Dự án đường 5 kéo dài “đội vốn” hơn 3.000 tỷ đồng

Dự án đường 5 kéo dài nằm trên địa bàn 3 phường của quận Long Biên và 5 xã của huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ nguồn vốn phê duyệt ban đầu là 3.131 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn sau đó đã xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 6.663,5 tỷ đồng với lý do “biến động giá cả”…

Dự án đường 5 kéo dài nằm trên địa bàn 3 phường của quận Long Biên và 5 xã của huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ nguồn vốn phê duyệt ban đầu là 3.131 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn sau đó đã xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 6.663,5 tỷ đồng với lý do “biến động giá cả”…

Nhiều hạng mục của dự án còn dang dở
Nhiều hạng mục của dự án còn dang dở

Là công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chính thức khởi khởi công từ năm 2005, nhưng hết năm 2012, dự án này vẫn dở dang giải phóng mặt bằng.

Từ nguồn vốn phê duyệt ban đầu là 3.131 tỷ đồng, sau 7 năm triển khai, cuối năm 2012, chủ đầu tư chính thức có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gấp đôi, với số vốn 6.663,5 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn điều chỉnh này, chi phí bị điều chỉnh cao nhất là giá xây dựng tăng 2.328,2 tỷ đồng, riêng chi phí dự phòng trượt giá trong thời gian thực hiện còn lại được “xin thêm” là 378,9 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng nêu lí do khối lượng giải phóng mặt bằng thay đổi và việc điều chỉnh đơn giá, chính sách hỗ trợ qua các năm nên yêu cầu xin thêm cho khoản này lên đến 334 tỷ đồng.

Chưa biết đề xuất của Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn có “lọt” qua khâu thẩm định của các đơn vị liên quan, nhưng việc đội vốn gấp đôi đang đặt ra dấu hỏi về năng lực quản lý của chủ đầu tư đối với một dự án trọng điểm của thành phố. Cho đến thời điểm này, mặc dù đã bước sang năm thứ 8, nhưng chỉ tính riêng khâu giải phóng mặt bằng vẫn đang gặp nhiều ách tắc.

Theo đó, trong tổng số 142 thuộc diện phải thu hồi thì hiện nay mới thực hiện được 119 ha. Riêng tại huyện Đông Anh, dự kiến, phải đến tháng 6/2013, chủ đầu tư mới có mặt bằng sạch cho dự án này. Tiến độ của 16 gói thầu nằm trong dự án cũng mới chỉ là những con số hứa hẹn. Theo đó, đến cuối năm 2012, nhiều gói thầu vẫn trong tình trạng dang dở, các hạng mục không được hoàn tất, chậm hơn so với hợp đồng ký kết, thậm chí, có gói thầu còn có thể kéo dài đến quý II/2013 mới có thể hoàn thành.

Đề xuất tăng tổng mức đầu tư lên 6.663 tỷ của Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn được đưa ra trong bối cảnh TP Hà Nội đang quyết liệt thực hiện Chương trình hành động tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách. Chính quyền TP cho rằng “cần hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án” và “yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân gây lãng phí trong quá trình đầu tư, kiên quyết dừng các dự án kéo dài, không hiệu quả...”.

Một lãnh đạo của Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn đã từ chối bình luận về “hành lang pháp lý” của việc xin “đội vốn” hàng nghìn tỷ đồng cho dự án. Ông chỉ nói ngắn gọn “chúng tôi suốt ngày ở công trình, việc tăng vốn rất minh bạch”, và, “muốn biết việc tăng vốn có minh bạch hay không thì cứ đến UBND TP Hà Nội mà hỏi”.

Như Trang

Đọc thêm