Đừng ngăn cách tình người bằng bức tường vô nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quá nhiều người Hà Nội ngỡ ngàng khi giữa thủ đô lại có hàng rào tôn chia cắt một con đường để phòng chống dịch COVID-19. Điều bất ngờ là nó chỉ tồn tại trong 2 ngày.
Việc dựng hàng rào tôn giữa đường gây bất lợi cho dân và không hiệu quả trong việc phòng chống dịch. ảnh tiền phong
Việc dựng hàng rào tôn giữa đường gây bất lợi cho dân và không hiệu quả trong việc phòng chống dịch. ảnh tiền phong

Chính quyền cho biết dựng hàng rào để phòng chống dịch giữa hai địa bàn là Quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, nhưng người dân cho rằng nó không có tác dụng và phản khoa học.

Cuối cùng, số phận của hàng rào tôn dài 200m, cao 2 mét, chia đôi ngõ 54 phố Ngọc Hồi nằm giữa thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) và phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã được tháo dỡ sau 2 ngày dựng lên.

Theo người dân ở đây cho biết, đêm 22/8, dãy hàng rào cao 2m dài 200m được thiết lập từ đầu tới cuối ngõ 54 Ngọc Hồi ngăn cách thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) với phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai).

"Sau khi tiếp thu ý kiến người dân, thị trấn quyết định dỡ hàng rào này để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại địa phương" - Ông Lê Ngọc Thường, Chủ tịch thị trấn Văn Điển chia sẻ.

Vậy ý tưởng có phần “buồn cười, phản cảm” này đến từ ai? Khi mà hàng rào tôn này chỉ dài có 200m như một cách phân chia địa giới. Trong khi đó, người dân hai bên vẫn tiếp tục mua bán, trao đổi hàng hóa qua hàng rào cao 2m.

“Nó chỉ gây khó khăn cho việc trao đổi, mua bán, sinh hoạt, còn mọi việc mua bán giữa hai bên vẫn diễn ra bình thường”. Một người dân cho biết.

Theo quan sát thì việc dựng hàng rào phản cảm này đã ảnh hưởng quá nhiều đến giao thông, mỹ quan đô thị.

"Hàng rào này gây bất tiện trong việc đi đường, cản trở giao thông, ô tô không thể vào được ngõ", một người dân cho biết thêm.

Ngoài ra việc hỏa hoạn, cháy nổ, đưa người đi bệnh viện sẽ gặp muôn vàn khó khăn với bức tường vô cảm này.

Người dân vẫn trao đổi qua hàng rào cao 2 mét

Người dân vẫn trao đổi qua hàng rào cao 2 mét

Virut xâm nhập vào nhau bằng con đường trao đổi qua không khí, trò chuyện, mua bán… Dựng một hàng rào tôn như vậy, nhưng con người vẫn giao tiếp thì sao có thể ngăn chặn được đại dịch?

COVID-19 là “sát thủ vô hình”, không có hàng rào kẽm tôn nào có thể ngăn chặn được nó nếu chúng ta không thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi người dân còn vượt rào trao đổi thì hàng rào ngăn cách đó quá vô nghĩa. Nó xuất hiện chỉ làm xấu bộ mặt đô thị.

TP Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã có các phương án phòng chống dịch bệnh hợp lý. Nhưng cách làm "cực đoan" của chính quyền địa phương nơi đây đã gây ra hiệu ứng không tốt cho người dân và cộng đồng.

Cách chống dịch như vậy vừa lãng phí, gây tổn hại đện đời sống kinh tế của người dân, lại không có hiệu quả. Trách nhiệm của người đưa ra ý tưởng này cần phải được nhắc nhở nghiêm khắc.

"Chăng dây, nhưng không ngăn tình người". Đó là thông điệp rất lớn trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 còn nhiều gian nan, mất mát. Mỗi chính quyền địa phương khi lên phương án chống dịch hãy coi người dân là trọng tâm. Lắng nghe, thấu hiểu, đồng lòng với nhân dân thì chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đọc thêm