Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống:Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

(PLVN) -Thực hiện các quan điểm của Đảng về giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, cần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến các lớp tập huấn giáo trình trung cấp lý luận chính trị .
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến các lớp tập huấn giáo trình trung cấp lý luận chính trị .

“Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”

Theo PGS.TS Mai Đức Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của cán bộ, công tác cán bộ. Người từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, Người cũng rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo, dày công đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thực tiễn đã chứng minh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những khâu then chốt của vấn đề then chốt quyết định thành công trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng như từ thực trạng công tác xây dựng Đảng trong những năm qua, tại Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. PGS.TS Mai Đức Ngọc nhấn mạnh, đây là điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII khi Đảng rất coi trọng công tác cán bộ và khẳng định đây là một mặt, một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng.

Thực hiện các quan điểm của Đảng về giáo dục và đào tạo cũng như quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ, PGS.TS Mai Đức Ngọc cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học

Gợi mở về các giải pháp để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, PGS.TS Mai Đức Ngọc cho rằng, trước hết, cần đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng chuyển mạnh quá trình đào tạo, bồi dưỡng từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học. Theo ông Ngọc, đây không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mà là sự thay đổi trong cách tiếp cận, trong tư duy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để phát triển phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, vấn đề căn bản là phải để cán bộ tham gia tích cực, chủ động vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Phải gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm của cán bộ.

Hai là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cần chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp từ “dạy”, truyền thụ một chiều sang hướng dẫn, huấn luyện cán bộ; chuyển người học từ nghe và tiếp thu thụ động, một chiều sang tự học, tự nghiên cứu; người dạy chủ yếu là định hướng, hướng dẫn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, thảo luận để tìm ra biện pháp giải quyết tối ưu một vấn đề thực tiễn đặt ra. Điều này đòi hỏi người dạy và người học phải được trang bị phương pháp giảng dạy và học tập tích cực, có khả năng ứng dụng và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, phương tiện giảng dạy – học tập hiện đại.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo PGS.TS Mai Đức Ngọc, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần kết hợp sử dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Sự kết hợp giữa hai đội ngũ giảng viên này sẽ cung cấp cho cán bộ những kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, là yếu tố then chốt để phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ. “Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cần bám sát tinh thần trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, PGS.TS Mai Đức Ngọc nhấn mạnh.

Bốn là, tăng cường đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chuyển đổi mạnh quá trình đào tạo, bồi dưỡng “từ chủ yếu trên lớp, sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến thông qua mô phỏng, số hóa bài giảng. Theo PGS.TS Mai Đức Ngọc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trực tuyến là phương pháp để giải quyết một số khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai... khốc liệt.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cần quán triệt sâu sắc tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”. Cần kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong nước và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài. Các cơ sở đào tạo cán bộ cần mời các chuyên gia, nhà quản lý ở những nước phát triển trực tiếp giảng dạy, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ.

Sáu là, đổi mới công tác đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần tập trung vào đánh giá “đầu ra”, nhất là kết quả cuối cùng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. “Việc đánh giá mức độ sử dụng “đầu ra” của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chủ yếu dựa trên các chỉ số về kết quả giải quyết công việc, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng”, PGS.TS Mai Đức Ngọc nêu rõ.

Đọc thêm