Dự án cơ chế phát triển sạch- Thủ tục phức tạp, doanh nghiệp “ngại” tham gia

Dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và môi trường. Hải Phòng là một trong những tỉnh, thành phố được các chuyên gia, tư vấn dự án của Nhật Bản đánh giá có tiềm năng thực hiện dự án CDM

Dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và môi trường. Hải Phòng là một trong những tỉnh, thành phố được các chuyên gia, tư vấn dự án của Nhật Bản đánh giá có tiềm năng thực hiện dự án CDM; nhất là trong các ngành thu hồi khí rác thải, tiết kiệm năng lượng (như kinh doanh, sản xuất điện)…Song có thực tế, ở thành phố không có mấy doanh nghiệp thực hiện, mặn mà với dự án này?  Nguyên do, thủ tục quá phức tạp

 

Hệ thống chụp hút, xử lý mùi axít của Công ty Ắc quy Tia Sáng là công trình được Bộ Tài nguyên - Môi trường trao tặng cúp bảo vệ môi trường Ảnh: Trường Giang

Hệ thống chụp hút, xử lý mùi axít của Công ty Ắc quy Tia Sáng là công trình được Bộ Tài nguyên - Môi trường trao tặng cúp bảo vệ môi trường

Ảnh: Trường Giang

Cơ chế phát triển sạch (viết tắt là CDM) được khởi xướng từ Nghị định thư Kyoto nhằm chống lại hiện tượng ấm lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính. Thực hiện CDM, khí thải trở thành hàng hóa có giá trị đối với nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Với những nước phát triển, để giảm 1 tấn CO2 cần khoảng 30 – 40 USD, trong khi đó nếu bỏ ra một số tiền hỗ trợ các nước đang phát triển đổi mới công nghệ sản xuất để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mua quota khí thải từ những nước này thì chi phí giảm nhiều, chỉ  khoảng 7,5-16USD. Điều này thúc đẩy hình thành thị trường mua bán chỉ tiêu giảm khí phát thải. Trong hội thảo về CDM tổ chức tại Hải Phòng, bà Akiko, đại diện đơn vị tư vấn dự án cho biết: Hiện có nhiều dự án CDM với những quy mô đầu tư khác nhau. Có loại dự án không cần đầu tư nhiều như dự án thủy lợi nhưng có những dự án cần khoản đầu tư lớn như dự án xử lý khí chôn lấp rác thải.

 

Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều dự án nằm trong nhóm được khuyến khích áp dụng CDM nhưng lại không thể đăng ký với Ban điều hành CDM quốc tế. Bởi để được chứng nhận là dự án CDM, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí về lượng phát thải, công nghệ và tài chính. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với một dự án CDM là chứng minh dự án sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu thực hiện giảm phát thải khí carbon. Những dự án CDM có chỉ tiêu tài chính tốt sẽ khó chứng minh được doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư vào dự án, do đó sẽ không nhận được tiền từ bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERs). Trong khi đó, để được cơ quan trong nước phê duyệt, doanh nghiệp phải chứng minh được dự án khả thi về mọi mặt, tức là các chỉ tiêu kinh tế, tài chính, xã hội phải tốt. Đồng thời doanh nghiệp khi vay tiền ngân hàng, hồ sơ vay vốn phải chứng minh được dự án đó khả thi, có thể thực hiện được và thực hiện rồi sẽ đem lại lợi ích nhất định về mặt kinh tế, xã hội và môi trường… Điều này có vẻ ngược với yêu cầu để đạt được dự án CDM? Đây là một khó khăn cho thấy không dễ dàng đăng ký các dự án CDM.

 

Việc tính toán hệ số phát thải là căn cứ để doanh nghiệp cân đối tài chính, quyết định có nên đầu tư thực hiện dự án CDM. Tuy nhiên, việc tính toán chính xác lượng khí phát thải có thể thu được là cả vấn đề. Đại diện công ty tư vấn thực hiện dự án của Nhật Bản từng có ý kiến: Rất khó ước lượng chính xác lượng khí mê-tan ở các bãi chôn lấp, nhiều dự án lượng khí CO2 thu được chỉ bằng 40% so với thực tế. Trong khi đó, việc đầu tư thực hiện dự án CDM cần kinh phí không nhỏ. Bởi vậy, doanh nghiệp không dám “mạo hiểm” đầu tư vào dự án CDM. Nếu những dự án đơn lẻ mà lượng giảm phát thải tính toán dưới ngưỡng 10 nghìn tấn CO2/năm, nếu làm, tính hết các khoản chi phí, người bán sẽ chẳng còn gì.

 

Một dự án CDM nói chung, nếu tính tất cả các khoản phí từ lúc phát triển dự án cho tới lúc thu được tiền, sẽ vào khoảng vài trăm nghìn USD. Chỉ tính riêng giai đoạn phát triển dự án CDM, để đăng ký có rất nhiều khoản, tùy theo mức độ dịch vụ cung cấp. Nếu doanh nghiệp khoán toàn bộ cho đơn vị tư vấn thì phí tại Việt Nam vào khoảng 40 - 50 nghìn USD. Cộng thêm một loạt các phí khác như thẩm định quốc tế, cần chi phí 50 - 200 nghìn USD tùy quy mô dự án, lệ phí cho ban điều hành của Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), rồi phí trong nước nộp cho Quỹ Bảo vệ Môi trường (khoảng 1-2 phần trăm doanh thu từ bán CERs)…

 

Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch CDM là chủ trương lớn của thành phố. Song, nếu những mẫu thuẫn, khó khăn chung quanh việc thực hiện dự án CDM không được tháo gỡ với cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, rất khó có dự án CDM triển khai.

 

Nguyên Mai

Đọc thêm