Ngày 5-8-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 32-NQ/TƯ “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hơn 7 năm qua, nhiều nội dung của Nghị quyết được hiện thực hóa thành những dự án, công trình, góp phần quan trọng để Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH,HĐH và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020. Một trong những dự án lớn, quan trọng là Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và cầu Tân Vũ- Cát Hải.
2 công trình- 2 niềm vui
Đến nay, thành phố và các cơ quan chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết để thực hiện dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện và cầu Tân Vũ- Cát Hải vào cuối năm 2010. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành làm việc với lãnh đạo Cục hàng hải Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về 2 dự án quan trọng này.
Giai đoạn khởi động dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được Bộ Giao thông -Vận tải phê duyệt đầu tư và giao Cục Hàng hải là chủ đầu tư hợp phần A (cơ sở hạ tầng cảng biển); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam liên doanh với 3 nhà thầu Nhật Bản triển khai hợp phần B (xây dựng 2 bến khởi động). Từ tháng 10-2009 đến nay, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cử đoàn tư vấn hỗ trợ SAPROF nghiên cứu sơ bộ dự án, làm việc với các bên liên quan điều chỉnh quy mô dự án và hình thức đầu tư. Chính phủ Việt Nam xem xét điều chỉnh 2 bến thiết kế cho tàu 100 nghìn tấn, chuẩn tắc luồng rộng 160m, độ sâu luồng -14m; giai đoạn đầu đưa 2 bến khởi động vào khai thác, tiếp tục theo dõi sa bồi bảo đảm độ sâu luồng -14m; công trình đê chắn cát dài 7600m, kéo tới độ sâu -5m, cao trình đê +2m, đê chắn sóng dài 3200m, cao +6,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến 17.167 tỷ đồng, trong đó sử dụng 14677 tỷ đồng vốn JICA, phần vốn đối ứng gồm quản lý dự án và chi phí giải phóng mặt bằng, thuế… 2484 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự kiến: từ tháng 10-2010 đến tháng 8-2011 thiết kế chi tiết. Từ tháng 8-2011 đến tháng 7- 2012 phê duyệt thiết kế và đấu thầu. Tháng 8-2012 đến tháng 12-2015 thi công xây dựng phần đầu tư Nhà nước.
Việc thi công 2 bến khởi động được thực hiện giữa Vinalines và liên doanh nhà thầu Nhật Bản MISUI-NYK-ITOCHU. Bến số 1 dự kiến đưa vào khai thác năm 2014, bến số 2 đưa vào khai thác năm 2015.
Dự án đường ô-tô Tân Vũ- Lạch Huyện do Bộ Giao thông-Vận tải là chủ đầu tư, giao Ban quản lý dự án 2 Tổng cục Đường bộ thực hiện, liên doanh JBSI-HYDER-HECO lập dự án đầu tư. Đây là dự án quan trọng, bởi cùng với dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện được triển khai sớm không chỉ phát huy ngay năng lực khai thác khi hoàn thành cây cầu, góp phần đắc lực việc tập kết, rút hàng tại cảng cửa ngõ, mà còn phục vụ cho cả việc thi công các hạng mục của cảng cửa ngõ trong thời gian thi công 2 bến khởi động và các bến tiếp theo. Dự án đường ô-tô Tân Vũ- Lạch Huyện đi qua địa bàn quận Hải An và huyện Cát Hải, điểm đầu tại nút giao Tân Vũ kết nối với đường ô-tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng tại km 100+89. Tuyến đường chạy qua Khu công nghiệp Nam Đình Vũ dài 4,5km. Cầu vượt qua luồng Nam Triệu nối Đình Vũ với đảo Cát Hải dài 5,9 km, song song với kênh Hà Nam qua các xã Nghĩa Lộ, Đồng Bài, thị trấn Cát Hải. Điểm cuối tuyến giáp với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,9km, gồm 10,5km đường và 5,4km cầu vượt biển. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 8535 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 4898 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng Việt Nam. Tiến độ thực hiện công trình này như sau: Từ tháng 12-2011 đến tháng 12-2012 đấu thầu và giải phóng mặt bằng; từ tháng 1-2013 đến tháng 6-2015 xây dựng và đưa vào khai thác. Tổng diện tích thu hồi cho dự án là 878 ha (1200 người bị ảnh hưởng). Dự kiến đến tháng 6-2011 tiến hành cắm mốc và giải phóng mặt bằng, đến tháng 12-2012 bàn giao mặt cho nhà thầu thi công.
|
Lực lượng công binh và phá bom mìn tại khu vực xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. |
Vẫn còn nhiều việc phải là
Việc triển khai 2 dự án quan trọng trên không chỉ cụ thể hóa Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị đối với Hải Phòng, mà vào thời điểm năm 2003 tinh thàn của Nghị quyết được Bộ Giao thông -Vận tải cùng các ngành chức năng và thành phố quán triệt, khẩn trương điều tra, khảo sát và nghiên cứu bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển ở Hải Phòng và vùng Đông Bắc, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu tại Lạch Huyện. Đồng thời đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng về sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng trên địa bàn thành phố. 2 dự án trên xây dựng sớm giảm bớt gánh nặng cho các cảng trong nội địa, đồng thời thúc đẩy nhanh việc giao lưu kinh tế với thế giới và khu vực đối với vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ và Hải Phòng. Để triển khai dự án n, còn nhiều việc phải làm. Hiện các cơ quan và địa phương liên quan ở Hải Phòng như Hải An, Cát Hải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ở Trung ương như Bộ Giao thông-Vận tải, Cục Hàng hải, Tổng cục Đường bộ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các đối tác nước ngoài, khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết, tổ chức giải phóng mặt bằng, bàn giao chủ đầu tư.
Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc bộ, lá chắn cho Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, luôn phát huy truyền thống cách mạng và năng động, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, đến nay Hải Phòng đã trở thành một thành phố công nghiệp, đô thị loại 1của đất nước; một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển - đảo; có vị trí trọng yếu cả về kinh tế và quốc phòng - an ninh. Hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, Đảng bộ, nhân dân Hải Phòng đã và đang kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và nội lực, đưa kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tạo tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra; cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến tích cực, đúng hướng, trong đó một số ngành như công nghiệp đóng tàu, sản xuất thép, dịch vụ vận tải hàng hóa thông qua cảng ngày một khởi sắc./.
Anh Tú