Theo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Đội Cứu hộ đã cứu được 44 trường hợp du khách tắm biển bị rơi vào vùng xoáy nguy hiểm, trong đó có hai du khách nước ngoài tắm biển tại Khu du lịch bãi tắm Sao Biển và bãi tắm Mỹ Khê. Hầu hết những du khách được cứu đều biết bơi, nhưng do chủ quan dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cần sự ứng cứu kịp thời.
Từ chủ quan dẫn đến nguy hiểm
|
|||
Từ tháng 10 đến tháng 4, biển thường hay có sóng lớn, tạo ra nhiều ao sâu, có dòng nước chảy xiết rất nguy hiểm cho người tắm biển. |
Kể từ khi được tạp chí Forbe của Mỹ bầu chọn biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, du khách các nơi trong và ngoài nước đổ về tắm biển ngày càng đông. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm trong mùa hè, mỗi nhân viên cứu hộ phải quản lý, theo dõi hàng ngàn du khách trên một bãi tắm có bán kính 500m. Sự quá tải cộng với việc thiếu ý thức và chủ quan của du khách đã dẫn đến những cái chết thương tâm xảy ra không đáng có.
Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội Cứu hộ cho biết, trong năm 2009 xảy ra 6 trường hợp chết đuối, trong đó có 3 trường hợp bị đau tim, tai biến ngay sát bờ. Các trường hợp còn lại là rơi vào vùng xoáy nguy hiểm. Những trường hợp cần sự ứng cứu khẩn cấp chủ yếu là học sinh, sinh viên háo thắng, thích khám phá, bất chấp nguy hiểm mặc dù các nhân viên cứu hộ đã cắm biển báo hoặc thổi còi cảnh báo khi du khách đi vào vùng xoáy.
Anh Lê Văn Thơm, nhân viên cứu hộ tổ Nguyễn Chánh cho biết, những trường hợp được cứu và chết đuối tại các bãi tắm dọc đường Nguyễn Tất Thành hầu hết là sinh viên ở các Trường Đại học Thể dục-thể thao, Bách khoa, Sư phạm... Nguyên nhân là do liều lĩnh và không thạo địa hình. Vì vậy, có không ít sinh viên của Trường Đại học Thể dục-thể thao bơi rất giỏi, có thể lực tốt nhưng vẫn bị nước cuốn và chuột rút.
So với các bãi biển khác, biển Đà Nẵng tương đối êm, sóng nhỏ và có bãi tắm thoai thoải, nhưng các nhân viên cứu hộ vẫn cảnh báo, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, biển thường có sóng lớn tạo ra nhiều ao sâu, có dòng nước chảy xiết rất nguy hiểm, do đó người tắm biển cần tránh xa những chỗ có dòng nước xoáy và tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên cứu hộ để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Để bãi biển an toàn hơn
Trong thời gian qua, cùng với các tiện ích công cộng đã được triển khai đáp ứng một phần nhu cầu của du khách khi tắm biển thì công tác trực cứu hộ cũng đã được ngành Du lịch quan tâm đầu tư thỏa đáng. Đội cứu hộ được bố trí trực thường xuyên từ các bãi tắm Liên Chiểu đến Non Nước với 14 trạm cứu hộ. Riêng khu vực từ bãi biển Khu nhà tắm nước ngọt số 1 đến bãi biển Sao Biển bố trí 8 trạm cứu hộ với 33 đội viên. Đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, nhiệt tình, có trách nhiệm, sẵn sàng cứu người trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, trình độ văn hóa và chuyên môn của nhân viên còn thấp, phần lớn chưa được đào tạo căn bản về kỹ năng cứu hộ mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Để biển Đà Nẵng thực sự là điểm đến an toàn cho du khách, hiện nay, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã xây dựng đề án khai thác du lịch biển và được thành phố phê duyệt. Trong đó, công tác cứu hộ đã được chú trọng triển khai như tuyên truyền người dân, du khách tắm theo sự hướng dẫn của nhân viên cứu hộ, vệ sinh môi trường bãi tắm xanh-sạch-đẹp, sử dụng hệ thống loa phóng thanh để hướng dẫn, tuyên truyền vào giờ cao điểm, thả phao khoanh vùng giới hạn an toàn theo hình chữ U tại các bãi tắm. Bên cạnh đó, Đội Cứu hộ thường xuyên tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên cứu hộ và kiểm tra chuyên môn với các kỹ năng bơi lội trong nước, phương pháp dìu, khiêng nạn nhân lên bờ và sơ cứu trong trường hợp nguy kịch.
Tuy yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của các bãi tắm kiểu mẫu phục vụ tốt du khách, nhưng dụng cụ cứu hộ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Ngoài 2 chiếc ca-nô, các nhân viên cứu hộ chủ yếu sử dụng thúng bơi, phao tròn, bơi bộ để ứng cứu du khách. Đặc biệt, trong những ngày hè nóng nực, lượng người tắm biển dày đặc, ca-nô không thể vào được những nơi có đông du khách tắm biển vì phương tiện này có chân vịt. Do đó, theo các nhân viên cứu hộ, việc trang bị mô-tô nước là có hiệu quả thiết thực hơn trong công tác cứu hộ cứu nạn.
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG