Những cơn đau bất thường ở trẻ trong thời gian bú mẹ hoặc từ 2 – 4 tuổi dễ khiến cha mẹ nhầm tưởng là do tiêu hóa. Hãy cẩn thận với lồng ruột, vì nếu không được can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ.
Bệnh mà không phải bệnh
Lồng ruột là hiện tượng một đoạn ruột chui vào đoạn ruột kế cận, khi đó, các mạch máu cũng bị cuốn theo khiến chúng bị nghẹt và tạo nên các tổn thương ở nếp gấp giữa hai đoạn ruột. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi bắt đầu ăn dặm, do nhu động ruột co bóp bất thường, đoạn ruột non và ruột già có sự chênh lệnh quá lớn. Ngoài ra, sau một đợt cảm cúm, hay trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng, nhiễm khuẩn đường ruột như tiêu chảy có liên hệ “mật thiết” với lồng ruột. Một số ít trường hợp do có u bướu, polyp trong lòng ruột, nhân tụy không cố định ở một vị trí...
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nhận biết của các bà mẹ là rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới tình trạng lồng ruột nặng hay nhẹ. Do đó, cần chú ý khi trẻ đột ngột bị đau bụng dữ dội. Với trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi có thể khóc thét từng cơn, ưỡn người kèm theo nôn vọt ra sữa hoặc thức ăn, đó là biểu hiện lồng ruột cấp tính.
Nếu trẻ bị lồng ruột kéo dài (từ triệu chứng đau bụng đến 9 – 10 giờ sau) trẻ có thể bị nôn ra dịch mật hoặc kèm theo đại tiện phân có lẫn máu hoặc chất nhầy. Trẻ càng nhỏ thì dấu hiệu càng sớm do thành ruột mỏng, các khối lồng ruột thường chặt, khó tháo và hoại tử rất nhanh. Còn tình trạng lồng ruột bán cấp hoặc mãn tính thường xuất hiện ở trẻ 3 – 4 tuổi. Các cơn đau bụng kéo dài nhưng thưa và chia làm vài cơn trong ngày, tình trạng này diễn ra trong nhiều tháng. Trẻ chỉ có cảm giác buồn nôn vì khối lồng như “nếp gấp”, có thể biến mất hoặc xuất hiện trở lại.
Lồng ruột ở giai đoạn sớm bụng trẻ mềm, còn nếu bụng cứng, nắn thấy đau nhất ở vùng đại tràng dưới khung sườn phải sang hố chậu bên trái thì đã có biến chứng. Lúc đó, phải tiến hành phẫu thuật mới có thể “giải cứu” trẻ khỏi nguy cơ tử vong.
Thời gian là liều thuốc quyết định
Có những căn bệnh nếu phát hiện sớm thì việc điều trị nhẹ nhàng, đơn giản, cơ thể sẽ trở lại bình thường ngay. Song, nếu để lâu, phát hiện muộn, chỉ vài giờ cũng đủ để bệnh trở nên phức tạp có biến chứng khó lường, thậm chí là tử vong. Lồng ruột là một trong những bệnh như vậy.
Trẻ được cấp cứu trong 24 giờ đầu sẽ được các bác sĩ tháo lồng bằng cách bơm hơi tạo áp lực vừa phải để khối lồng được tháo ra hoàn toàn, chỉ sau vài giờ trẻ có thể xuất viện. Ngược lại, trường hợp lồng ruột để lâu thì cách duy nhất là mổ để tháo khối lồng bằng tay. Còn khi đoạn lồng ruột đã bị hoại tử, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ đoạn ruột đó để tránh thủng ruột dẫn đến viêm màng bụng...g
Anh Minh