Đừng vội đánh giá hiệu quả giao thông sau một tuần đổi giờ!

Một tuần sau quyết định đổi giờ học, giờ làm tại Thủ đô (1/2), cho đến nay, tình hình giao thông tại Thủ đô vào giờ cao điểm đã cải thiện được phần nào nạn ùn tắc nghiêm trọng nhưng xung quanh việc đổi giờ,  còn quá nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều lãnh đạo Hà Nội cho rằng, quyết định đổi giờ còn có nhiều bất cập và trong thời gian tới cần điều chỉnh thì lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, nếu không hiệu quả, Bộ sẽ chịu trách nhiệm!

Một tuần sau quyết định đổi giờ học, giờ làm tại Thủ đô (1/2), cho đến nay, tình hình giao thông tại Thủ đô vào giờ cao điểm đã cải thiện được phần nào nạn ùn tắc nghiêm trọng nhưng xung quanh việc đổi giờ còn quá nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều lãnh đạo Hà Nội cho rằng, quyết định đổi giờ còn có nhiều bất cập và trong thời gian tới cần điều chỉnh thì lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, nếu không hiệu quả, Bộ sẽ chịu trách nhiệm!

Cần phải chờ thời gian tới để đánh giá quy định đổi giờ học, giờ làm một cách toàn diện

Có vẻ là tín hiệu đáng mừng…

Cho đến ngày 6/2, Sở GTVT TP.Hà Nội đã tổ chức sơ kết 6 ngày thực hiện phương án đổi giờ học, làm việc ở TP. Các đại biểu đều đánh giá, giao thông tại một số tuyến phố thường xuyên ùn tắc đã chuyển biến tích cực, đặc biệt trong thời gian cao điểm sáng.

Tình trạng phải chờ 10-15 phút và hơn nữa mới qua được ngã tư không còn. Đại diện Công an các quận, huyện Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Từ Liêm... đều có chung nhận định, tình hình giao thông ở địa bàn đã chuyển biến tích cực. Ông Phạm Ngọc Kim (Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm) trao đổi với báo chí: “Sau một tuần thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm, giao thông khu vực huyện Từ Liêm có vẻ thông thoáng hơn nhưng nguyên nhân phần lớn là hạ tầng cơ sở, con đường 32 đã hoạt động tốt cả hai chiều”.

Còn đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, buổi sáng, trưa, tình hình giao thông thuận lợi, giảm ùn ứ, nhưng cuối giờ chiều, có một số điểm ùn ứ, tập trung tại khu vực cổng các trường tiểu học và THCS. Để khắc phục tình trạng đó, bên cạnh tăng cường lực lượng, đại diện Phòng CSGT kiến nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường bố trí thời gian tan học theo từng khu vực, từng cấp học.

Ông Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ) cung cấp, sau 5 ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm, các tuyến xe buýt đã tăng 700 lượt nhờ đường thông thoáng hơn. Sở đã tăng thêm 6 xe buýt tăng cường và 7 xe buýt nhanh. Mỗi ngày, xe buýt vận chuyển thêm hàng nghìn lượt khách và không còn tình trạng chen chúc trên xe giờ cao điểm…

Nhưng, vẫn cần phải chờ thời gian để đánh giá

Điểm nổi bật khiến dư luận chưa đồng tình là giờ tan học ca chiều của khối THPT từ 19h là quá muộn, có ảnh hưởng tiêu cực đối với một số học sinh khối này. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, ở khối THCS, theo quy định hiện nay ca sáng bắt đầu từ 8h, ca chiều tan lúc 17h, nên khi cả hai ca đều học 5 tiết thì khoảng thời gian giữa hai ca chỉ có nửa giờ, gây khó khăn cho cả học sinh và giáo viên.

Ở các trường mầm non, theo quy định đổi giờ này, các thầy, cô giáo phải làm thêm 30 phút/ngày, nhưng các trường chưa có phương án hỗ trợ kinh phí. Một điểm hết sức đáng chú ý được phản ánh từ các đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT là các trường quá cứng nhắc trong việc thực hiện.

Ở nhiều trường hoàn thành việc học xong từ 15-16h nhưng vẫn bắt học sinh và phụ huynh phải đợi đúng đến 17h mới được về. Chuyện này cũng xảy ra đối với một số cấp học khác, trong đó có một số trường THPT. Đi kèm theo đó là đèn điện phải lắp thêm để chiếu sáng tại sân trường, để rồi tiền đèn, tiền điện lại bổ xuống túi tiền của phụ huynh qua “con đường” học phí.

Tại các tuyến đường Thái Thịnh, Đê La Thành, Nguyễn Trường Tộ, Trúc Khê… trở thành các điểm ùn tắc mới khi có quá nhiều phụ huynh đón con sau giờ tan học. Điều này đã được lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội nêu ý kiến bởi các tuyến đường này vốn bình thường không ùn tắc vào thời điểm trên.

Lấy ví dụ tuyến đường Đê La Thành, vốn đã là tuyến đường hẹp nhưng mật độ giao thông lại rất lớn. Tuyến đường trong những ngày đầu đổi giờ khi sinh viên vẫn còn nghỉ Tết thì rất thông thoáng, nhưng trong 3 ngày đầu tuần này khi sinh viên của ba trường ĐH ĐH Văn Hóa, Mỹ thuật công nghiệp và Sân khấu Điện ảnh đã đi học trở lại thì vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều đã trở thành điểm ùn tắc nghiêm trọng. 

Như vậy, lời nhận định của ông Phạm Ngọc Kim (Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm) rằng “Để đánh giá việc đổi giờ có hiệu quả giảm ùn tắc giao thông hay không là còn quá vội” không phải là không có lý. Tương tự, lãnh đạo Sở GT&VT Hà Nội cho rằng, cho đến lúc này, khi các trường ĐH, CĐ còn chưa hoạt động trở lại, một khối lượng lớn sinh viên chưa quay trở lại Thủ đô thì điều kiện kiểm chứng còn chưa thực sự đầy đủ.

Đó là chưa kể việc công nhân của hàng loạt các công trình xây dựng, lao động nhàn rỗi trong các gia đình và cả lao động tự do cũng chưa bắt đầu vào công việc. Chính vì thế, cần phải đợi sau ngày 15/2 tới đây mới có thể nhìn nhận lại toàn bộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm.

Về phía thành phố HN, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng cho rằng đây chỉ là một trong nhiều biện pháp nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để khi không đạt kết quả lại đánh giá biện pháp này thất bại là không đúng.

Trước ý kiến của các ngành về điều chỉnh lại giờ, Bí thư Thành ủy đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh thời gian tan học của cấp THPT từ 18h, thay vì 19h. Dự kiến sau một tuần đến 10 ngày nữa, UBND Hà Nội sẽ ra quyết định về điều chỉnh lại giờ học.

Còn về phía Bộ GTVT, chiều 7/2, trao đổi với phóng viên PLVN, ông Trần Ngọc Thành (Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT) cho hay, mới đây, Bộ GT&VT đã có chủ trương làm việc với UBND TP.Hà Nội vào cuối tháng 2/2012  để ghi nhận ý kiến của thành phố về vấn đề thực hiện đổi giờ làm, giờ học. Từ đó, Bộ GTVT sẽ có đánh giá, quyết sách phù hợp. 

“Ưu tiên” giải quyết phần ngọn của tắc đường?

Trên nhiều diễn đàn internet, các phản hồi trên nhiều tờ báo cho thấy, hầu hết người dân bày tỏ bức xúc với những quy định đổi giờ như hiện nay. Một độc giả tên Hoàng Minh Thái ở Thái Hà, HN bày tỏ: “Người dân có thể ra đường bất kỳ lúc nào, vấn đề đổi giờ học, giờ làm phải chăng chúng ta đang làm từ phần ngọn chứ không phải từ phần gốc của vấn đề là tắc đường bởi sự gia tăng quá nhanh lượng phương tiện giao thông ra đường?”.

Uyên Lê

Đọc thêm