Đừng bỏ qua đơn nặc danh

Nếu “chạy” theo đơn thư nặc danh, cơ quan Nhà nước sẽ tốn kém vô cùng thời gian, sức lực, trong khi nhiều đơn tố cáo không có sự thật. Nhưng thực tế có những vụ việc nhờ vào đơn tố cáo nặc danh, các cơ quan chức năng đã phát hiện, phanh phui sự việc tiêu cực.

Thoạt nghe, ai cũng tưởng việc “bỏ đi” những lá đơn tố cáo nặc danh, đó là chuyện đương nhiên, bởi pháp luật hiện hành quy định đã nặc danh thì không xem xét. Thực tế, nếu “chạy” theo đơn thư nặc danh, cơ quan nhà nước sẽ tốn kém vô cùng thời gian, sức lực, trong khi nhiều đơn tố cáo không có sự thật. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tố cáo nặc danh là việc “dám làm mà không dám chịu”, kết quả chỉ gây “nhiễu” thêm tình hình, đặc biệt trong những thời điểm “nhạy cảm”.

Nhưng, nhìn ở một góc độ khác, không phải đơn tố cáo nặc danh nào cũng vu khống, nói không đúng sự thật. Đã có nhiều vụ việc tiêu cực nhờ vào đơn tố cáo nặc danh, các cơ quan chức năng đã phát hiện, phanh phui   sự việc tiêu cực.

Thực tế không phải ai cũng đủ can đảm đứng ra tố cáo chống tiêu cực vì sợ bị trả thù, trù dập mặc dù pháp luật hiện hành đã có các quy định để bảo vệ người tố cáo. Song, thực tế là người tố cáo phải tự tìm cách bảo vệ mình trước khi chờ pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp này thì các đơn thư tố cáo có ghi tên, địa chỉ rõ ràng chỉ thuận lợi cho các cơ quan chức năng khi xác minh và giải quyết, chứ không thuận lợi cho việc tố cáo chống tiêu cực.

Như vậy, trong nhiều trường hợp nếu “thẳng tay” bỏ đi những lá đơn tố cáo nặc danh, rất dễ dẫn đến chúng ta đã bỏ phí một kênh thông tin để phát hiện tiêu cực. Do đó, khi dự án Luật tố cáo được đưa ra trước Quốc hội với những quy định không mới đã vấp phải sự phản ứng của nhiều Đại biểu Quốc hội.

Nhiều ý kiến đề nghị với đơn thư tố cáo không rõ, tên, địa chỉ, nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cũng được các cơ quan chức năng xác minh giải quyết.

Một luồng ý kiến “dung hòa” hơn, đề nghị nếu không xem xét thì cũng phải coi đó là một “kênh” để thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.

Về lâu dài, nhiều đại biểu cho rằng, để hạn chế đơn thư tố cáo nặc danh theo thì phải bằng nhiều giải pháp căn cơ, trong đó có việc thường xuyên nâng cao nhận thức, sự hiểu biết pháp luậtpháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ và nhân dân.

Đồng thời, dự án luật phải có cơ chế cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đảm bảo cho người dân an tâm trong tố cáo. Bên cạnh chế tài xử lý nghiêm minh đối với những người cố ý tố cáo sai sự thật với động cơ không trong sáng thì phải có cơ chế hình thức khen thưởng xứng đáng, phù hợp cho người tố cáo đúng.

P.V

Đọc thêm