Đối với nhân dân ta, giá trị đạo đức cao nhất chính là tinh thần chiến đấu hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là nguyên tắc đầu tiên của pháp luật. Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo và luôn luôn phải chịu sức ép của các thế lực ngoại xâm, nhưng nhìn chung vấn đề độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước vẫn là thiêng liêng nhất. Lòng yêu nước, yêu dân vẫn là nội dung cốt lõi của cả đạo đức và pháp luật. Các triều đại phong kiến đã dựa vào tư tưởng trên đây để đưa cuộc sống của nhân dân vào nề nếp, bằng cả đạo đức và pháp luật nhằm xây dựng một xã hội có trật tự kỷ cương.
Xét về bản chất, đạo đức và pháp luật thời phong kiến là công cụ bảo vệ tuyệt đối quyền lợi chính trị - kinh tế của giai cấp phong kiến. Nhưng đạo đức và pháp luật phong kiến Việt Nam cũng có mặt tích cực của nó, góp phần quan trọng vào việc hình thành ý thức tôn trọng đạo đức và chấp hành luật pháp của nhân dân ta. Nhìn lại thực tế lịch sử của dân tộc, chúng ta có thể thấy rõ: Chỉ những triều đại nào biết dựa vào dân, coi dân là gốc của nước, là sức mạnh “vừa đẩy thuyền vừa lật thuyền” thì triều đại đó mới phát huy được cả đạo đức và pháp luật, để chẳng những đứng vững được lâu, mà còn vượt qua được sóng gió, giữ cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, thịnh vượng. Đó là những tấm gương của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung và nhiều vị vua hiền, tôi giỏi khác.
Bên cạnh mặt tích cực, đạo đức và pháp luật phong kiến đã bộc lộ khá nhiều mặt tiêu cực và ngày càng sản sinh ra nhiều tham quan ô lại. Những người này lạm dụng những quyền hành để vơ vét của công, áp bức dân lành. Họ chuyên việc xét xử vừa nhân danh đạo lý, vừa thi hành luật pháp nhưng lại bất chấp cả pháp luật và đạo lý.
Tình trạng tồi tệ được phơi bày ngay ở trong giai đoạn cực thịnh thời Lê sơ. Lê Thánh Tông từng quở trách những quan viên “xét xử án kiện, lấy của đút thì nhiều, giữ lẽ công thì ít, có trường hợp để ứ đọng văn án đến 3, 4 năm, có trường hợp nha môn trên dưới đùn đẩy lẫn nhau, đổi trắng thành đen, cho trái làm phải, gian trá trăm cách, lý ngay không được tỏ bày, oan trái nhiều, sầu thảm lắm…” (1)
Với truyền thống lấy dân làm gốc, nhiều triều đại phong kiến đã sớm nhận thức được sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật, giữa đức trị và pháp trị.
Có thể coi triều đại Lê Thánh Tông là tiêu biểu cho thời cực thịnh của phong kiến Việt Nam. Về mặt pháp trị, Lê Thánh Tông đã ban hành một bộ luật nổi tiếng của Việt Nam, đó là bộ luật Hồng Đức còn gọi là “Quốc triều hình luật”. Về mặt đức trị, ông luôn luôn viết những lời răn dạy quần thần và nhân dân. Thời kỳ làm vua 38 năm của ông là thời kỳ đất nước được ổn định về chính trị, vững vàng về quân sự. Đó là thời kỳ kết hợp hài hòa giữa đức trị và pháp trị ở đỉnh cao của nền văn hóa dân tộc.
Từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta, nó muốn quản lý nước ta bằng pháp luật của nó, thứ pháp luật phục vụ cho lợi ích của giai cấp bóc lột, thứ pháp luật nhằm ổn định xã hội cho thích hợp với quyền lợi của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật dựa vào những văn bản chính thức như các bộ luật dân sự, hình sự khiến cho mọi người vì lợi ích của bản thân đã phải có những hiểu biết tối thiểu về pháp luật. Có những vấn đề liên quan đến pháp luật, người ta biết đi tìm luật sư, tự mình tra cứu các điều luật. Đối với những hành động phạm luật vi cảnh như đi trái đường, vứt rác, phóng uế, cãi nhau, đánh nhau, có lẽ người dân lúc ấy còn nghiêm chỉnh hơn cả chúng ta hôm nay. Chúng ta biết rằng, luật pháp của chúng ta ngày nay xuất phát từ nghĩa vụ và quyền lợi của nhân dân nên khác về căn bản so với luật pháp của chủ nghĩa thực dân, nhưng phải thừa nhận rằng, cai trị bằng pháp luật bao giờ cũng thiết thực và có hiệu quả hơn là cai trị chỉ bằng những lời răn dạy suông về đạo đức.
Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xóa bỏ chính quyền phong kiến và thực dân, cũng đồng thời xóa bỏ tư tưởng đức trị của phong kiến và pháp trị của chủ nghĩa thực dân, để thay vào đó là đạo đức cách mạng và pháp luật của chế độ dân chủ nhân dân. Tiếc rằng, việc xóa bỏ cái cũ đã được thực hiện nhanh chóng, nhưng xây dựng cái mới vẫn còn khó khăn lâu dài.
Trong một thời gian dài, tổ chức pháp luật chưa được chặt chẽ, các bộ luật chưa được hoàn chỉnh. Quan tòa chưa được đào tạo có bài bản. Nhân dân chưa có thói quen sống theo những quy tắc hợp pháp và hợp lý được thống nhất ở mọi cấp, mọi nơi. Sự thi hành pháp luật dựa theo “lẽ phải”, những “đạo lý” trừu tượng dễ khiến cho nhân dân không thấy hết được ý nghĩa của nó.
Thêm vào đó là tư tưởng đức trị kiểu Nho giáo vẫn còn tồn tại trong ý thức và sinh hoạt của nhân dân. Đảng và Nhà nước ta không sử dụng Đức trị của Nho giáo. Nhưng vì luật pháp chưa được chặt chẽ, Đảng xuất phát từ “tính hợp lý” của cách mạng và lợi ích của nhân dân, nhiều lúc đã thấy cần thiết phát biểu ý kiến vào việc xét xử tội phạm và giải quyến những cuộc tranh chấp. Việc này kéo dài đã khiến cho pháp chế cũng kéo dài sự suy yếu của nó và chậm được tăng cường theo ý muốn của Đảng và nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật và đạo đức. Người đòi hỏi cán bộ cách mạng phải sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, phải quyết tâm chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng, phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên của mình: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức, mà còn dành tâm huyết để xây dựng pháp luật. Ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 03-09-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”.
Mặc dù những khó khăn dồn dập do thù trong, giặc ngoài gây ra, cuộc tổng tuyển cử trong cả nước đã được tiến hành chỉ bốn tháng sau ngày độc lập. Đây là một cuộc phổ thông đầu phiếu được tổ chức nhanh nhất, diễn ra sớm nhất, một kỷ lục chưa quốc gia nào đạt được kể từ sau khi lật đổ ách thống trị thực dân, đưa lực lượng chính trị của nhân dân lên cầm quyền.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là Nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật, là phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế.
Hiện nay, Đảng ta đang phát động một phong trào rộng lớn nhằm học tập và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực hoạt động của cán bộ và nhân dân. Tôi cho rằng, trước tình hình suy thoái về đạo đức đang diễn ra trong xã hội ta và cả trong hàng ngũ đảng viên, tư tưởng của Bác về đạo đức và pháp luật là những di sản cực kỳ quý báu mà Bác đã để lại cho chúng ta.
Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tá Trần Dụ Châu, vốn cũng là người cách mạng, nhưng khi làm Cục trưởng Cục Quân nhu đã lợi dụng chức vụ, bớt xén phần cơm áo vốn đã rất thiếu thốn của bộ đội ta để cùng đồng bọn sống phè phỡn, lãng phí, trụy lạc…Vụ án được khởi tố, đưa ra Tòa án quân sự, y bị lãnh án tử hình. Trần Dụ Châu và gia đình kháng án lên Bác Hồ, xin được khoan hồng. Vụ án đã gây cho Bác Hồ một nỗi đau buồn sâu sắc. Nhưng đối với loại sâu mọt đục khoét nhân dân, trị một người để cứu muôn người, dù rất đau lòng, Bác đã ký lệnh bác đơn chống án của Trần Dụ Châu. Vụ án đã được thi hành.
Qua đó, có thể thấy: Bác Hồ rất đề cao phép nước, “đức trị” đi đôi với “pháp trị”. Bác hết lòng thương yêu, dạy bảo cán bộ. Nhưng kẻ nào lạm dụng tình thương của Bác, làm hại đến tính mệnh và tài sản của nhân dân, làm mất thanh danh, uy tín của Đảng và Nhà nước thì dù họ có là cách mạng kỳ cựu, là bộ trưởng, thứ trưởng, là gì đi nữa vẫn phải đem ra xét xử theo đúng pháp luật.
Theo Bác Hồ, thứ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, đều là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến…Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của cán bộ ta là cần, kiệm, liêm, chính…Tội ấy cũng nặng như tội làm Việt gian, mật thám.(2)
Chúng ta hiểu vì sao năm 1945, ngay trong những ngày đầu của Chính quyền cách mạng, Bác đã không ngừng nhắc nhở cán bộ ta về những sai phạm dễ mắc phải trong quá trình quản lý đất nước.
Đất nước ngày ấy còn rất nghèo khổ, chẳng có gì đáng để tham ô và lãng phí mà sao Bác Hồ đã sớm ngăn chặn những căn bệnh nguy hiểm ấy? Ngày nay, chúng ta mới càng thấy rõ thêm sự sáng suốt kỳ lạ của Bác. Quả nhiên, sau những ngày ấy, nhất là từ khi Bác qua đời, tệ tham ô lãng phí cứ tăng lên mãi và đang trở thành một quốc nạn.
Ngay từ năm 1945, khi Nhà nước dân chủ nhân dân vừa được thành lập, cán bộ còn đang cùng nhân dân đồng cam cộng khổ, sống chan hòa với nhau, Bác đã đặt ra nhiệm vụ chống quan liêu. Vì sao như vậy? Vì Bác thấy trước rằng khi Đảng cầm quyền thì cán bộ và đảng viên dễ dàng trở thành những “ông quan cách mạng”.
Bác nghiêm khắc đòi hỏi phải gạt bỏ những ông quan cách mạng ấy đi và tuyên bố: Từ Chủ tịch nước, các bộ trưởng cho đến cán bộ xã, đều phải là đầy tớ của nhân dân. Bác không thể ngờ rằng ngày nay, rất nhiều đầy tớ của nhân dân đã lại trở thành những quan cách mạng, ngày một xa cách và hống hách với nhân dân. Trong lịch sử của nhân loại và của dân tộc, chưa từng bao giờ có hiện tượng “người đầy tớ” lại khinh rẻ và đối đãi thậm tệ với người chủ của mình như ở một số người đã được đứng trong hàng ngũ “đầy tớ” của nhân dân.
Vì sao Bác Hồ làm một việc không hề mệt mỏi là vừa giáo dục đạo đức, vừa xây dựng pháp luật?
Bác khuyên cán bộ nên hạn chế những ham muốn vật chất. Theo Bác, hạnh phúc chân chính của con người không ở chỗ có nhà cao, cửa rộng, ăn tiêu xa phí rồi đẩy con cháu vào con đường hưởng lạc và hư hỏng. Hạnh phúc chân chính là cuộc sống giản dị với tình yêu thương gắn bó trong gia đình và ngoài xã hội, là phát huy được trí tuệ và tài năng trong sự nghiệp cao cả của dân tộc và nhân loại.
Bác luôn luôn gắn liền việc giáo dục đạo đức với thi hành pháp luật. Nếu không đứng trên lập trường tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không kiên trì lý tưởng yêu nước, thương dân thì không thể nào xây dựng được một nền luật pháp phù hợp với lợi ích của nhân dân hôm nay và ngày mai, một nền luật pháp thực sự của dân, do dân, vì dân.
Đối với cán bộ, Thẩm phán Ngành Tòa án nhân dân, Bác luôn luôn dành cho nhiều tình cảm đặc biệt và răn dạy những điều bổ ích, thiết thực cho công tác xét xử của Tòa án nhân dân. Tháng 2-1948, Hội nghị Tư pháp toàn quốc được triệu tập. Vì bận nhiều công việc chỉ đạo kháng chiến, Bác không đến dự được, nhưng Bác đã gửi Thư đến, ân cần căn dặn cán bộ Ngành Tòa án: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân nói theo” (3)
Không những đòi hỏi cán bộ Tòa án phải trong sạch, liêm khiết, tuân thủ luật pháp để làm gương cho “nhân dân noi theo”, tại Hội nghị cán bộ Ngành tư pháp năm 1950, Bác Hồ còn yêu cầu cán bộ Tòa án, những người làm công tác tư pháp phải luôn gắn bó với nhân dân: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.(4)
Có người nghĩ rằng: Bác Hồ có một tình yêu thương sâu sắc và rộng khắp với mọi người, nên trong việc xử án phải có lòng khoan dung, độ lượng và cân nhắc để xử nhẹ những trường hợp này hay trường hợp khác. Những người ấy có ảo tưởng là họ nhân đạo hơn cả Bác Hồ. Họ không nghĩ rằng đối với Bác Hồ, yêu quý nhân dân thì phải nghiêm trị những kẻ gây tội ác với nhân dân. Khoan dung với kẻ ác độc thì lại chính là một sự ác độc đối với nhân dân.
Biện pháp chống suy thoái hiện nay chính là pháp luật, vị thần linh để ngăn chặn nó. Chúng ta cũng nhớ lại câu nói của Bác Hồ cách đây gần một trăm năm: Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.
Kết hợp đức trị với pháp trị trên cơ sở những bài học lịch sử của dân tộc và lập trường tiến bộ của nhân loại, chính là những lời dạy vô cùng quý giá mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta. Chúng ta mãi mãi nắm vững tư tưởng này của Bác.
Hôm nay, theo yêu cầu của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, tôi nêu lên một số cảm nghĩ của tôi về thi hành luật pháp ở Việt Nam. Nhân dịp này, xin chúc mừng Ngành tư pháp ở Việt Nam, đặc biệt là các vị ngồi xử án đôi câu đối sau:
Dân nước trông mong,
Chánh án vững vàng như thiết diện
Bác Hồ nhắc nhở,
Pháp quyền sáng suốt tựa thần linh
Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2013
GS. Vũ Khiêu