Đừng tiếp tay tội phạm địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sài Gòn đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội trong cuộc chiến chống COVID-19. Con virus tí hon này cũng tình cờ cho người ta thấy những góc khuất trong lĩnh vực địa ốc ở đô thị đông dân và mật độ người chật chội nhất Việt Nam này.
Tháng 8/2021 thắt chặt giãn cách xã hội, nín thở tránh Covid, không được ra khỏi nhà, có ai giao dịch nhà đất?
Tháng 8/2021 thắt chặt giãn cách xã hội, nín thở tránh Covid, không được ra khỏi nhà, có ai giao dịch nhà đất?

Sài Gòn những ngày dịch bệnh, mối quan tâm số 1 của những người sống trong thành phố là sức khỏe và sức khỏe. Nếu không may dính COVID-19 thì rất có thể tất cả những vấn đề khác từng là “mục tiêu” trong đời như nhà, xe, tiền bạc, yêu đương gái trai chỉ còn là thứ phù du.

Sài Gòn những ngày giãn cách không còn cảnh những phố xá đèn hoa lung linh, rực rỡ người xe chen nhau như nêm. Tới lúc này, mới thấy không ít những cửa hàng, cửa hiệu mặt phố trung tâm từng được hét giá bạc tỉ mỗi m2; có bộ mặt thật cũng u tối, nhếch nhác, thường thường như nhiều căn nhà góc phố khác.

Sài Gòn những ngày bùng phát nhiều ngàn ca bệnh mỗi ngày, mới thấy điều kiện sinh sống có thể gây hại cho con người. Những phòng trọ chật hẹp ẩm thấp, những ngõ nhỏ quanh co hai người đi chạm mặt nhau… chính là một trong những tác nhân khiến dịch bệnh hoành hành mạnh hơn, nhanh hơn. Sau trận dịch bệnh thế kỷ này, chắc chắn quan niệm của mọi người về nơi ăn, chốn ở chắc chắn sẽ phải thay đổi.

Sài Gòn những ngày dòng tiền không còn quay vòng vòng không ngừng nghỉ suốt ngày đêm, mới thấy không ít người “ráo mồ hôi là hết tiền”. Bóc hết lớp son phấn khoe trên mạng xã hội, những ảnh sống ảo, nay một gói an sinh cũng quý. Theo ước tính của UBND TP, có đến hàng triệu người cần được hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm, gạo, đường, mắm muối… Lại thêm cả trăm ngàn người lao động ngoại tỉnh đã rời TP về quê tránh dịch chưa xác định chính xác khi nào trở lại, nên nhu cầu nhà đất chắc chắn phải giảm mạnh.

Sài Gòn những ngày “ai ở đâu ở yên đấy”, người Sài Gòn vốn đã quen, nay lại càng gắn bó hơn với thương mại điện tử. Qua rồi cái thời cứ phải sống chết chen nhau đến một cửa tiệm chật chội nào đó để mua một món hàng “hot” bằng được. Ngồi một nơi lướt mạng mua đồ, ít ra sẽ ít nguy cơ gặp F0 hơn. Quan điểm cứ phải kiếm nhà mặt phố mà kinh doanh “offline”, sau đợt giãn cách này, chắc chắn sẽ không còn là xu thế, không còn hút khách như xưa.

Thế nhưng bất chấp thực tế này, một số phương tiện truyền thông thời gian gần đây vẫn đưa tin về một số “báo cáo” của một số Cty bất động sản “tự công bố” cho rằng giá chào bán nhà phố mặt tiền tại TP HCM vẫn tăng ở mức khủng khiếp, “tại quận 1, bình quân các giao dịch đạt gần nửa tỉ/m2; quận 3 và 5 lần lượt đạt giá bình quân 376-384 triệu đồng/m2”. Và “nếu như tháng 6/2021, giá bán nhà ở phố Trần Hưng Đạo quận 1 là 321,2 triệu/m2 thì tới tháng 8, tức là sau 2 tháng, giá bán tăng lên tới 437,5 triệu/m2”.

Không phải chuyên gia nhà đất cũng nhận ra điều phi lý trong “khảo sát” này. Tháng 8/2021 thắt chặt giãn cách xã hội, nín thở tránh Covid, không được ra khỏi nhà, có ai giao dịch nhà đất? Nếu có một vài trường hợp hi hữu thì cũng không thể đại diện cho cả thị trường nhà đất.

Từ lâu nay, dư luận đã vô cùng bức xúc với những “báo cáo khảo sát” của một số Cty môi giới nhà đất, được một số phương tiện truyền thông tung hô lan truyền, nhằm phục vụ mục đích lợi ích nhóm cho một số rất ít cá nhân, một số “cá mập” bất động sản và các “cò” đất đứng sau... Đó chính là một dạng tội phạm địa ốc, nên xin hãy đừng tiếp tay cho những “báo cáo khảo sát” nhiễu nhương, đừng làm nhiễu loạn thị trường như vậy nữa.

Đọc thêm