Nhiều chuyên gia địa ốc tại TP HCM phản đối dự thảo phân hạng sàn bất động sản bởi họ cho rằng quy định chỉ nặng tính hình thức, thêm thủ tục...
Đại diện cơ quan quản lý, nhiều chuyên gia địa ốc tại TP HCM phản đối dự thảo phân hạng sàn bất động sản bởi họ cho rằng quy định chỉ nặng tính hình thức, đẻ thêm thủ tục, không mang lại hiệu quả cho kẻ bán, người mua.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn phân hạng sàn giao dịch bất động sản của Bộ Xây dựng dự kiến sàn giao dịch nhà đất sẽ được phân thành ba hạng 1, 2, 3. Chỉ có các sàn đã hoạt động một năm liên tục trở lên mới được xét phân hạng.
Thêm vào đó, người quản lý điều hành sàn phải có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản từ hai năm trở lên, và chưa bị phạt trong thời gian này.
Cơ sở để phân hạng sàn giao dịch bất động sản căn cứ vào các tiêu chí cụ thể như đã được đăng trên trang web của mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam, tham gia các dịch vụ về giao dịch bất động sản như mua bán, thuê, thuê mua...
Để được phân hạng các sàn phải có đơn đề nghị, kê khai các thông tin liên quan để Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) xem xét. Khi vi phạm các quy định liên quan, sàn giao dịch bất động sản sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận phân hạng.
Ngày 22/9, tại Hội thảo giải pháp phát triển sàn địa ốc, hầu hết chuyên gia bất động sản đều tỏ ra không đồng tình với dự thảo thông tư nói trên.
Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP HCM, tiến sĩ Đỗ Thị Loan đặt vấn đề: "Khi đề ra việc phân hạng sàn giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng có xét đến mục đích cụ thể hay chưa? Chẳng hạn như, chủ sàn địa ốc, khách hàng mua sản phẩm nhà đất và cơ quan quản lý nhà nước được lợi gì trong việc này?". Bà Loan cho rằng, khi chưa có mục tiêu cụ thể, việc phân hạng sàn giao dịch nhà đất có phần vội vã.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu nhận định, trong thông tư đề cập đến việc phân chia các sàn giao dịch theo thứ hạng 1, 2, 3 là không cần thiết. Ông Châu cũng cho rằng, quy định các sàn giao dịch được phân hạng phải báo cáo mỗi quý, trong khi sàn không phân hạng thì mỗi năm chỉ báo cáo hai lần là chưa ổn.
Còn Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp phân tích, dự thảo không hề đề cập đến quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia phân hạng sàn. Ông phân tích, việc tham gia phân hạng sàn giao dịch bất động sản là tự nguyện. Nếu doanh nghiệp thích thì đăng ký phân hạng không thích thì đứng ngoài cuộc cũng chẳng sao. Như vậy, quy định này vô tình chỉ mang tính hình thức.
Ông Hiệp cho hay, theo số liệu của Sở Xây dựng TP HCM, hiện toàn thành phố có khoảng 150 sàn giao dịch bất động sản, chiếm 50% trên toàn quốc. Song nếu chỉ căn cứ theo một yêu cầu về diện tích tối thiểu để phân hạng trong dự thảo này thì hầu hết các sàn đều không đạt chuẩn.
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM đề xuất Bộ Xây dựng nên xây dựng phần mềm quản lý để thống nhất mẫu mã, sau đó bán rẻ cho doanh nghiệp. "Không thể để doanh nghiệp tự bơi, tự tìm phần mềm vừa tốn kém vừa khó quản lý vì mỗi nơi mỗi kiểu", ông nói.