Sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đến ngày 2-2-2011 (30 tháng Chạp Canh Dần) thời tiết bắt đầu ấm, nền nhiệt độ cao dần, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Ngay từ ngày 6-2-2011 (mồng 4, 5 Tết Tân Mão), ở các địa phương trong tỉnh, nông dân đã hối hả vào vụ. Dọc theo quốc lộ 10 và các tuyến giao thông chính về phía bắc và phía tây của tỉnh, qua các xã vùng đồng màu Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái, Trung Thành, thị trấn Gôi (Vụ Bản); Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Đồng, Yên Dương… (Ý Yên), nông dân đổ ra đồng trồng lạc xuân. Khí thế xuống đồng trồng lạc xuân còn có ở các xã Nam Hồng, Nam Dương, Nam Hoa, thị trấn Nam Giang (Nam Trực); các xã Giao Thịnh, Giao Yến, Giao Phong, thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ); thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Ngoài trồng lạc, nông dân các xã Giao Phong, thị trấn Quất Lâm, thị trấn Thịnh Long… còn đang làm đất để trồng vụ dưa hấu Hắc Mỹ Nhân mà mấy năm nay nguồn thu từ cây dưa hấu thường đạt 4 triệu đồng/sào/vụ (trên 100 triệu đồng/ha)...
|
|
Xã viên HTX Minh Tân và HTX Đại Đê (Vụ Bản) che phủ ni-lông chống rét cho mạ xuân.
Ảnh: Dương Đức
|
Dọc theo tuyến tỉnh lộ 490C, tuy vùng cánh đồng cao của các xã Nam Vân (TP Nam Định), Nam An, Hồng Quang (Nam Trực) nước mới đạt xoải nền, nhưng ở các xã Nam Dương, Bình Minh… nước đã trắng một màu. Trên cánh đồng ngay cạnh trụ sở mới của UBND xã Nam Dương, chiếc máy làm đất mini của anh Vũ Xuân Dương, thôn Phượng đang bừa ngả đất. Anh Dương cho biết: “Tôi xuống đồng từ hôm mồng 4 Tết, nghỉ đêm ngay tại lều di động để phấn đấu bừa xong 4 mẫu ruộng này rồi tiếp tục đến các cánh đồng khác. Trên cánh đồng của các xã Đồng Sơn, Nam Thái… (Nam Trực); Nghĩa Thái, Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Trực Khang, Trực Thuận (Trực Ninh)…, hàng trăm máy làm đất cỡ trung và cả chục máy MT2 đang phăm phăm làm đất. Đồng ruộng phẳng phiu và lênh láng nước sau khi được bừa ngả.
Trước đó, vào đêm 28 Tết, chúng tôi cùng với lãnh đạo Sở NN-PTNT xuống các cống lấy nước dưới đê sông Đáy để kiểm tra việc lấy nước đổ ải. Chứng kiến các thủ cống túc trực đo độ mặn, đo độ chênh giữa sông và trong đồng để “gạn” từng dòng nước ngọt, 2, 3 giờ sáng mới mở cống lấy nước sau khi các hồ thủy điện xả nước, cống Bình Hải II đã mở lấy nước 10-11 tiếng đồng hồ. Các cống Tiền Phong, Quỹ Nhất khi chưa xả nước ở các hồ thuỷ điện, nước mặn dâng cao, phải từ đêm 30 đến mồng 2 Tết nước ngọt mới về. Đến nay 100% diện tích ở khu vực này đã có nước và đủ nước. Cũng vào thời điểm này, đồng ruộng của xã chân sóng Nam Điền, Nghĩa Thắng, Nông trường Rạng Đông… đã thau chua, rửa mặn được 2-3 lần. Ở 9 cống lấy nước phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản: 5 cống thuộc vùng đất mới Cồn Xanh, 4 cống của Nam Điền, Đông Nam Điền cũng được mở rộng để lấy nước mới từ biển vào chuẩn bị cho vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2011.
Về đến Hải Hậu, mặc dù là ngày nghỉ bù nhưng cả 8 cụm sản xuất đều tổ chức giao ban. Tại cống Múc 2, anh Đỗ Như Hùng, thủ cống và là cụm trưởng cụm Tân Phương cho biết: “Khi các hồ chưa xả nước chống hạn, ngày cao nhất chúng tôi chỉ mở cống lấy nước được 2-4 giờ. Đêm 30 và các ngày 1, 2 Tết, tại cống Múc 2 chúng tôi mở lấy nước được 10 giờ. Hiện tại 2.033,7ha của 7 HTX trong cụm đã đủ nước, 100% diện tích nay đều đã được thau chua rửa mặn và đã bừa được 1.723ha, đạt gần 85% diện tích gieo cấy…”. Anh Lê Văn Cẩn, Phó giám đốc Cty TNHH một thành viên KTCTTL Hải Hậu phụ trách 8 HTX miền Anh Minh cũng phấn khởi cho biết trên 1.536ha của miền đã đủ nước, 84% diện tích đã bừa xong, mạ gieo đã cơ bản đủ, chỉ có 4ha của xã Hải Trung và Hải Minh là không gieo vì các xã này tổ chức gieo sạ hàng. Ở Hải Hậu, ngoài 10.530ha cấy lúa, vụ xuân này các xã còn tổ chức chuyển đổi 176ha sang trồng cây màu và 88ha sang nuôi thủy sản.
Ở huyện Giao Thuỷ, từ thị trấn Quất Lâm về Ngô Đồng, đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí sôi động trong sản xuất vụ xuân. Trên vùng đất màu, nông dân hối hả trồng lạc, đậu…, dưới cánh đồng cấy 2 vụ lúa máy cày đang bừa ngả. Cùng chúng tôi ra tận vùng cửa Ba Lạt - vùng có cốt đất cao nhất và là cuối nguồn tưới nên tất cả các máy bơm đều hoạt động để lấy nước, anh Hoàng Nghi Hữu, cán bộ Phòng Quản lý nước, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thuỷ cho biết: “Chỉ còn 850ha vùng này và một diện tích nhỏ của thị trấn Ngô Đồng, Hoành Sơn, chưa đủ nước. Cty đã có kế hoạch bơm tát cho từng vùng để đủ nước làm đất và cấy lúa xuân”. Như vậy, đến nay 80% diện tích cây lúa xuân của huyện Giao Thuỷ đủ nước, 100% diện tích mạ đã gieo xong, 45% diện tích đã được bừa, gần 60% diện tích được bố trí cấy giống lúa lai Dưu 527, TX111… Huyện sẽ phát động cấy gọn lúa xuân trong 9 ngày (từ 17 đến 25-2-2011).
Ở huyện Xuân Trường, từ ngày 16-1-2011, các địa phương trong huyện đã huy động 43 máy bừa lớn, 332 máy bừa nhỏ xuống đồng làm đất. Hiện tại trên các cánh đồng, các máy bừa lồng vẫn đang miệt mài làm đất. Toàn huyện đã bừa được 4.372ha, đạt 73% diện tích. 6 xã đã kết thúc bừa lồng, thực hiện “ruộng chờ mạ” là Xuân Thượng, Xuân Châu, Xuân Phương, Xuân Bắc, Xuân Hoà, Xuân Thuỷ.
Chúng tôi gặp đoàn công tác của Sở NN-PTNT đi kiểm tra sản xuất vụ xuân. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó giám đốc Sở cho biết: Đến hết ngày 6-2-2011, toàn tỉnh đã có 62.931ha được đổ ải, bằng 79,8% diện tích cấy lúa vụ xuân; trong đó các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã cơ bản đủ nước, các huyện khác đều đạt 63% đến 92% diện tích đủ nước. Riêng huyện Nam Trực có khó khăn hơn, mới đạt 41%, nhưng chỉ vài hôm nữa là tất cả diện tích sẽ đủ nước vì hệ thống các trạm bơm đều được cung ứng điện đủ. Toàn tỉnh đã bừa lồng được 40.900ha, bằng 53% kế hoạch; gieo 4.866ha mạ, bằng 63% và sẽ hoàn thành ngay trong ngày 7-2-2011. Những diện tích mạ gieo từ ngày 25 đến 31-1-2011 chủ yếu của các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc… được che phủ ni lon đúng kỹ thuật, hiện đã đạt 1,5-2 lá, đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Dọc theo các xã thuộc huyện Trực Ninh máy làm đất rải khắp cánh đồng, nhiều hộ nông dân đang chăm sóc mạ. Hơi ấm mùa xuân đang tiếp sức cho đồng ruộng thêm xuân, thêm những mùa vàng ấm no./.
Tất Thắc