Đua nhau tăng lãi suất USD

Lãi suất huy động USD tại nhiều ngân hàng đã lên đến 6%/năm, lãi suất cho vay từ 7% - 8%/năm
 

Lãi suất huy động USD tại nhiều ngân hàng đã lên đến 6%/năm, lãi suất cho vay từ 7% - 8%/năm

Tuy tỉ giá ngoại tệ tự do biến động không đáng kể nhưng nhiều ngân hàng (NH) vẫn đang tăng lãi suất tiền gửi USD, kéo lãi suất cho vay bằng ngoại tệ tăng theo.

Cuộc đua lan nhanh

Khởi động cuộc đua tăng lãi suất USD lần này vẫn là những NH có quy mô nhỏ. Cuối tháng 12-2010, NH Đông Nam Á (SeABank) mạnh tay huy động USD với lãi suất cao nhất, 6%/năm. Trong khi đó, thời điểm này nhiều NH khác chỉ tăng nhẹ lãi suất tiền gửi USD lên mức 4,5% - 5%/năm. Đến đầu tháng 1-2011, thị trường lãi suất ngoại tệ mới thật sự bắt đầu chạy đua. NH Việt Á (VietABank) nâng lãi suất tiết kiệm USD kỳ hạn 3 tháng lên 5,5%/năm. Lập tức, NH Phương Tây đẩy lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn từ 3 - 36 tháng đều có cùng mức 5,3%/năm. NH Việt Nam Thương Tín (VietBank) đồng loạt tăng lãi suất huy động USD từ kỳ hạn 1 - 36 tháng với mức tăng khá mạnh, từ 0,9% - 1,3 %/năm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của VietBank lên tới 5,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm... Riêng Việt Nam Tín Nghĩa NH đẩy lãi suất huy động USD kỳ hạn từ 3 - 5 tháng lên 5,9%/năm, còn các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng đều lên tới 6,1%/năm...
Tranh thủ tăng vốn

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính NH Trường Đại học Mở TPHCM, hiện tại, tình hình huy động vốn bằng VNĐ của một số NH gần như đóng băng nên nhiều NH tranh thủ cung USD từ nguồn kiều hối đang tăng mạnh vào thời điểm giáp Tết, tăng huy động ngoại tệ nhằm nâng tổng nguồn vốn huy động. Từ đó, số vốn được phép cho vay sẽ tăng lên bởi theo quy định hiện hành, NH chỉ được cho vay 80% tổng số vốn huy động...

Trước tình hình trên, các NH có thế mạnh về xuất nhập khẩu như ACB, Eximbank... không thể án binh bất động, dù không tăng nóng như các NH khác nhưng cũng buộc phải nâng lãi suất tiền gửi USD từ 4,5%/năm lên 5%/năm; nếu không, nguồn vốn ngoại tệ có thể bị dịch chuyển...

Do mặt bằng lãi suất USD đầu vào tăng nên lãi suất cho vay USD cũng bị đẩy lên, phổ biến đã ở mức 7%-8%/năm.

Cân đối nguồn vốn

Lãnh đạo của một số NH có mức lãi suất tiết kiệm USD trên 5%/năm giải thích: Do nhu cầu vay USD để nhập khẩu hàng hóa vào thời điểm giáp Tết của doanh nghiệp (DN) tăng mạnh. Mặt khác, trong bối cảnh tỉ giá hiện đã ổn định, chênh lệch giữa lãi suất cho vay VNĐ với USD lên đến 10% nên nhiều DN chuyển sang vay USD lợi hơn vay VNĐ. Vì thế, NH tăng lãi suất đầu vào USD để thu hút vốn.

Tuy nhiên, một số NH khác lại cho biết nhu cầu vay ngoại tệ chưa đến mức phải dùng biện pháp tăng lãi suất để thu hút USD mà nguyên nhân chính của hiện tượng đua tăng lãi suất ngoại tệ là DN đã vay USD nhưng trả nợ bằng VNĐ. Thực tế, trong năm 2010, nhiều DN vay USD rồi bán số ngoại tệ đã vay cho NH để mua nguyên liệu sản xuất trong nước.

Nay đến thời điểm đáo hạn, tỉ giá tăng cao, DN đề nghị trả nợ bằng VNĐ, NH chấp nhận rồi quy đổi USD sang VNĐ theo tỉ giá thỏa thuận. Ngoài ra, nhiều DN cũng đang cần vay vốn USD để trang trải các khoản nợ cuối năm... Từ đó, một vài NH lo ngại mất cân đối nguồn vốn USD, buộc phải tăng lãi suất USD để bù đắp số ngoại tệ thiếu hụt và đáp ứng nhu cầu khách hàng nên đã tạo hiệu ứng đua tăng giữa nhiều NH.

24H.COM.VN (Theo NLĐ)

Đọc thêm