Đưa giám định viên “quay về”

Mức bồi dưỡng giám định tư pháp đang áp dụng ngày càng thấp, tạo ra sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa những người làm giám định tư pháp với những người hoạt động trong cùng một lĩnh vực chuyên môn, khiến nguồn giám định viên “ngày càng cạn kiệt” cho dù giám định tư pháp “giúp cho việc giải quyết các vụ án được kịp thời, chính xác, khách quan và đúng pháp luật”.

Mức bồi dưỡng giám định tư pháp đang áp dụng ngày càng thấp, tạo ra sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa những người làm giám định tư pháp với những người hoạt động trong cùng một lĩnh vực chuyên môn, khiến nguồn giám định viên “ngày càng cạn kiệt” cho dù giám định tư pháp “giúp cho việc giải quyết các vụ án được kịp thời, chính xác, khách quan và đúng pháp luật”.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có tiền vẫn phải nợ phí giám định

Theo khẳng định của các cơ quan tiến hành tố tụng, hàng chục tỷ đồng phí giám định không thể trả cho giám định viên (GĐV) “không phải là thiếu tiền mà do qui trình thanh toán chưa được qui định rõ ràng”. Phải 2 năm sau ngày Quyết định 74 có hiệu lực, thông tư hướng dẫn mới được ban hành khiến các cơ quan tiến hành tố tụng (có trưng cầu giám định) không tìm được đủ hồ sơ để thực hiện thanh toán phí giám định. Cùng với đó, việc các bộ, ngành chưa xây dựng được qui trình giám định làm cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xác định phí giám định.

Tính chất công việc giám định tư pháp đòi hỏi GĐV phải có trình độ chuyên môn sâu, nhiều vụ việc phải thực hiện trong điều kiện nguy hiểm, độc hại, sức ép về thời gian lớn, phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với kết quả giám định nên “với mức bồi dưỡng hiện nay, việc thu hút người mới vào ngành đã khó, ngay cả việc giữ chân người cũ cũng chật vật. Đa số vào ngành là “chào tạm biệt” sau một thời gian, nhất là trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần” – ông Phạm Xuân Toàn (Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, Bộ Y tế) khẳng định. Hơn nữa, nguồn GĐV, nhất là trong lĩnh vực pháp y tử thi “đang cạn kiệt” thì chế độ bồi dưỡng cho GĐV thích hợp hơn là cần thiết để duy trì đội ngũ GĐV và “cậy nhờ” được nhiều chuyên gia tham gia vào lĩnh vực giám định.

So với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, sẽ khó có một mức phí giám định nào “thực sự tương thích” mà chỉ mang tính chất bồi dưỡng cho những người hưởng lương nhà nước làm công việc giám định. Thực tế có những vụ việc phí giám định có thể được tính đến cả trăm triệu đồng (dù chỉ tính bằng 1% giá trị tài sản trong vụ việc) nên việc chi trả khó khăn vì “phí giám định là từ ngân sách nhà nước”.

Giám định pháp y được chi tới 6 triệu đồng

“Mổ xẻ” các qui định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74 tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp sáng qua (12/9), đại diện các bộ, ngành đều tán thành cần một dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 74/2009 với mức phí giám định được qui định tăng 100% so với qui định hiện hành để “tăng sức hút nhân lực vào lĩnh vực giám định tư pháp, giải quyết tình trạng “nợ” phí giám định…”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên (Chủ tịch Hội đồng thẩm định) nhấn mạnh, chế độ bồi dưỡng tốt sẽ thu hút được nhiều nhân lực đáp ứng yêu cầu cho lĩnh vực giám định tư pháp.

Theo dự thảo, mức bồi dưỡng tính theo ngày làm giám định có các mức khác nhau, từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/người giám định tư pháp/ngày làm giám định được áp dụng đối với việc giám định được thực hiện trong lĩnh vực pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính-kế toán; văn hóa; xây dựng; môi trường; nông-lâm-ngư nghiệp, một số loại việc giám định trong lĩnh vực pháp y và các lĩnh vực khác. Đối với giám định pháp y (trên người sống và tử thi), mức bồi dưỡng được qui định từ 200.000 đồng đến 6 triệu đồng.

Người giúp việc cho người giám định tư pháp sẽ được hưởng mức bồi dưỡng trên cơ sở trình độ chuyên môn của họ và ở mức 70% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng. Điều tra viên, kiểm sát viên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi được hưởng 50% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng. Đây là quy định kế thừa quy định của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg nhưng có sự điều chỉnh theo hướng giảm xuống cho phù hợp với tính chất lao động, trách nhiệm của từng đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng.

Phí giám định trong các vụ án hình sự là từ ngân sách nhà nước và bổ sung nguồn kinh phí cho các trường hợp hợp xác định nguyên nhân chết theo trưng cầu của cơ quan công an có thẩm quyền nhưng sau đó vụ việc không có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự (chết vô thừa nhận, không có dấu hiệu tội phạm) để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chi trả cho các việc giám định.

H.Giang 

Đọc thêm