chứng, trong lúc nhậu, ông Thành có hỏi: “Mày là thằng trôi sông lạc chợ nào đến đây. Mày có biết tao là giang hồ Bình Thạnh hay không”? Ông Thành tiếp tục khui một lon bia rót vào ly uống một ít và nhổ nước bọt vào ly bia.

Ông Thành đưa và bắt ông Chiến phải uống hết ly bia có nước bọt của mình. Ông Chiến không đồng ý nên hai bên có xảy ra cự cãi, mâu thuẫn. Sự việc dừng lại do có nhiều người can ngăn. Ông Thành ra về, còn ông Chiến dẹp bàn nhậu vào nhà anh Hùng chuẩn bị đi ngủ.

Đến khoảng 21h30 cùng ngày, ông Thành tới nhà anh Hùng mua thuốc lá và tìm ông Chiến nói chuyện. Ông Thành la lớn: “Thằng Chiến đâu rồi, thằng Chiến đâu rồi, chấp 10 thằng tao cũng đánh”. Lúc này ông Chiến ở trong nhà nghe thấy tiếng ông Thành nên chạy xuống bếp lấy 1 cây rựa ra cự cãi với ông Thành.

Ông Thành cầm chậu kiểng ném nhưng không cầm nổi vì đã say. Sau đó, ông Thành xông vào định đánh thì bị ông Chiến dùng rựa chém từ trên xuống. Ông Thành đưa tay trái lên đỡ thì bị rựa chém trúng, đứt lìa cổ tay trái, đứt vành tai trái, bị thương má trái.

Ông Thành được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó được giám định thương tích với kết quả tỷ lệ thương tật toàn bộ là 67% sức khỏe tạm thời. Còn ông Chiến sau khi gây án, vứt hung khí trên đường từ nhà anh Hùng ra bến xe Long Khánh, bắt xe đò về Gò Công, được người nhà đưa đến công an đầu thú.

 Luật sư bào chữa miễn phí cho hay bị cáo có con nhỏ, nay sống nhờ gánh cháo vỉa hè của bà nội

Rắc rối giám định tâm thần 

Trong quá trình điều tra, phát hiện bị can có chứng nhận tâm thần, cơ quan tố tụng TX. Long Khánh ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần lần 1.

Viện giám định pháp y tâm thần trung ương II phân viện phía Nam (Biên Hòa, Đồng Nai) kết luận ông Chiến bị “rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn, tại thời điểm gây án và hiện nay có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh”.

Tiếp đó, cơ quan tố tụng tiếp tục hướng dẫn ông Thành đến tòa án TX. Gò Công nộp đơn đề nghị hủy bỏ quyết định “mất năng lực hành vi dân sự” đã tuyên vào năm 2006.

TAND TX. Gò Công thụ lý, tiến hành đưa ông Chiến đến Trung tâm giám định pháp y tâm thần thuộc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang để giám định về năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên kết luận giám định của đơn vị này thể hiện ông Chiến bị “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, không đủ năng lực hành vi dân sự”.

Căn cứ vào kết quả giám định này, vào ngày 20/3/2013, TAND TX. Gò Công không chấp nhận yêu cầu của ông Thành. Không đồng ý, ông Thành kháng cáo. Trong phiên phúc thẩm ngày 3/7/2013, TAND tỉnh Tiền Giang không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Thành và tuyên y án sơ thẩm, tức ông Chiến vẫn là người mất năng lực hành vi dân sự.

Ông Thành không đồng ý với phán quyết của tòa án hai cấp ở Tiền Giang nên có đơn khiếu nại. Ngày 23/4/2014, Cơ quan điều tra Công an TX Long Khánh đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần lần 2 với ông Chiến tại Viện giám định pháp y tâm thần trung ương II phân viện phía Nam (Biên Hòa, Đồng Nai). Cơ quan này vẫn bảo lưu kết quả giám định lần 1. Sau kết quả này, ông Chiến bị bắt tạm giam.

Dựa vào kết quả giám định tâm thần lần 2, TAND TX. Long Khánh mở phiên sơ thẩm lần 1, cáo buộc ông Chiến phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, điều 104. Ông Chiến bị tuyên án 5 năm tù giam. 

Không đồng ý, người nhà của ông Chiến kháng cáo. Sau đó, TAND tỉnh Đồng Nai đã hủy bản án sơ thẩm vì mâu thuẫn kết quả giám định của 2 cơ quan giám định trên.

Hồ sơ được trả về, cơ quan tố tụng TX. Long Khánh vẫn không làm rõ được mâu thuẫn giữa hai kết quả giám định. Phiên sơ thẩm lần 2, TAND TX. Long Khánh nhận định rằng TAND tỉnh Tiền Giang tuyên bố ông Chiến mất năng lực hành vi dân sự, nghĩa là bị cáo chỉ bị mất khả năng xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự.

Tuy nhiên khi thực hiện hành vi gây án, các cơ quan chức năng đã tiến hành trưng cầu giám định và có đủ cơ sở để kết luận ông Chiến có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình gây ra. Vì thế, tòa tuyên phạt ông Chiến 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Đại diện hợp pháp của ông Chiến kháng cáo. Nhiều lần hoãn, phiên phúc thẩm lần 2 dự kiến sẽ mở lại vào tháng 9 này.

Được biết, gia đình ông Chiến thuộc hộ nghèo. Từ khi bị cáo bị tâm thần, vợ bỏ đi để lại hai con nhỏ. Đến nay, hai đứa nhỏ đang sống với bà nội nhờ vào quán cháo vỉa hè ở TX. Gò Công. Bị cáo được luật sư Trần Bá Học (Đoàn LS TP HCM) tham gia bào chữa miễn phí.

Tranh cãi về bản giám định tâm thần:

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư TP HCM): Trước khi gây án, TAND TX. Gò Công đã ra bản án tuyên bố ông Chiến là người mất năng lực hành vi dân sự, bản án đang có hiệu lực và chưa bị hủy bỏ. Sau khi ông Chiến gây án, TAND tỉnh Tiền Giang vẫn xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự của Chiến. 

Về góc độ pháp lý, bản án đã có hiệu lực pháp luật nên ông Chiến là người mất năng lực hành vi dân sự do mắc bệnh tâm thần.

Theo Điều 13 Bộ luật hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Vì vậy, ông Chiến không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngược lại, theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM): Thuật ngữ mất năng lực hành vi dân sự và không có năng lực trách nhiệm hình sự là hoàn toàn khác nhau.

Thuật ngữ mất năng lực hành vi dân sự áp dụng trong giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, còn thuật ngữ không có năng lực trách nhiệm hình sự áp dụng trong pháp luật hình sự, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự. 

“Đây là một vụ án hình sự, nên mọi hoạt động tố tụng phải tuân theo Bộ luật tố tụng hình sự, việc xác định một người có hay không năng lực chịu trách nhiệm hình sự phải được giám định theo thủ tục của bộ luật này.

Kết quả giám định và bản án tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người đại diện hợp pháp, không phải là nguồn chứng cứ để áp dụng trong quá trình tố tụng hình sự”, luật sư Hưng nhận định.

Đọc thêm