Đột phá từ nhân lực

“Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao” là hướng đột phá xếp cuối cùng trong 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015 được Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố xác định. Nhưng đây lại là yếu tố mang tính quyết định đến thành công của 4 hướng đột phá còn lại cũng như sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng trong thời gian đến.

“Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao” là hướng đột phá xếp cuối cùng trong 5 hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng giai đoạn 2010-2015 được Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố xác định. Nhưng đây lại là yếu tố mang tính quyết định đến thành công của 4 hướng đột phá còn lại cũng như sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng trong thời gian đến.

Học viên tốt nghiệp khóa thứ 2 Đề án 89 ghi tên nhận nhiệm sở công tác.   Ảnh: N.THÀNH

Xây dựng đội ngũ cán bộ chính quy

Chỉ mấy ngày trước Đại hội lần thứ XI của Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy đã tổ chức một hoạt động được cho là quan trọng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở của thành phố; đó là bế giảng và phân công công tác đối với 44 học viên (HV) khóa đào tạo Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là Đề án 89). Qua đó, 44 HV đã chọn 39 phường, xã để bắt đầu cho nhiệm vụ mới của mình sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo 11 tháng theo chương trình đặc biệt, nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ và hướng đến việc tạo nguồn các chức danh chủ chốt ở cơ sở xã, phường trong thời gian đến.

Mặc dù đây là thành quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, cụ thể là Chỉ thị 01/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XIX) về “Năm công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính”, nhưng việc bố trí, phân công công tác theo hướng mới-ưu tiên người giỏi hơn chọn nhiệm sở trước, đã cho thấy tư duy tiếp tục đổi mới trong công tác cán bộ trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố. Đó là “Thu hút, giữ chân, sử dụng hiệu quả người tài đi đôi với tạo dựng môi trường làm việc mà ở đó những người có nhân cách tốt được bảo vệ, tôn vinh, những người thực tài được phát huy, trọng dụng”.

Thực hiện chủ trương này, ngay sau Đại hội lần thứ XX, đã có nhiều chính sách được thay đổi theo hướng trọng dụng người tài, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có quá trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp được sử dụng và phát huy năng lực của mình. Đó là việc những người tham gia ứng cử cấp ủy lần đầu tại Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 phải tốt nghiệp đại học chính quy; chính thức thực hiện chính sách khuyến khích (được hưởng lương theo ngạch bậc, phụ cấp và hưởng thêm 1 triệu đồng/người/tháng) đối với HV sau khi tốt nghiệp Đề án 89 về công tác tại xã, phường; là quyết định chỉ tuyển dụng công chức đối với những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy…

Tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao

Một trong số 20 công trình trọng điểm được UBND thành phố phê duyệt nhằm tập trung thực hiện trong năm 2011, có công trình Trường THCS Nguyễn Khuyến. Đây là công trình duy nhất thuộc ngành Giáo dục được quan tâm ưu tiên trong thời điểm này để đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho việc đào tạo thế hệ học sinh có chất lượng cao, tạo nguồn cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hướng đến trường THPT chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia. Đây chính là chủ trương “xây nhà từ móng”, tạo nền tảng vững chắc trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự đồng bộ, giải quyết những vướng mắc vẫn thường hay gặp phải trước đây khi giải bài toán nhân lực cho phát triển của thành phố.

Cùng với việc đầu tư có trọng điểm và thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện,  rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành… thì việc tập trung cho công tác đào tạo nghề cũng luôn được chú trọng. Yêu cầu từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao, bắt buộc phải chuyển đổi nguồn nhân lực từ lao động phổ thông sang lao động có hàm lượng chất xám cao là đòi hỏi cần thiết. Chính vì vậy, trong định hướng phát triển, thành phố xác định tăng cường đầu tư, phát triển mạng lưới dạy nghề theo quy hoạch. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, thành phố có khoảng 60 cơ sở dạy nghề có quy mô vừa và lớn, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 55% (so với 50% lao động qua đào tạo nghề hiện nay) để từ đó đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, với sự ra đời của các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin… trong thời gian đến, đòi hỏi về nguồn lao động qua đào tạo, kể cả đào tạo bậc đại học trở lên là vô cùng cần thiết và phải có hoạch định mang tính chiến lược.

Về vấn đề này, PGS.,TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, cần có dự báo về nguồn nhân lực chất lượng cao sát với thực tế và có tính “đón đầu” xu thế phát triển mới; trong đào tạo cần chú trọng phát triển nhóm tinh hoa và các ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi ngành nghề, tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ cao và phương pháp quản lý mới.

Rõ ràng, giai đoạn mới bao giờ cũng đặt ra yêu cầu mới. Việc sớm xác định hướng đột phá chiến lược ưu tiên hàng đầu là phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với những giải pháp cụ thể, hy vọng sẽ tạo nền móng vững chắc hơn cho phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn mới.

Bài và ảnh: Anh Quân

Đọc thêm