Đứng ngồi không yên vì đường lấn, ki ốt "quây" di tích

Đền Mẫu- một di tích cấp quốc gia quan trọng nằm trong quần thể di tích Phố Hiến bị chính quyền địa phương tự ý xây ki ốt kinh doanh và di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - đình làng Ngu Nhuế - bị tự ý di chuyển sang địa điểm khác, câu chuyện này không chỉ khiến người Hưng Yên, mà còn khiến cả những người dân yêu mến di sản đã phải đứng ngồi không yên.

[links()]Đền Mẫu- một di tích cấp quốc gia quan trọng nằm trong quần thể di tích Phố Hiến bị chính quyền địa phương tự ý xây ki ốt kinh doanh và di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - đình làng Ngu Nhuế - bị tự ý di chuyển sang địa điểm khác, câu chuyện này không chỉ khiến người Hưng Yên, mà còn khiến cả những người dân yêu mến di sản đã phải đứng ngồi không yên.

Ki ốt xây dựng quanh đền Mẫu
Ki ốt xây dựng quanh đền Mẫu (Hưng Yên)
9 ki ốt “quây” Đền Mẫu
Đền Mẫu là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu trong quần thể di tích Phố Hiến đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1990. Đây còn là điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều khách đến tham quan, chiêm bái. Đền Mẫu thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. 
Mới đây, Ban quản lý di tích Đền Mẫu và địa phương thực hiện một việc mà khách đến tham quan đặt nhiều dấu hỏi về việc trùng tu nâng cấp.
Cụ thể là ở đây đang thi công 9 gian ki ốt phía trái trước cổng đền, thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích mà chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn và cấp có thẩm quyền cho phép. 
Đầu tháng 7/2012, UBND phường Quang Trung có tờ trình số 64 lập ngày 7/7/2012 lên UBND thành phố Hưng Yên xin được cải tạo, nâng cấp, xây dựng cổng khuôn viên đền Mẫu gồm khuôn viên và 9 gian ki ốt bán hàng thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích. Trong khi còn chờ các cấp có thẩm quyền cho phép thì đồng thời BQL di tích đã cho triển khai xây dựng 9 gian ki ốt và đến nay đang ở giai đoạn hoàn thiện. 
Chưa nói đến việc tiến hành xây dựng khi tờ trình chưa được phê duyệt, thì việc Chủ tịch UBND TP Hưng Yên cho phép cải tạo nâng cấp đền Mẫu là không đúng quy định của pháp luật. Theo Luật Di sản, UBND TP Hưng Yên không có quyền cho xây mới hạng mục thuộc vùng II của di tích cấp quốc gia. Mục 3 điều 32 của Luật Di sản quy định rõ việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp quốc gia phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.
Đầu tháng 9/2012, tức là sau gần 2 tháng từ khi những ki ốt được khởi công xây dựng, Ban quản lý Di tích tỉnh Hưng Yên mới biết việc tự ý xây dựng nói trên. Có nghĩa là khi tiến hành xây dựng ki ốt ở Đền Mẫu, TP. Hưng Yên không báo cáo Ban quản lý Di tích tỉnh Hưng Yên.
Sau đó Ban quản lý Di tích tỉnh Hưng Yên có công văn gửi UBND phường Quang Trung yêu cầu lập hồ sơ về việc xây dựng các gian ki ốt tại Đền Mẫu báo cáo cơ quan chuyên môn và cấp thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo đúng quy trình.  Điều đáng nói là công văn của Ban quản lý Di tích tỉnh Hưng Yên gửi UBND phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên khi mà sự việc đã rồi. Việc làm trên cho thấy sự buông lỏng quản lý và vi phạm Luật di sản văn hoá của chính quyền địa phương cũng như Ban quản lý Di tích.
Ngôi đình bị “xẻ thịt” phơi mưa nắng
Đình Ngu Nhuế tọa lạc tại thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Khúc (Văn Giang, Hưng Yên) được khởi dựng từ thế kỷ 17 và được trùng tu vào thời Tự Đức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngôi đình đã hoàn toàn bị biến mất khỏi vị trí nó tọa lạc từ nhiều thế kỷ, thay vào đó là một công trình mới nằm cách 18m. 
Sự việc bắt đầu năm 2011 khi Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên cấp cho xã Vĩnh Khúc 100 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo ngôi đình này. Theo đó, UBND xã Vĩnh Khúc với tư cách là chủ đầu tư của dự án đã ký hợp đồng với Công ty Thành Đông thực hiện các hạng mục theo đúng dự án đã được UBND huyện Văn Giang thẩm định. 
Việc trùng tu đình Ngu Nhuế bao gồm: hạ giải toàn bộ mái ngói, rui mái cùng một số hoành và cấu kiện nâng đỡ mái, thay thế toàn bộ rui, gộp, một số hoành... bằng vật liệu gỗ táu. Ngoài ra, việc trùng tu, tu bổ được lưu ý phải trên nguyên tắc bảo tồn tối đa hiện trạng của di tích. Một ban kiến thiết được người dân bầu ra để tham gia quản lý quá trình trùng tu này.
Tuy nhiên, từ việc hạ giải toàn bộ mái ngói như dự án, đơn vị thi công và ban kiến thiết đã hạ giải toàn bộ ngôi đình. Ngày 23/2/2012, phần móng của một ngôi đình mới được khởi công đào cách móng của ngôi đình cũ 18m. Các cấu kiện gỗ cũ được dỡ ra cùng với gỗ do ban kiến thiết mua về được kết hợp dựng lên thành khung đình mới. ngôi đình được chắp vá giờ chỉ còn phần mái là hoàn thành. Một số người dân phản đối việc di dời phải góp tiền mua bạt che bảo vệ các cấu kiện cũ bên trong.
Chỉ vì để nâng cấp một con đường bê tông mới chạy qua cửa đình, chính quyền xã Vĩnh An (Hưng Yên) đã xin dịch chuyển ngôi đình cổ khởi dựng từ thế kỷ 17 sang chỗ khác. Ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc cho biết, việc di dời đình đã được tính đến nhiều lần trước đó song điểm mấu chốt dẫn đến việc đi đến quyết định dịch hẳn đền vào sâu bên trong 18m là do công trình làm đường trước đó của huyện
Tranh cãi, căng thẳng suốt mấy tháng trời, người dân khiếu kiện khắp nơi nhưng sự việc chưa được giải quyết. Bộ chờ báo cáo của tỉnh Hưng Yên, tỉnh chờ báo cáo của Sở VH-TT&DL, Sở chờ báo cáo của huyện Văn Giang, còn huyện yêu cầu xã Vĩnh Khúc giải quyết theo đúng thẩm quyền... Trong khi đó, bộ khung chắp vá của ngôi đình cổ không có mái che, các chạm khắc gỗ hàng trăm năm còn lại của di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia bị “xẻ thịt” đêm ngày  phơi nắng, dầm mưa.
Bảo Khang

Đọc thêm